Công trình xanh – Quy hoạch xanh cần Nhà lãnh đạo xanh
Ý kiến đại biểu tại Hội thảo “Xu hướng phát triển Công trình xanh trong kiến trúc Việt Nam” (Viện Kiến trúc Quốc gia – Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)
Để hướng đến kiến trúc xanh trong định hướng xanh, chúng ta bắt buộc phải làm tổng thể và phải có những nhà “lãnh đạo xanh”. Điều chúng ta cần cũng là những nhà “lãnh đạo xanh”. Có “lãnh đạo xanh” mới đề xuất được các vùng xanh, từ đấy mới có các CTX… Để chứng minh cho điều này tôi xin đưa một số luận điểm và ví dụ:
Có nhiều công trình kiến trúc đoạt giải CTX nhưng lại nằm trong khu vực môi trường ô nhiễm. Vậy vấn đề gì đặt ra trong bối cảnh này đối với các nhà quản lý và đơn vị xét duyệt cấp chứng nhận CTX? Vấn đề đặt ra là chưa có vùng xanh thì làm sao có CTX? Trong thực tiễn có một vấn đề rất lớn đang tồn tại. Đó là trong tất cả các quy định (ví dụ Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam được công bố ngày 24/7/2011) 03 tiêu chí đều liên quan đến môi trường, quy hoạch, địa điểm bền vững. Việc giữ được tất cả điều kiện tự nhiên, địa hình đều được thể hiện rất rõ. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả đồ án quy hoạch các tỉnh đang thực hiện theo Luật Quy hoạch mới đây hoàn toàn chưa tiếp cận với những vấn đề này. Trong khi đó, theo kế hoạch, đến tháng 12/2022, 63 tỉnh thành phải hoàn thành tất cả các đồ án quy hoạch của mình. Vậy vấn đề trên sẽ ra sao? Tiếp theo, làm đồ án từng tỉnh một, nhưng không bật được vùng, không liên kết vùng thì tích hợp thế nào? Phát huy lợi thế ra sao?
Một ví dụ rất rõ, khi làm điều chỉnh quy hoạch Bình Thuận, một câu hỏi tưởng như phi lý đã đặt ra là: Bình Thuận nằm ở Đông Nam Bộ hay nằm trong 5 tỉnh Duyên Hải miền Trung? Nếu vẫn chưa xác định được thì một định hướng dễ hình thành trong sự so sánh, cạnh tranh phát triển không lành mạnh. Nó tạo ra một sự lãng phí đặc biệt về tài nguyên.
Ninh Thuận là một trong ba khu vực có điều kiện phát triển về tài nguyên, đặc biệt năng lượng điện gió, điện mặt trời rất lớn. Chưa nói, ở đấy còn có những điều kiện khác nữa… Do vậy Ninh Thuận cần được quy hoạch là vùng xanh. Trong 105,8km bờ biển Ninh Thuận, chỉ có 23,1 km bờ biển có thể khai thác được du lịch biển truyền thống. Các khu vực còn lại không thể khai thác được. Và Ninh Thuận đã có 70.000ha các dự án về điện gió và điện mặt trời. Điều này đã làm Ninh Thuận thay đổi rất lớn. Đấy chính là bài toán về tiết kiệm năng lượng.
Một câu chuyện khác: Trong Đồ án quy hoạch Vùng Thủ đô, Hưng Yên là vùng trung tâm của vùng Nam Thủ đô, cộng với cả trung tâm vùng Châu thổ sông Hồng. Thành phố Hưng Yên trở thành thành phố được gọi là “cường quốc” của khu vực, phát triển về văn hóa. Nhưng mới đây, Hưng Yên đã điều chỉnh toàn bộ đô thị Phố Hiến từ 1.000ha xuống 300ha. Còn lại 700ha dành cho công nghiệp, mà công nghiệp không phải là công nghiệp phát triển bền vững, dạng cần thiết như logistic, mà là khu công nghiệp nhỏ lẻ. Việc khai thác mà tận dụng tối đa tài nguyên hữu hạn là đất đai đã làm cho Hưng Yên mất đi toàn bộ cái gọi là phát triển bền vững. Đặc biệt nó nằm trong Vùng Thủ đô, nằm về đầu gió, hướng tới sông Hồng, sau ba huyện của Hà Nội là Thường Tín, Thanh Trì, Phú Xuyên. Trong khi đó, hướng phát triển bền vững bao gồm rất nhiều tiêu chí.
Một đồ án quy hoạch, tùy theo cấp độ, đều có những điều chỉnh thích ứng và niên hạn sử dụng. Không ai nhìn một tầm nhìn mà lớn được, nhất là với đồ án quy hoạch đến tận năm 2050. Rào cản lớn nhất hiện nay là tính nhiệm kỳ trong vận hành hệ thống tổ chức chính trị. Những chủ trương, nghị quyết của lãnh đạo cũ sẽ được tiếp nhận xử lý như thế nào đối với lãnh đạo mới? Khi đó nhiều vấn đề về năng lực, nhận thức của lãnh đạo mới cũng được bộc lộ rõ.
Quay trở lại vấn đề, muốn có kiến trúc xanh thì phải có CTX, nằm trong quy hoạch xanh. Những nghiên cứu, đề xuất này phải được đề xuất tới chính đơn vị đang kiểm soát, quản lý các công việc này, đặc biệt là Bộ Kế hoạch & Đầu tư để điều tiết việc này. Phải có quy chế ngay trong các quy định của quy hoạch tỉnh thành, trong sự liên kết của các tỉnh để tiết kiệm nguồn tài nguyên hữu hạn là đất đai./.