Dự án xây dựng sân bay Quốc tế Long Thành: Nhiều ý kiến băn khoăn
Ngày 16-12 một số chuyên gia hàng không và cán bộ hưu trí, trí thức ở TP. HCM đã có buổi tọa đàm xung quanh dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.
Buổi tọa đàm này nhằm báo cáo lại buổi làm việc của các cử tri, trí thức… với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM ngày 12-12. Nhiều ý kiến ở tọa đàm cho rằng xây dựng sân bay Long Thành gặp nhiều bất lợi và chỉ cần khai thác tốt 6 sân bay quốc tế phía Nam hiện nay là Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ, Phú Quốc, Cam Ranh, Liên Khương, không cần xây thêm sân bay mới. Các ý kiến cho rằng nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nếu mở rộng chỉ tốn khoảng 2 tỷ USD.
Ông Lê Trọng Sành ( Trung tá, nguyên Trưởng phòng Quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) cho rằng: “Nếu muốn phát triển đất nước thì cần khai thác vùng bay ở Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên để giao thương thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản của hai vùng kinh tế trọng điểm này, không nên làm sân bay Long Thành vì không kích thích phát triển kinh tế mà còn gây nhiều bất lợi”. Theo ông Sành, về chuyên môn, xây dựng sân bay ở Long Thành gặp 3 trở ngại. Một là hướng gió thịnh hành chưa rõ, hướng gió sẽ ảnh hưởng đến việc an toàn trong hạ và cất cánh của máy bay. Hai là gần biển, nếu có chiến sự thì dễ bị đánh phá. Ba là bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên vùng này dễ bị ngập. “Lúc trước khi quyết định xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất, người Mỹ cũng khảo sát vùng Long Thành để tính xây sân bay, nhưng vì họ thấy hướng gió không tốt và nó gần biển nên họ không xây. Bộ Chính trị đã quyết định quy hoạch và phát triển TP. HCM thành siêu đô thị, do đó không thể bỏ sân bay Tân Sơn Nhất, vì nếu bỏ như thế vừa lãng phí vừa không cần thiết. Con số 80-100 triệu khách/năm như tính toán của những người đề xuất xây dựng sân bay quốc tế Long Thành sẽ không thể đạt được trong thực tế. Hiện nay kinh tế nước nhà đang khó khăn không thể vay hàng triệu đô la để xây dựng sân bay Long Thành” – ông Sành nói.
Tiến sĩ sinh học Nguyễn Đăng Diệp (nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quân đội), cho rằng: Rút kinh nghiệm từ việc xây dựng cảng trung chuyến Cái Mép- Thị Vải ở Vũng Tàu hiện nay không có đối tác nước ngoài vào làm ăn ở đó nên không nên xây dựng sân bay Long Thành vì lãng phí, tốn kém. Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và quản lý TP HCM, cũng nêu vấn đề: Tại buổi làm việc trên, Tiến sĩ Nguyễn ngọc Thơ đã trình bày quan điểm cho rằng về mặt phương pháp khoa học, nhất là về kinh tế học, thì dự án này đã làm sai phương pháp. Đó là dự toán sai về lượng khách trong tương lai của sân bay này…
Nhiều ý kiến ở tọa đàm cho rằng, việc triển khai xây dựng sân bay Long Thành khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn, hàng ngàn ha đất bị thu hồi để làm Dự án, trong đó có 1.000 ha trồng cao su, khiến hàng trăm hộ dân bị di dời, ảnh hưởng đến công ăn việc làm và đời sống của người dân.
Theo ông Lê Trọng Sành, không thể dựa vào lập luận rằng cần giữ lại sân bay Biên Hòa (hiện là sân bay quân sự- PV) để bảo vệ bầu trời miền Nam nên không thể khai thác thành sân bay dân dụng. “Chúng ta có thể kết hợp giữa sân bay quân sự và sân bay dân dụng. Nếu có chiến tranh thì sẽ chuyển hóa sân bay Biên Hòa từ sân bay dân dụng thành quân sự mà không ảnh hưởng gì cả”.
“Sân bay Tân Sơn Nhất có diện tích 820 ha, phía Bắc lại có 157 ha đang dùng làm sân golf. Đây là việc lãng phí, cần phải thu hồi diện tích đang làm sân golf để làm sân đỗ máy bay bởi chúng ta có 40 sân đỗ, thiếu khoảng 13 sân đỗ và đến năm 2020 sẽ thiếu khoảng 20 sân đỗ. Sau khi xây phần này xong có thể xây thêm nhà ga mới để đáp ứng nhu cầu. Nếu cần thêm sân bay để hỗ trợ cho sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ cần mở rộng, nâng cấp sân bay Biên Hòa là đủ”- ông Sành nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất vẫn còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu, khi cần thiết thì mở rộng thêm. “Trong kinh tế người ta thường tính tới hai yếu tố then chốt là quy mô và thời điểm. Sân bay Long Thành quy hoạch tới 50km với 4 đường bay thì quá rộng, trên thế giới chưa có sân bay nào như thế. Thời điểm hiện nay chúng ta chưa khai thác hết các sân bay hiện có sao lại đi xây sân bay mới làm gì?”- Tiến sĩ Tống nói.
Cũng tại tọa đàm, một số ý kiến cho rằng hiện nay ở sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực sân bay Long Thành đều có sân golf, đó là điều rất sai lầm vì gây ô nhiễm và mất an toàn trong sân bay. “Ở các nước người ta xây dựng sân golf cách rất xa khu dân cư hoặc là những vùng đất không thể trồng trọt được để tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Bởi sân golf phải tưới cỏ, phun thuốc trừ sâu… Trong khi đó chúng ta lại làm ngược lại. Chúng tôi đã đi tham quan nhiều sân bay và cũng đã đến sân bay Long Thành. Sân golf Long Thành rộng 158 ha và nằm cạnh sân bay Long Thành sau này, đó là điều vô lý và gây mất an toàn, nguy hiểm cho máy bay khi cất cánh và hạ cánh. Bên cạnh đó nhà hàng khách sạn phục vụ cho sân golf cũng nằm trong sân bay là không an toàn” – Tiến sĩ Diệp băn khoăn. Cũng theo Tiến sĩ Diệp, vừa qua sân golf Đà Lạt xây dựng gần hồ Xuân Hương đã gây ô nhiễm khu vực này rất nghiêm trọng. “Chúng tôi được Thành ủy Đà Lạt mời lên xử lý ô nhiễm nhưng không thể khôi phục được. Chúng tôi đã kiến nghị đóng cửa sân golf này và họ đồng ý. Ở sân golf Phan Thiết cũng vậy, Thủ tướng đã đồng ý bỏ sân golf này” – Tiến sĩ Diệp dẫn chứng.
Theo tiến sĩ Phúc, sắp tới Hội Tư vấn Khoa học và Quản lý TP. HCM sẽ tổ chức hội thảo về việc xây dựng sân bay Long Thành.
Theo Đại đoàn kết