Đề nghị xây dựng Luật Kiến trúc - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
01/03/2017

Đề nghị xây dựng Luật Kiến trúc

Bộ Xây dựng vừa có Tờ trình trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Kiến trúc.

Ở nước ta, quá trình xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển nền kiến trúc nước nhà có bản sắc, hiện đại, hội nhập quốc tế và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có đủ năng lực và điều kiện hành nghề tốt. Ngoài những Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng các khóa xác định phát triển nền kiến trúc Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg ngày 03/9/2002 về Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020, nâng cao chất lượng kiến trúc, tạo lập môi trường cư trú bền vững, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Đây là văn bản rất quan trọng, thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng và tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển nền kiến trúc Việt Nam.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư đã có những bước phát triển quan trọng, có đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật… Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng… của các tổ chức, DN, người dân nhất là trong việc tổ chức không gian đô thị và nông thôn, vẻ đẹp của các công trình công cộng, dân dụng, công nghiệp và nhà ở. Các điều kiện hành nghề kiến trúc, quản lý kiến trúc và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư chưa đủ. Dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu và định hướng xây dựng của cộng đồng và người dân, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân về thể chế, cụ thể là: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quản lý kiến trúc nhưng chưa thống nhất và đồng bộ; thiếu quy định về quản lý chất lượng cán bộ làm công tác quản lý về kiến trúc và kiến trúc sư; quy định về hành nghề kiến trúc sư không rõ ràng. Nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh liên quan đến lĩnh vực kiến trúc như Luật Xây dựng 2003, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Nhà ở và các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, tuy nhiên còn nặng về mặt kỹ thuật, còn thiếu hoặc quy định ở nhiều văn bản về các nội dung liên quan đến thẩm mỹ kiến trúc, cảnh quan đô thị, nông thôn và thiếu tính hệ thống.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân như: Chất lượng đội ngũ kiến trúc sư, công tác đào tạo, công tác lý luận phê bình, phản biện chưa đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập quốc tế (nhất là chưa đáp ứng yêu cầu về thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kiến trúc trong ASEAN, các hiệp định AFTA, WTO…).

Từ cơ sở lý luận, thực tiễn Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế cho thấy việc ban hành Luật Kiến trúc là hết sức cần thiết, làm công cụ pháp lý có hiệu lực, hiệu quả cao, đồng bộ, thống nhất nhằm điều chỉnh toàn diện các hoạt động kiến trúc, xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Mục đích xây dựng Luật là tạo công cụ pháp lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực cao để điều chỉnh quá trình phát triển, các hoạt động kiến trúc, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư, cán bộ quản lý kiến trúc đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kiến trúc, hành nghề kiến trúc sư và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư. Phát huy đầy đủ vai trò của kiến trúc sư, các tổ chức, cá nhân và xã hội trong hoạt động kiến trúc. Đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Luật này điều chỉnh các hoạt động về: Quản lý phát triển kiến trúc: Các hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn, khu chức năng đặc thù; thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; hội đồng kiến trúc. Hành nghề kiến trúc: Quy định quyền, nghĩa vụ của kiến trúc sư hành nghề, tổ chức hành nghề kiến trúc trong nước, nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức khác liên quan đến hành nghề kiến trúc; bồi dưỡng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tổ chức, trao giải thưởng kiến trúc…

Mục tiêu của chính sách nhằm quy định nội dung quản lý nhà nước về kiến trúc, điều chỉnh các hoạt động lĩnh vực kiến trúc để tạo ra các công trình xây dựng có giá trị kiến trúc đảm bảo chất lượng về kỹ thuật, thẩm mỹ, tiến tới ngày càng có nhiều tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, định hướng về giá trị nghệ thuật đối với công chúng; đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Phát triển nền kiến trúc Việt Nam theo hướng hiện đại, dân tộc và bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa – nghệ thuật…

Dự kiến thời gian dự án Luật Kiến trúc trình Chính phủ vào tháng 3/2018, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8/2018, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2018 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2019.

Phong Thư/Báo Xây dựng