Chủ tịch Hà Nội: ‘Chuyên gia đánh giá xe buýt nhanh ở Hà Nội hiệu quả’
Ông Nguyễn Đức Chung cho hay, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đánh giá cao dự án xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội.
Ngày 8/10, tại cuộc tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 1 (các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải đáp nhiều ý kiến của người dân.
Trước ý kiến của cử tri quận Tây Hồ về dự án xe buýt nhanh BRT tuyến Kim Mã – Yên Nghĩa, ông Chung thông tin, sau gần hai năm đưa vào sử dụng, tỷ lệ vận chuyển hành khách từ 43% đã nâng lên 52%.
Theo ông Chung, dự án BRT thực hiện bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới và so sánh các tuyến BRT mà Ngân hàng Thế giới đầu tư tại các nước, thì tuyến BRT ở Hà Nội là một trong những dự án có hiệu quả.
“Đây là ý kiến của Ngân hàng Thế giới chứ tôi không nói mang ý gì tranh luận lại với các cử tri”, Chủ tịch Hà Nội phát biểu.
Ông cũng cho rằng, để nâng cao tỷ lệ khách sử dụng BRT cần nhiều yếu tố, trong đó có việc kết nối với tuyến xe buýt khác và kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa hoạt động từ 1/1/2017, có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng); dài 14,77 km, sử dụng 26 xe. Dọc tuyến có 21 nhà chờ và hai điểm đầu cuối hoạt động trong làn đường dành riêng. Xe buýt nhanh có tốc độ trung bình trên tuyến gần 20 km/giờ.
Xây dựng nhà cao tầng là xu thế tất yếu
Xung quanh vấn đề phát triển nhà cao tầng, lãnh đạo thành phố cho hay, tháng 5/2016, Hà Nội đã ban hành quy chế xây dựng nhà cao tầng trong khu nội đô lịch sử. Theo đó, tất cả các tuyến đường, khu vực đã được quy định rất rõ về chiều cao, mật độ công trình.
Ông Chung cho rằng, thời gian qua bộ măt thành phố có nhiều thay đổi với các dự án khu đô thị, nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Trong đó, nhà cao tầng được xây dựng đúng theo quy hoạch, định hướng của thành phố và phù hợp với xu thế chung của các khu đô thị trên thế giới.
Dẫn số liệu gia tăng dân số, ông Chung nêu, trong 10 năm vừa qua, dân số thành phố tăng thêm 1,4 triệu người (từ 6,2 triệu lên 7,4 triệu), bình quân mỗi năm tăng 140.000 người. Do đó, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, “xu hướng chung là chúng ta phải đưa chiều cao công trình lên”.
Tuy nhiên, ông Chung cho rằng, xây dựng nhà cao tầng phải đi đôi với việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nhưng vấn đề này hiện còn một số bất cập do hạn chế nguồn lực. Trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân liên tục tăng cao, xe máy (6,5 triệu), ôtô (gần 650.000) dẫn đến tình trạng quá tải. Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, gần đây nhất là xây dựng cầu vượt nút An Dương, thay thế đê đất bằng đê bê tông. Tới đây, thành phố cũng đẩy nhanh tốc độ đầu tư công trình hạ tầng giao thông, trong đó có cả hệ thống tầu điện, xe buýt.
Xây thêm 100 trường học để chống quá tải
Liên quan đến quá tải trường học ở một số quận nội thành, Chủ tịch Hà Nội cho hay, qua phân tích dữ liệu dân cư, từ năm 2016 thành phố đã dự đoán tình hình và chi khoảng 1.000 tỷ đồng để xây dựng thêm cơ sở trường lớp cho những khu vực được dự báo quá tải. Tuy nhiên, số trường trên cũng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến quá tải, ông Chung cho rằng, thứ nhất do chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với khu vực trường công nên đa số phụ huynh chọn cơ sở này cho con em đi học; thứ hai nhiều chủ đầu tư không chú trọng đến xây trường học khi xây dựng khu đô thị.
Một nguyên nhân khác được lãnh đạo thành phố nêu là do nhiều học sinh di cư theo bố mẹ ra Hà Nội. Hơn thế, có khoảng 200.000 lao động hàng ngày đi làm ở Thái Nguyên, Bắc Ninh nhưng sinh sống ở Hà Nội.
Để giải quyết tình trạng quá tải, thành phố đã yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát quỹ đất công và ưu tiên xây dựng trường học ở những khu đất công bị thu hồi.
“Thành phố đã giao các quận, huyện xây thêm khoảng 100 trường học và sẽ khánh thành vào năm 2019”, Chủ tịch Hà Nội thông tin.
Võ Hải/VnExpress