Di sản kiến trúc thời Pháp: Bảo tồn điểm nhấn, theo hướng bền vững
Đã có nhiều hiến kế trong việc bảo tồn các công trình kiến trúc thời Pháp tại Hà Nội. Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, các chuyên gia cho rằng giải pháp tối ưu là bảo tồn thích ứng và linh hoạt giải pháp theo từng ô phố.
Học theo mô hình bảo tồn thích ứng
Theo TS.KTS Trương Ngọc Lân – Phó Trưởng khoa Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng), để gìn giữ các công trình theo lối kiến trúc Pháp cổ, đồng thời tiếp tục phát triển, khai thác hiệu quả kinh tế – xã hội từ những công trình ấy, chúng ta nên học tập theo mô hình “bảo tồn thích ứng”.
Ví như công trình cầu Long Biên đã từng có quan điểm phá bỏ cây cầu, xây cầu mới phù hợp với nhu cầu hiện đại hóa của các công trình giao thông. Thế nhưng, khi Bộ GTVT dự kiến đưa ra để chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu đưa ra phương án về vị trí cầu đường sắt sông Hồng, cũng như các giải pháp cải tạo cầu Long Biên đã gặp phải phản ứng dữ hội của giới kiến trúc và di sản cũng như người dân. Theo các chuyên gia, ngành giao thông đang ứng xử với cầu Long Biên như một công trình giao thông mà chưa nhìn nhận nó ở góc độ di sản.
Sau rất nhiều ý kiến bảo vệ, Hà Nội đã đi đến quyết định nghiên cứu khôi phục công trình có giá trị lịch sử đặc biệt – cầu Long Biên. Lúc này, cầu Long Biên trở thành cầu dân dụng của khu dân cư trung tâm Hoàn Kiếm – Gia Lâm chứ không phải cầu vận tải, nghĩa là tìm cách giảm áp lực giao thông lên công trình hơn 100 tuổi để giữ lại nguyên vẹn giá trị kiến trúc lịch sử của nó.
Ở Hà Nội có rất nhiều công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mặc dù chưa được công nhận là di sản nên chưa được bảo vệ theo Luật Di sản nhưng có giá trị kiến trúc đặc biệt nên vẫn cần các quy chế bảo vệ, phát huy.
Các chuyên gia cũng nhận định, ở một số quốc gia, những công trình thậm chí chưa được công nhận là di sản nhưng trong vùng được bảo tồn, bảo vệ thì được quản lý khá tốt, ý thức chấp hành của người dân cũng rất cao. Họ có những ràng buộc bởi luật, pháp luật rõ ràng, chi tiết. Người dân vẫn có thể khai thác hiệu quả kinh tế – xã hội từ những công trình đó, đồng thời bảo tồn, gìn giữ phần cốt lõi của công trình kiến trúc. Đó là mô hình “bảo tồn thích ứng”, nhằm gìn giữ và bảo vệ giá trị kiến trúc nhưng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội.
Giải pháp cho từng ô phố
Theo đánh giá của 2 nhà nghiên cứu kiến trúc và quy hoạch Trần Quốc Bảo, Nguyễn Mạnh Trí – khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng: Một trong những đặc điểm các khu vực được người Pháp quy hoạch xây dựng tại Hà Nội đó là các ô phố được chia vuông vắn, mang tính hình học cao. Về công năng của hệ lưới ô phố hình học này có thể được chia là 3 dạng: Ô phố nhà ở, ô phố công trình công cộng, ô phố hỗn hợp.
Dạng chiếm tỷ lệ lớn nhất là các ô phố nhà ở. Những ô phố kiểu này có thể thấy ở khắp nơi trong TP. Khu phố dành cho người Pháp phía Nam hồ Hoàn Kiếm, ở khu vực phía Tây của TP như khu Ba Đình, Quán Thánh hoặc khu vực dành cho công chức người Việt ở khu Bùi Thị Xuân.
Dạng ô phố tiếp theo là dành riêng cho các công trình công cộng như một công trình hành chính, một trường học, một bệnh viện lớn. Cấu trúc ô phố kiểu này cũng thường xuất hiện ở khu vực trung tâm khu phố Pháp.
Dạng ô phố cuối cùng là ô phố hỗn hợp. Đây là những ô phố bao gồm cả công trình công cộng và nhà ở. Những ô phố kiểu này thường xuất hiện ở khu vực trung tâm của khu phố Pháp từ khu vực quảng trường Ba Đình tới khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm tới phố Trần Hưng Đạo.
Với những công trình công cộng lớn có thể tham khảo hồ sơ thiết kế ban đầu tại trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Bảo tồn và tôn tạo hình khối, mặt đứng công trình nhằm giữ được hoặc tìm lại tính nguyên bản của công trình. Trong trường hợp ô phố hỗn hợp nên linh hoạt chuyển đổi các biệt thự kiểu Pháp sang chức năng phục vụ cộng đồng để không làm ảnh hưởng tới các giá trị cần bảo tồn.
Lập hồ sơ chi tiết các công trình công cộng có giá trị đặc biệt để phục vụ công tác bảo tồn và tôn tạo. Khuyến khích chỉnh trang sân vườn, cây xanh trong khuôn viên các công trình nếu còn những khoảng không gian này còn tồn tại” – Trần Quốc Bảo , Nguyễn Mạnh Trí – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng cho hay.
Có thể nói, giá trị của kiến trúc Pháp tại Hà Nội đã được khẳng định trong thời gian qua. Tuy nhiên, đứng trước sự biến đổi về văn hóa, xã hội và kinh tế, quỹ di sản đô thị này đang dần bị mai một. Vì vậy, vấn đề cấp thiết đề ra là cần phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ phá hủy, làm hư hỏng các công trình kiến trúc, các quần thể, các tuyến phố có giá trị.
Giải pháp bảo tồn bền vững nhất thiết phải có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản, các tổ chức có trụ sở là công trình di sản, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến khu vực di sản, các tổ chức và chuyên gia về vấn đề bảo tồn di sản.
Việc trao đổi tương tác giữa các nhóm cộng đồng trong quá trình bảo tồn, sẽ tạo sự minh bạch về thông tin và lòng tin trong quá trình xây dựng chính sách, quy chế bảo tồn, các dự án bảo tồn. Người dân và tổ chức gắn với khu vực di sản cũng như các tổ chức và chuyên gia bảo tồn cần được tham vấn trong toàn bộ quá trình bảo tồn.
“Các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp chính là một quỹ tài sản đô thị đặc biệt của TP Hà Nội. Về mặt kinh tế, cần phải có một chiến lược khai thác hợp lý và lâu dài các giá trị của khối tài sản này.
Bên cạnh đó, khai thác hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính có tác dụng hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì di tích, các công trình thường xuyên và hiệu quả. Đây chính là một hình thức tái đầu tư để phát triển.
Một trong số những cách làm hiệu quả đó là việc thông qua du lịch. Bản thân mỗi công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa nhất định.
Kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội, đầu thế kỷ XX vốn được ca tụng với những TP đẹp nhất vùng Viễn Đông. Các công trình từ kiến trúc biệt thự, dinh thự, hay khu phố Pháp đều có thể trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Tùy theo các đặc điểm về công năng sử dụng, giá trị văn hóa, hình ảnh kiến trúc của công trình mà chúng ta có đưa ra những giải pháp linh hoạt ở các cấp độ khác nhau từ công trình – tuyến phố – khu vực di sản.” – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam – KTS Hoàng Đạo Kính
“Gìn giữ các di sản kiến trúc trong lòng Thủ đô hiện nay như một cuộc chiến giữa thời bình. Hiện trạng tư nhân hóa nhiều biệt thự dẫn tới sự quá tải của công trình. Mỗi biệt thự ngày xưa được thiết kế cho một gia đình, nay có đến cả chục hộ cùng chung sống.
Tuổi thọ công trình quá cao, trong khi đó công tác duy tu bảo dưỡng thì quá hời hợt. Với những công trình đã xuống cấp cần phải khảo sát, đánh giá các bộ phận hư hỏng, mức độ hư hỏng. Tiến hành trùng tu trên cơ sở các tài liệu lưu trữ, ảnh chụp trước đây hay các tài liệu có tính khoa học khác để không dẫn tới sự biến đổi tính nguyên bản của công trình. Đây là một quá trình đòi hỏi có sự nghiên cứu tỉ mỉ, khách quan và khoa học, tránh những sự nhầm lẫn của các bộ phận kiến trúc phát sinh sau 1954.” – Chánh Văn phòng Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam – KTS Phạm Thanh Tùng
Lan Ngọc/Kinh tế Đô thị