Thành phố không rác thải ở châu Âu
Ljubljana, thủ đô Slovenia, là thành phố đầu tiên ở châu Âu cam kết mục tiêu tái chế hoàn toàn rác thải.
15 năm trước, mọi rác thải của Ljubljana đều được đưa về bãi chôn lấp. “Đó là giải pháp tốn kém, chiếm dụng không gian và lãng phí tài nguyên”, Nina Sankovic, chuyên gia của công ty quản lý rác thải Voka Snaga, nói.
Đứng trên ngọn đồi xanh tươi tốt, nơi sinh sống của nhiều đàn hươu, thỏ và rùa, bạn có thể nhìn thấy Ljubljana từ xa. Không khí rất trong lành, dấu hiệu duy nhất cho thấy chúng ta đang đứng trên bãi rác sâu 24 mét là những ống dẫn khí methane vươn lên từ mặt cỏ.
Ljubljana là thủ đô đầu tiên ở châu Âu cam kết không rác thải. Bắt đầu từ 2002, thành phố đặt những thùng thu thập và phân loại giấy, thủy tinh, bao bì bên vệ đường. 4 năm sau, thành phố bắt đầu thu gom rác thải sinh học tận cửa. Người dân châu Âu tới năm 2023 mới bắt buộc phải phân loại rác sinh học, nhưng Ljubljana đã đi trước gần 20 năm.
Năm 2013, mọi ngôi nhà trong thành phố đều nhận được thùng rác phân loại bao bì và giấy thải. Người dân cũng buộc phải tự phân loại rác và quy định này đưa tới kết quả ấn tượng.
Năm 2008, thành phố chỉ tái chế 29,3% rác thải, kém xa so với những nước châu Âu khác. Ngày nay, số rác thải được tái chế chiếm tới 68%, tỷ lệ rác được đưa về bãi chôn lấp giảm 80%, đưa Ljubljana lên vị trí đầu trong bảng xếp hạng các thành phố tái chế rác hiệu quả ở châu Âu. Thủ đô Solvenia hiện chỉ tạo ra 115 kg rác/đầu người mỗi năm.
Nhà máy xử lý chất thải sinh học hiện đại nhất châu Âu ở Ljubljana đi vào hoạt động là bước tiến lớn đáp ứng cam kết tái chế tối thiểu 75% rác thải tới năm 2025. Trung tâm Quản lý Chất thải Khu vực (RCERO) bắt đầu hoạt động năm 2015 và ngày nay, nó phục vụ gần một phần tư đất nước khi sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất nhiệt và điện, xử lý 95% chất thải còn lại thành vật liệu tái chế và nhiên liệu rắn, giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống mức chưa đầy 5%. Trung tâm thậm chí còn biến chất thải sinh học thành phân bón chất lượng cao.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là tái chế rác, mà còn là ngăn ngừa nạn xả rác bừa bãi và khuyến khích tái sử dụng rác. Ngoài thu thập rác tại nhà, Ljubljana còn có hai trung tâm xử lý rác thải sinh hoạt, nơi công dân được phép vứt rác. Một địa điểm rất phổ biến nằm gần RCERO, nơi có hơn 1.000 lượt vứt rác mỗi ngày và thành phố có kế hoạch xây dựng ít nhất ba điểm nữa, cùng 10 điểm nhỏ hơn ở những khu vực đông dân trong nội đô.
“Tôi không nhớ chúng tôi bắt đầu phân loại rác từ khi nào”, Henrik, một người dân tới vứt rác nói. “Tôi biết chính xác nơi đặt các thùng phân loại rác và phân loại sẵn rồi mang tới đây”.
Những thứ vẫn dùng tốt sẽ được kiểm tra, làm sạch và bán lại với giá rẻ. Hàng tuần đều có hội thảo dạy người dân cách sửa chữa vật dụng hỏng hóc trong nhà.
Những cửa hàng không rác thải là xu hướng mới ở Ljubljana, nơi công ty quản lý rác Voka Snaga đặt hệ thống đóng gói không bao bì cho các loại nhu yếu phẩm. Thành phố còn một sáng kiến nữa là các cơ quan chính quyền sử dụng giấy toilet sản xuất từ vỏ hộp sữa và nước trái cây tái chế.
Ở trung tâm thành phố, nơi đất chật người đông, Voka Snaga lắp đặt 67 thùng thu thập rác dưới lòng đất, người dân được phát thẻ đổ rác. Do đó, dù chật cứng khách du lịch, trung tâm thành phố luôn sạch sẽ. Người thu gom rác đi bộ, máy quét rửa đường sử dụng nước mưa hứng từ mái nhà của Voka Snaga và chất tẩy rửa sinh học. Mọi ngóc ngách đều có thùng phân loại rác riêng.
Ljubljana vẫn đối mặt nhiều thách thức trong xử lý rác. Đó là những tòa chung cư khó xác định người vứt rác không phân loại, hay lượng rác khổng lồ từ cốc nến thải ra mỗi ngày. Người Slovania xếp thứ ba thế giới về sử dụng nến.
Quay lại bãi rác, Lidija Cepon, chuyên gia của RCERO, chỉ tay vào một đống nhỏ giống như đất đen được một lớp xỉ mỏng phủ lên.
“Lớp đen đó là những thứ thải ra từ RCERO”, cô nói, giọng đầy tự hào. “Trên nó là lớp chất trơ. Chúng tôi đã cùng nhau đạt mục tiêu chôn lấp chưa tới 5% rác thải”.
Theo Hồng Hạnh/VnExpress