“Thay da đổi thịt” ở ngoại thành
Cách đây 10 năm, Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính. Theo đó, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. Một thập kỷ trôi qua, trên khắp các vùng quê của ngoại thành Hà Nội đã “thay da, đổi thịt”, nhiều người lao động đã được đào tạo nghề, được tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, thoát nghèo nhờ những mô hình sản xuất, kinh doanh hay để làm giàu ngay trên đất quê hương.
Ông Trịnh Thế Khiết, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội thông tin, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, cuộc sống của người nông dân được cải thiện đáng kể. Có nơi, mức thu nhập của người dân tăng lên gấp 3 lần trước khi chưa sáp nhập. “Điều đáng mừng nhất là cơ sở hạ tầng được đầu tư, tăng cường. Số lượng hộ nghèo giảm đáng kể. Nếu trước thời điểm sáp nhập, số hộ nghèo ở mức 7,8%, đến nay chỉ còn dưới 3%. Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập, nhiều vùng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp cho năng suất cao ”, ông Khiết nói.
Nói về sự đổi thay trên vùng quê Sóc Sơn sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn cho biết, đời sống vật chất, tinh thần người dân đã có sự cải thiện rõ rệt (năm 2008 thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người/năm, đến năm 2017 đã đạt 39 triệu đồng/người/năm), diện mạo xã Thanh Xuân đang thay đổi từng ngày.
Cũng theo bà Hậu, Hội Nông dân xã xác định chọn mô hình rau hữu cơ làm hướng đột phá để xây dựng và phát triển kinh tế hàng hóa. Đến nay diện tích sản xuất đã mở rộng lên 30,5ha với 235 hội viên tham gia, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Mỗi năm, Thanh Xuân đưa ra thị trường trên 1.000 tấn rau, củ, quả các loại, được Hệ thống giám sát và đảm bảo chất lượng Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn.
Về phía người dân, theo bác Phạm Thị Ngoãn, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội, cách đây 10 năm kinh tế gia đình rất khó khăn, song từ khi sáp nhập, được sự hướng dẫn của chính quyền xã chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng lúa, trồng hoa quy mô nhỏ sang trồng hoa hồng với diện tích lớn, do vậy thu nhập tăng đáng kể. “Thu nhập từ vườn hoa hồng đem lại cho gia đình tôi khoảng 200-300 triệu đồng/năm thay bằng chỉ vài triệu đến chục triệu đồng như những năm trước”, bác Ngoãn vui vẻ kể.
Quá tải ở nội thành
Dù đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, lao động, việc làm song những vấn đề còn tồn tại của Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính về giao thông, quy hoạch đô thị, ô nhiễm môi trường, quá tải y tế, giáo dục… còn rất nan giải. Theo đó, sau 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nhà cao tầng mọc “như nấm sau mưa” làm thay đổi diện mạo thành phố, kéo theo là hàng loạt hệ luỵ mà Hà Nội đang phải đối mặt.
Ghi nhận của phóng viên tại một số khu đô thị mới như Linh Đàm, Kim Văn, Kim Lũ, La Khê, Dương Nội, Xa La… các chung cư mọc lên san sát với mật độ dân số quá đông khiến các khu vực này thường xuyên trong tình trạng quá tải, tắc đường xảy ra “như cơm bữa”. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy hoạch tại nhiều khu đô thị chưa theo đúng quy hoạch, thiết kế mà thường được điều chỉnh cục bộ nên diễn ra hiện tượng xây xong rồi lại sửa dẫn tới quy hoạch của Thủ đô thường xuyên bị phá vỡ chỉ sau một thời gian ngắn. Chưa kể, một số khu đô thị, nhà ở xây dựng hàng loạt sau đó “bỏ hoang”, gây lãng phí lớn.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho hay, sau khi sáp nhập Hà Nội rất thành công trong phát triển bất động sản nhưng kết quả của chiến lược phát triển đô thị một cách bền vững thì rất hạn chế. Hà Nội đang chịu sức ép quá tải về hạ tầng đô thị. Điều này biểu hiện ngày càng rõ rệt qua tình trạng ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, hệ thống nước sinh hoạt.
“Phần lớn quy hoạch các khu đô thị mới đều tính toán đủ cơ cấu, thành phần sử dụng đất tối thiểu cho bản thân khu đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng, nhiều khu đô thị đã gia tăng diện tích xây dựng nhà ở lên tối đa, trong khi đó diện tích đất giao thông, diện tích đất dành cho cây xanh, bãi đỗ xe… bị giảm rất nhiều”, ông Nghiêm nêu.
Bên cạnh đó quá tải trong giáo dục, y tế cũng còn là vấn đề nan giải. Mục tiêu đưa các bệnh viện, trường học lớn ra ngoài nội đô vẫn dậm chân tại chỗ. Chưa kể, không gian công cộng bị sử dụng tùy tiện và sai mục đích. Rất nhiều sân chơi trong khu dân cư bị sử dụng sai mục đích, trở thành bãi đỗ xe, nơi bán hàng.
Theo thừa nhận của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2018-2019, Hà Nội dự kiến có trên 130.000 trẻ vào học lớp 1, tăng 30.000 học sinh so với năm trước. “Đây là áp lực rất lớn lên hạ tầng trường lớp vốn đang thiếu của Thủ đô”, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo nói.
Ngoài ra, sau 10 năm mở rộng, Hà Nội đã có tuyến đường trên cao, nhiều tuyến đường được xây mới, có tuyến buýt nhanh, tuy nhiên tắc đường vẫn là vấn nạn mà Hà Nội chưa có lời giải. Hiện, theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Hà Nội còn gần 40 điểm tắc nghẽn giao thông mà một trong nguyên nhân chính được chỉ ra phát triển quá nhiều nhà cao tầng, khu đô thị trong nội đô.
Trước thực tế nêu trên, theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, TP cần phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về quản lý kiến trúc chung và thực hiện nghiêm các quy định được đưa ra. Đặc biệt, nhận thức của các nhà quản lý, nhận thức của người dân về vai trò của các khu đô thị mới cần được nâng cao. Ngoài ra, Hà Nội cần bổ sung phân bố lại không gian Thủ đô theo hướng cân bằng, sinh thái bền vững; chuyển dần các trường đại học, bệnh viện lớn ra khỏi nội đô với kết nối giao thông thuận tiện giữa vùng trung tâm TP với các vùng ngoại ô.
D. Ngân/Báo Hải Quan