Bộ Xây dựng đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
(KTVN) – Trên cơ sở thực tiễn và yêu cầu đổi mới công tác quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiên cứu, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Luật Quy hoạch đô thị được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2010; Luật Xây dựng (gồm Chương II quy định về quy hoạch xây dựng) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Sau khi Luật Quy hoạch năm 2017 (Luật số 21/2017/QH14) được Quốc hội khóa XIV ban hành, một số điều tại hai luật nêu trên đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 (Luật số 35/2018/QH14) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 (Luật số 62/2020/QH14) nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định về quy hoạch tại Luật Quy hoạch năm 2017.
Sau 12 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 07 năm thi hành Luật Xây dựng cho thấy hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn cơ bản được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị, nông thôn và khu chức năng, khai thác hiệu quả sử dụng đất, góp phần nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống của người dân, đóng góp vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 là bước tiến quan trọng trong lịch sử xây dựng, phát triển và hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng của nước ta. Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 (Chương II) đã khắc phục được các tồn tại, bất cập trước đó, góp phần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đầy đủ và hiệu quả của hệ thống pháp luật về quy hoạch, làm cho hệ thống văn bản pháp luật của nước ta tiến gần hơn với hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tiên tiến trên thế giới. Các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng tại các Luật đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị – nông thôn, tạo lập môi trường sống, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Chương II Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là cơ sở pháp lý tạo lập công cụ quản lý chủ động và hiệu quả của Nhà nước để kiểm soát sự phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị – nông thôn theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện.
Từ cơ sở lý luận, thực tiễn Việt Nam và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới cho thấy việc ban hành Luật điều chỉnh về Quy hoạch đô thị và nông thôn là hết sức cần thiết, làm công cụ pháp lý có hiệu lực, hiệu quả cao, đồng bộ, thống nhất nhằm điều chỉnh toàn diện các hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
Theo Bộ Xây dựng, mục đích xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo công cụ pháp lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực cao để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn. Phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức, cá nhân và xã hội trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; đảm bảo lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.
Đề cương Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 3 Chương, 52 Điều. Trong đó, Chương I -Những quy định chung; Chương II – Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn; Chương III – Tổ chức thực hiện và quản lý theo quy hoạch đô thị và nông thôn; Chương IV – Trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; Chương V – Điều khoản thi hành.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
PV