14/10/2021

Hiện đại hóa hồ sơ địa chính: Kiện toàn công tác quản lý đất đai

Việc số hóa hồ sơ địa chính, dữ liệu đất đai không chỉ giúp cho công tác quản lý được tổ chức một cách bài bản, minh bạch, mà còn giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiền của trong quá trình làm thủ tục đầu tư, xây dựng. Nhưng trên thực tế, công tác này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội.

KTS Trần Huy Ánh

Ông có đánh giá thế nào về công tác lưu trữ hồ sơ đất đai, địa chính của Việt Nam trong thời gian gần đây?
– Thời gian qua, Bộ TN&MT với chức năng là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng đất đai. Luật Đất đai 1993 quy định, Chính phủ chỉ đạo, tổ chức việc lập bản đồ địa chính thống nhất trên phạm vi cả nước. Cơ quan quản lý đất đai T.Ư (Bộ TN&MT) ban hành quy trình kỹ thuật, quy phạm xây dựng bản đồ địa chính. Bản đồ địa chính gốc được lưu giữ ở Bộ TN&MT, bản sao lưu giữ tại các địa phương có giá trị như bản gốc.
Luật Đất đai hiện hành quy định, Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định về kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật trong việc cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp. Tuy nhiên, hồ sơ địa chính nhiều địa phương không đủ 3 bộ, bị thất lạc khi thay cán bộ. Nhiều địa phương giao đất dự án, thu hồi, chuyển đổi biến động đất đai nhưng không cập nhật hồ sơ khiến công tác quản lý đất đai xảy ra rất nhiều thiếu sót.
Đâu là nguyên nhân xảy ra tình trạng trên và nó gây ra những hệ quả như thế nào?
– Luật Đất đai 1993 sửa đổi năm 2003 và 2013, nhưng hệ thống hồ sơ địa chính còn nhiều hạn chế, thiếu cơ sở dữ liệu chung, công tác kiểm kê, tính toán được đầu tư nguồn lực lớn mà hiệu quả chưa cao, dẫn đến các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm 70 – 80%, gây bức xúc xã hội.
Đơn cử như trường hợp ở Thủ Thiêm (TPHCM) kéo dài đằng đẵng hơn 20 năm; hay bất cập của dự án Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình), rộng hơn 1.500ha, do doanh nghiệp Xuân Trường đầu tư.
Từ 2006-2012, tỉnh Ninh Bình giao đất cho 3 cơ quan (Sở VHTT&DL, Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An, UBND huyện Gia Viễn). Năm 2019 Bộ TN&MT thông tin việc giao đất này không thể hiện loại đất – mục đích sử dụng đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 Luật Đất đai… Điều này cho thấy cần thay đổi căn bản nhằm nâng cao chất lượng toàn bộ hệ thống  hồ sơ – bản đồ địa chính, bởi cứ để nguyên trạng thì tư liệu vẫn thiếu tin cậy, chất lượng thấp, dù luật sửa đổi bao nhiêu thì quản lý vẫn trì trệ, lạc hậu.

Cấp thiết phải số hóa dữ liệu đất đai để hạn chế tình trạng tranh chấp, khiếu kiện (Ảnh: Mai Vân)

Trong suốt 15 năm qua, Nhà nước đầu tư nhiều tiền của cho việc kiện toàn hồ sơ địa chính. Năm 2006, Bộ TN&MT thực hiện dự án 234 tỷ đồng đo vẽ bản đồ địa chính đất rừng, nhưng mới khoanh định tổng thể, chưa phân định chi tiết. Hầu hết các lâm trường quốc doanh không có bản đồ phần đất đang quản lý, tranh chấp đất rừng đang xảy ra trên diện tích rộng, đến nay vẫn nan giải. Năm 2021, Bộ TN&MT công bố kết quả tổng kiểm kê đất đai nhưng chỉ có số liệu không kèm bản đồ.
Vậy đâu là giải pháp để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
– Ngành địa chính thế giới đã ứng dụng rộng rãi công cụ quan trắc bề mặt Trái đất (Earth Observation) kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để lập hồ sơ địa chính chính xác, nhanh chóng, do rút ngắn thời gian phân tích, tổng hợp dữ liệu thủ công nên giảm chi phí nhân công, đầu tư hạ tầng. Bản đồ ảnh vệ tinh, không ảnh từ thiết bị bay chụp không người lái (UAV) cho sản phẩm chất lượng cao, chi phí thấp, thân thiện với mọi người, vì vậy vấn đề cấp thiết hiện nay là cần phải hiện đại hóa hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào công tác thu thập dữ liệu quản lý tài nguyên quốc gia. Hiện nay, công tác tổng kiểm kê tài nguyên quốc gia và tổng kiểm kê đất đai toàn quốc đều do Bộ TN&MT lập để án, thực hiện, nghiệm thu, công bố. Mô hình bộc lộ nhiều hạn chế về công nghệ, quy trình thực hiện lạc hậu, nội dung không đáp ứng thực tiễn, tiến độ chậm, thiếu năng lực liên thông đa ngành… dẫn đến hạn chế về hiệu lực quản lý.
Xin cảm ơn ông!
Mai Vân/Kinh tế Đô thị