Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc đương đại
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Trước xu thế phát triển của thế giới ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự chín muồi cũng như nảy sinh của các loại hình kiến trúc đương đại. Ở đó, dấu ấn cá nhân – Ngôn ngữ tạo hình Kiến trúc của Kiến trúc sư được biểu hiện khá rõ, đồng thời cũng phản ánh sâu sắc những vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Vấn đề nhận diện Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc của các Kiến trúc sư đương đại sẽ góp phần nâng cao khả năng cảm thụ, ứng dụng trong các hoạt động sáng tác, lý luận và phê bình kiến trúc.
Lời nói đầu
Chúng ta đang sống trong một thế giới vận động mạnh mẽ, dưới sự bùng nổ của KHKT & CNTT. Giá trị tinh thần được đề cao, được xác định là một khía cạnh không thể thiếu, thậm chí được coi là tiêu chí đảm bảo sự thành công, đem lại hiệu quả về mặt vật chất.
Sự ảnh hưởng của nghệ thuật Kiến trúc là biểu hiện cho sự thịnh vượng từ một quốc gia đến mỗi cá nhân. Trong đó, vai trò của ngôn ngữ tạo hình kiến trúc nổi bật, có thể được coi như “thương hiệu” của mỗi cá nhân Kiến trúc sư (KTS), khẳng định vai trò, giá trị của yếu tố cá nhân – chủ thể của sự sáng tạo nghệ thuật.
Sáng tạo nghệ thuật kiến trúc bắt đầu ngay từ ý tưởng và thường trực trong tư duy, luôn tìm cơ hội để tự biểu lộ như là hiện thân của những giá trị không đo đếm được. Nghệ thuật kiến trúc từ xa xưa cho đến hiện tại và tương lai luôn phản ánh với sự biến đổi mạnh mẽ cùng các loại hình phong phú, đa dạng. Hình thức, chất liệu mới ngày một hiện đại làm nảy sinh những giá trị thẩm mỹ mới. Kiến trúc vốn là một loại hình nghệ thuật có tính đặc thù cao, công trình kiến trúc tồn tại ở dạng “vật chất“ và trong đó chứa đựng những giá trị “tinh thần”.
Cơ chế hoạt động cơ bản của sáng tạo kiến trúc là quá trình Thu – Nạp – Bày tỏ. Một khi tác phẩm kiến trúc có giá trị thẩm mỹ tốt sẽ luôn chứa đựng những vẻ đẹp mà con người có thể cảm nhận được (dù là hiểu hay không hiểu vì sao mình lại thấy thích tác phẩm ấy). Có lẽ người cảm thụ như tìm thấy trong tác phẩm đó tinh thần của cá nhân mình.
Trước sự đa dạng về phong cách kiến trúc của các KTS đương đại, việc nhìn nhận thông qua ngôn ngữ tạo hình kiến trúc sẽ góp phần nâng cao khả năng cảm thụ, ứng dụng có hiệu quả trong hoạt động sáng tác và lý luận, phê bình kiến trúc.
Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc
Những thực thể kiến trúc trước mắt chúng ta đều phản ảnh những thông tin nhất định như: thể loại công trình, đặc điểm bố cục hình khối, hiệu quả xử lý chi tiết, sử dụng vật liệu, màu sắc, nhịp điệu, tính động/ tĩnh, biểu hiện/ phản ánh tư duy kiến trúc của mỗi KTS, đó chính là Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc riêng của KTS.
Nếu tổng hợp một cách hệ thống công trình kiến trúc theo thời gian, đồng thời phân tích một cách khoa học đối với từng KTS, thì rõ ràng ngôn ngữ tạo hình kiến trúc của mỗi tác giả luôn nhất quán về phong cách, thẩm mỹ, quan điểm sáng tác. Đối với những KTS tiêu biểu lại càng dễ nhận biết, bởi ngôn ngữ tạo hình kiến trúc của họ giúp cho mỗi công trình kiến trúc trở thành một dấu ấn đặc sắc trong cảnh quan khu vực.
Định nghĩa Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc là phương tiện giao tiếp, vừa mang tính xã hội, vừa mang tính tư duy cá nhân của KTS, thể hiện sự tổng hòa của biểu hiện trong hình thức và nội dung của Tư duy sáng tạo kiến trúc. Đồng thời, là loại hình ngôn ngữ có giá trị đặc biệt trong nghệ thuật tạo hình.
Ý nghĩa:
+ Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc là loại hình ngôn ngữ nghệ thuật, cũng thuộc phạm trù ngôn ngữ học.
+ Là thông tin về trạng thái, tính chất của không gian kiến trúc thông qua bố cục hình khối, tổ hợp đường nét, sử dụng chất liệu, màu sắc, ánh sáng… chủ thể của KTS sáng tác.
+ Là phương tiện của quá trình tư duy định hướng trong sáng tác kiến trúc (yếu tố nội tại).
+Là một loại ngôn ngữ tạo hình được sử dụng trong tư duy sáng tác kiến trúc, biểu hiện bằng không gian, hình thể, trật tự, tổ hợp các thành phần kiến trúc (yếu tố bên ngoài). Thông qua ngôn ngữ tạo hình kiến trúc, ta nhận biết được: Ý đồ tư duy sáng tác về không gian kiến trúc, cách thức, lối diễn tả, biểu hiện riêng của KTS. Đây là một ngôn ngữ có tính duy nhất trong tư duy sáng tác kiến trúc.
Xu hướng ngôn ngữ tạo hình kiến trúc đương đại mới của thế hệ KTS trẻ
Thế hệ các KTS như Richard Mier, Tadao Ando, Cesar Pelli, Daniel Lisbeskind, Zaha Haddid… đều đang đạt đến độ chín trong sự nghiệp làm nghệ thuật kiến trúc. Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc của họ đã trở thành “ký hiệu“ riêng của trào lưu kiến trúc hiện đại.
Cùng với luận điểm của xu hướng kiến trúc hiện đại mới, mỗi KTS đương đại đều đang xây dựng, tạo nên cho mình một Ngôn ngữ hình kiến trúc riêng. Nhưng đều có chung quan điểm, phản ánh, bày tỏ nhận thức của cá nhân về giá trị các mặt của xã hội đương đại, định hướng về xu thế xã hội trong tương lai. Do đó, các KTS đương đại luôn có sự thể nghiệm, kết hợp những đòi hỏi thiết thực của xã hội (vấn đề môi trường, con người, phân tách giàu nghèo…), thêm vào đó là ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ máy tính, ứng dụng các vật liệu xây dựng mới. Tuy nhiên, vẫn có những giá trị tinh thần trong văn hóa truyền thống được bảo tồn, hướng tới những điều nhân bản trong tư duy sáng tạo kiến trúc.
Xuất phát từ những luận điểm trên, một số KTS đương đại đã có những tư duy sáng tác kiến trúc riêng, biểu hiện với ngôn ngữ tạo hình rõ nét, mạnh mẽ. Điều đó đang hình thành nên những trào lưu, xu hướng thiết kế kiến trúc mới, cơ sở để hình thành nhiều lối đi tư duy sáng tác khác nhau.
Tuy nhiên, chứa đựng trong tư duy sáng tác của các KTS đương đại, ta đều nhận thấy sự kế cận, tiếp nối, sự ảnh hưởng của thế hệ các KTS trước. Mặc dù, đang ở giai đoạn lột “vỏ kén”, nhưng đều đã biểu hiện cho tư duy sáng tạo cá nhân một Ngôn ngữ tạo hình của mình có tầm ảnh hưởng.
Một số Ngôn ngữ tạo hình KTS trẻ đương đại tiêu biểu:
KTS Ma Yansong (38 tuổi), Văn phòng MAD Architects (Trung Quốc) – được vinh danh 1/10 KTS có tính sáng tạo, tầm ảnh hưởng thế giới. Là người có tư duy sáng tác kiến trúc chịu sự ảnh hưởng từ KTS Zaha Hadid, với quan điểm thiết kế rằng “Kiến trúc là công cụ đem đến một tầm nhìn cho các thành phố của tương lai, dựa trên những nhu cầu tinh thần và tình cảm của con người, thành phố và môi trường”. Việc lý giải quan điểm trên, được biểu hiện với một Ngôn ngữ tạo hình rất riêng, táo bạo, chứa nhiều hình ảnh mang tính trừu tượng.
KTS Bjarke Ingels (42 tuổi) – BIG (Na Uy): Với quan điểm thiết kế kiến trúc gắn liền, có sự hữu cơ với những biến đổi của xã hội, bối cảnh đô thị. Quan tâm sâu đến vấn đề môi trường, văn hóa bản địa. Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc luôn chứa đựng, truyền tải hình ảnh có tính xác định. Tạo nên tính hình tượng có sự khái quát hóa cao độ. Thần tượng của KTS là cảm hứng khi xem tác phẩm kiến trúc của KTS John Utzon, đặc biệt là công trình: Nhà hát Opera Sydney _ thiết kế khi John Utzon 38 tuổi.
Hầu hết các cảm hứng sáng tạo của BIG thường được nảy sinh, dẫn dắt, gắn liền từ những vấn đề của đô thị, coi công trình như là một giải pháp để giải quyết những vấn đề, nhu cầu đó của xã hội – con người, sự quan tâm đến giá trị tương tác của công trình với không gian khoảng trống xung quanh công trình từ chủ quan (ý đồ tạo hình) đến khách quan (bối cảnh hiện tại đô thị). Từ đó, khám phá, truyền tải vào trong ý đồ sáng tạo những nét Khái quát có tính tạo hình rất riêng.
KTS Sou Fujimoto (44 tuổi) (Nhật Bản): Quan điểm thiết kế kiến trúc là sự thể nghiệm do tác động, mối quan hệ hài hòa Con người – Thiên nhiên – Xã hội với một triết lý riêng biệt về nhận thức, đánh giá thế giới quan. Đề cao các giá trị sống truyền thống với một cách tiếp cận mang tính thời đại. Điều đó làm nên một ngôn ngữ tạo hình kiến trúc của KTS rất riêng, gần như không dễ nắm bắt được bằng mắt thường, mà có thể cảm nhận được thông qua các giác quan hay tư duy biện chứng khác. Có thể coi Sou Fujimoto, là một trong những tên tuổi kế thừa sau thế hệ như Toio Ito, Ban Shigeru, KengoKyma, Kazuyo Sejma, Ryue Nishizawa…
“Tôi tin rằng kiến trúc là giống như một cái gì đó, giống như khuôn khổ mà thêm vào sự phức tạp và phong phú của thế giới luôn thay đổi này, và sự đồng hóa những gì chúng ta chưa hiểu. Những gì được cung cấp ở đây là những khoảnh khắc phục vụ như một khúc dạo đầu cho các loại kiến trúc đa dạng “ _ KTS Sou Fujmoto, bày tỏ quan điểm của mình về kiến trúc trong triển lãm các mô hình, dự án đã thực hiện trong bộ sưu tập GA “Giữa thiên nhiên & Kiến trúc”.
Kết luận
Có thể khẳng định Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc là vô cùng quan trọng, đây chính là năng lực thực, thuộc về trí tuệ và tài năng sáng tạo của cá nhân KTS, là thành phần duy nhất để tạo nên giá trị kiến trúc. Thông qua đó, ta nhận biết được tư duy sáng tạo của tác giả, biết sâu về lối diễn tả, phong cách thiết kế, quan điểm và xu hướng sáng tạo. Chúng ta “nghe“ được giá trị thẩm mỹ của họ.
Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc là “tài sản riêng” của mỗi KTS, là cái Tôi của người nghệ sỹ, người tạo lập nên Nghệ thuật kiến trúc.
Bởi vậy, việc nhận diện đánh giá được sớm sẽ góp phần nâng cao, thúc đẩy năng lực cá nhân với công tác hành nghề, cũng như góp phần vào nuôi dưỡng năng lực tạo hình kiến trúc của sinh viên trong quá trình đào tạo KTS ở Việt Nam./.
Ths. Kts Hoàng Tuấn Minh
Bộ môn Kiến trúc công trình công cộng – Khoa Kiến trúc – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 200 – 2016