Mối quan hệ tích hợp trong quy hoạch
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Hiện nay, dự thảo Luật Quy hoạch đang trình Quốc hội xin thông qua được sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều chuyên gia và các nhà khoa học, song trong đó có những ý kiến khác nhau nhất là về hệ thống quy hoạch quốc gia và yêu cầu tích hợp trong quy hoạch. Để làm rõ vấn đề này, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã có buổi trao đổi với TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Phát triển quy hoạch đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội.
PV: Là nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của Luật QH?
Ông Đào Ngọc Nghiêm: QH nói chung và quy hoạch xây dựng nói riêng trong những năm qua đã có đóng góp đáng kể, đã xác lập ngày càng rõ về vai trò và vị thế trong phát triển KT – XH của đất nước. Tuy nhiên, phát triển đô thị hiện nay cũng đặt ra rất nhiều thách thức, cần có những đổi mới, đáp ứng giải quyết tốt các yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Trong bối cảnh như vậy Ban chấp hành TW Đảng khoá XI đã có Nghị quyết 13/NQ-TW định hướng cần xây dựng Luật Quy hoạch với 5 yêu cầu cụ thể (không chồng chéo, mâu thuẫn, tập trung đầu mối thẩm định, phê duyệt, xác định rõ trách nhiệm, tăng cường giám sát thực hiện QH). Việc nghiên cứu dự thảo Luật được triển khai từ 2011 với cách tiếp cận khoa học, công phu và bài bản. Song đây là Luật có vai trò quan trọng, tác động lớn đến nhiều Luật, liên quan đến hệ thống QH hiện hành đến cơ cấu tổ chức chính quyền các cấp nên dự thảo này vẫn cần được xem xét cẩn trọng hơn nữa để có tính thực tiễn cao, kế thừa các kinh nghiệm bài học đã có.
PV: Để làm rõ vai trò, mối quan hệ của QHXD với hệ thống QH nói chung rất cần xem xét đến mục tiêu của QHXD, tính tương tác đa ngành. Ông đánh giá như thế nào về yêu cầu này?
Ông Đào Ngọc Nghiêm: Để xem xét vấn đề này rất cần được nghiên cứu, đánh giá cả quá trình QHXD. Việt Nam là quốc gia đã thực hiện QHXD rất sớm và để giải quyết yêu cầu đều có sự tương tác với các ngành khác như: Văn hoá, đất đai, cảnh quan… Ngay từ thời kỳ sơ khởi hình thành đô thị, qua thời kỳ phong kiến, người Việt đã có các định hướng xây dựng mang yếu tố đặc thù Việt Nam, song cũng đã chọn lựa bài học từ văn minh Đông Á (Trung Quốc), văn mịnh Nam Á (Ấn Độ). Qua các di tích hiện còn, qua các kết quả khảo cổ (như: Cổ Loa, Thăng Long…) cho thấy nhận xét như trên là tin cậy được, minh chứng cho sự tương tác trong QHXD. Thời kỳ Pháp thuộc, QHXD đã có những bước phát triển, tiếp thu được những yếu tố mới hiện đại của châu Âu. Từ các quy hoạch đô thị giai đoạn này, cấu trúc đô thị, thực trạng kiến trúc còn để lại đến nay cho thấy đây là những di sản quý giá cần bảo tồn, phát huy giá trị. Đến giai đoạn từ sau cách mạng tháng 8, hoà bình lập lại đến nay, công tác QHXD luôn được quan tâm, linh hoạt trong tiếp cận các yêu cầu mới, và ngày càng minh chứng là công cụ quản lý, là định hướng phát triển trong KT-XH. Xin nêu vài ví dụ gần đây:
– Sau chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước năm 1986, từ chiến lược toàn cầu hoá về phát triển bền vững đã nêu trong hội nghị thượng đỉnh trái đất 1992. Từ các Luật Việt Nam đã ban hành như: Luật bảo vệ môi trường 1994, Luật đất đai 1993… Các nghiên cứu môi trường đã trở thành yêu cầu cấp bách và QHXD đã lồng ghép với nghiên cứu môi trường và xác định là nội dung không thể thiếu trong QHXD. Riêng về mối quan hệ giữa QH đất đai, QHXD cũng đã có sự lồng ghép, phối hợp. Nhìn nhận mối quan hệ từ Luật đất đai (1993, 2003, 2013) với Luật Xây dựng (2003, 2014). Luật QH đô thị (2009) cũng thấy rõ đã có sự lồng ghép, tương tác. Các nội dung về QH, KH sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, đất AN-QP xác định trong Luật Đất đai 2013 đã có sự tương tác, phù hợp với hệ thống QHXD được xác lập trong Luật XD 2014.
– Điểm rõ thấy nhất là tại khoản 5 điều 40 Luật đất đai đã quy định “Đối với các Quận đã có QHĐT được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất mà chỉ lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Từ đây cho thấy trong QHXD đã có lồng ghép, không tạo sự xung đột giữa QHXD – quy hoạch không gian vật thể với quy hoạch tài nguyên, môi trường.
Còn có thể kể thêm nhiều minh hoạ nữa để minh chứng QHXD đã có sự tương tác, phối hợp đã có sự tích hợp với các ngành liên quan.
PV: Xin ông cho biết ý kiến đánh giá về nội dung đề xuất mô hình QH tích hợp trong dự thảo Luật QH mới nhất?
Ông Đào Ngọc Nghiêm: Quy hoạch là khoa học tổng hợp nên đều đã được nghiên cứu trong mối quan hệ tương tác và đã có tích hợp nhất định. Từ thực tiễn hệ thống quy hoạch hiện nay và những tồn tại cần giải quyết, để phù hợp với định hướng phát triển
KT – XH rất cần có tích hợp hơn nữa trong quy hoạch và lộ trình tích hợp trong từng cấp độ quy hoạch. Song vấn đề đặt ra là cần lựa chọn nội dung tích hợp để đảm bảo tính khả thi. Theo các nội dung trong dự thảo Luật quy hoạch cho thấy sẽ có liên quan tác động đến hơn 50 Luật và gần 60 Nghị định. Vậy cần nghiên cứu cụ thể thời gian điều chỉnh cần có để xác định điều khoản thực hiện có tính thực tiễn nhằm thống nhất hệ thống Luật.
Để đáp ứng yêu cầu tích hợp trong dự thảo Luật quy hoạch, theo tôi cần:
– Nghiên cứu kỹ hơn hệ thống quy hoạch nhất là cấp quốc gia, cấp vùng và có đề xuất cụ thể danh mục các loại quy hoạch cấp tỉnh.
– Quy định rõ hơn về Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Trong đó, việc thành lập hội đồng thẩm định cấp tỉnh nên do UBND cấp tỉnh đề xuất bao gồm đại diện các Bộ, địa phương liên quan và tổ chức xã hội, chính trị, nghề nghiệp liên quan. Hội đồng thẩm định có trách nhiệm cả nhiệm vụ thiết kế và đồ án quy hoạch./.
PV