04/04/2017

Mất dần theo thời gian những biệt thự cổ kiến trúc Pháp ở Huế

Những ngày qua, việc đập bỏ ngôi biệt thự hơn 100 năm tuổi, đậm nét kiến trúc Pháp ở Huế tại khu đất số 5 Lý Thường Kiệt, thành phố Huế để lại tiếc nuối cho bao người.

Ngôi biệt thự đang bị phá dỡ.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên một công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ cao bị phá bỏ, mà trước đó đã có những công trình tương tự cùng chung số phận mà điển hình là trung tâm bưu điện, ngân hàng ở đường Hoàng Hoa Thám.

Ngôi biệt thự này thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt (Công ty Thành Đạt) và việc phá bỏ là nhằm để mở rộng khách sạn Heritage của doanh nghiệp này.

Hoạt động phá bỏ ngôi biệt thự được thực hiện trên cơ sở đồng ý, hướng dẫn của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, UBND thành phố Huế và Sở Xây dựng tỉnh với lý do công trình đã qua 100 năm sử dụng, hiện xuống cấp nghiêm trọng, không có phương án cải tạo khắc phục.

Điều đáng nói, năm 2016, sau khi Công ty Thành Đạt có văn bản xin UBND thành phố Huế cho phép phá dỡ ngôi biệt thự này với lý do công trình xuống cấp, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã họp bàn với Sở Văn hóa – Thông tin, UBND thành phố Huế, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh để đánh giá về công trình.

Tại cuộc họp, đa số ý kiến cho rằng các đường nét kiến trúc, hoa văn, họa tiết… của ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp tại Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20. Công trình được được cho là có giá trị lịch sử, phù hợp với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực. Trên cơ sở đó, đa số các ý kiến tại cuộc họp này đề nghị giữ lại ngôi biệt thự mặc dù không nằm trong danh mục các di tích lịch sử văn hóa được công nhận.

Theo ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Huế và sau đó là Giám đốc Sở Xây dựng, khoảng năm 2003 (thời điểm ông Tiến đang làm Giám đốc Sở Xây dựng) đã có một hội thảo về quỹ kiến trúc Huế.

Từ hội thảo này và rất nhiều lần sau đó, vấn đề bảo tồn quỹ kiến trúc Pháp, chủ yếu ở bờ nam sông Hương, đã được đặt ra. Lúc đó, UBND tỉnh cũng đã có văn bản giao cho Sở Xây dựng chủ trì tiến hành kiểm kê, đánh giá quỹ kiến trúc Pháp tại Huế để làm cơ sở cho việc bảo tồn, sử dụng và phát huy giá trị.

Tuy nhiên, do chậm triển khai kiểm kê, đánh giá, nên đến nay rất nhiều biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp đã bị mất dần. Nếu tỉnh Thừa Thiên – Huế không sớm kiểm kê, đưa ra chính sách bảo tồn quỹ kiến trúc Pháp tại Huế, thì việc “đập bỏ” những ngôi biệt thự Pháp như ở khu đất số 5 Lý Thường Kiệt có thể sẽ còn tiếp tục xảy ra. Và điều đó, là điều vô cùng đáng tiếc đối với Huế.

Theo sử liệu, cố đô Huế có dấu ấn khá đậm nét kiến trúc Pháp. Tòa nhà đầu tiên được xây dựng ở phía nam Sông Hương là Tòa Khâm sứ (La Residence Supérieure); tiếp đến là Bệnh viện bản xứ (Hôpital Indigene) xây dựng năm 1894, Trường Quốc Học (1896), Grand hotel de Hue (1901) (nay là khách sạn Sài Gòn Morin), Ga Huế (1906), Dinh Công sứ, Viện Dân biểu Trung kỳ (nay là cơ quan Đại học Huế, Ngân hàng Đông Dương (nay là Trung tâm học liệu), Tòa công chính còn gọi là Sở Lục lộ (nay là Bảo tàng Văn hóa Huế)…

Những kiến trúc Pháp đến nay vẫn còn là những điểm nhấn cho cố đô Huế. Điển hình, Bảo tàng Văn hóa Huế, số 25 Lê Lợi, thành phố Huế, được xây dựng trên khu đất có diện tích 5.942m2, theo kiến trúc Pháp cổ gồm có hai khối nhà; nhà làm việc 2 tầng có tổng diện tích 798m2. Riêng nhà làm việc 3 tầng có tổng diện tích 1.422m2, diện tích sàn mỗi tầng là 473m2, hành lang rộng 2,2m.

Cầu thang lên xuống chung, kết cấu toàn bộ ngôi nhà kiểu tường gạch với sắt chữ I chịu lực phổ biến hồi đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, bên ngoài tường móng của tòa nhà có gắn một tấm sắt nhỏ khắc chữ nổi bằng tiếng Pháp “Nivellement” (Đo thăng bằng – cao trình nền móng của tòa nhà so với mặt nước biển).

Mặc dù trải qua thời gian dài nhưng đứng quan sát ở góc độ nào, công trình kiến trúc này vẫn là một tổng thể hoàn chỉnh có liên hệ mật thiết giữa kiến trúc và cảnh quan. Riêng L’Accueil (Nhà đón khách) xây dựng năm 1939 (nay là Trung tâm Văn hóa thanh niên thành phố Huế), trước nhà có dòng chữ Pháp đắp nổi tên công trình kiến trúc khá lớn.

Ở đây tòa nhà cũng là một ví dụ sinh động cho lối kiến trúc biết khai thác và ứng dụng tích cực những yếu tố thời tiết, khí hậu, văn hóa của bản địa. Còn rạp Cinema của Henri Richard, 81 Phan Đăng Lưu hiện còn hai chữ HR tồn tại đến ngày nay. Một số kiến trúc Pháp ở Huế đã trở thành “thương hiệu văn hóa”, được nhiều hãng phim trong nước và quốc tế đến chọn cảnh quay.

Theo đánh giá của Viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung, hiện, đơn vị này đã thống kê được 200 nhà kiểu Pháp có trong thành phố Huế gồm đầy đủ các cấu tạo kiến trúc với các thời kỳ xây dựng khác nhau. Tuy nhiên, các nhà đều già cỗi, có tuổi thọ từ 50 đến hơn 100 năm.

Do thời gian và chiến tranh, các công trình kiến trúc này phần lớn bị suy thoái vật liệu (gỗ mục, tường mủn, vữa xốp, gạch bở), hư hại kết cấu (nứt do quá tải, lún hoặc do tác động nhiệt ẩm), trầm trọng nhất là hiện tượng thấm dột xảy ra ở hầu hết các công trình.

Hiện, kiến trúc Pháp ở Huế đã cấu thành một bộ phận không thể tách rời đối với di sản kiến trúc của Huế. Thiết nghĩ, tỉnh Thừa Thiên – Huế cần có kiểm kê, đánh giá và xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo. Nhất là đối với những công trình kiến trúc được cho là có giá trị lịch sử, phù hợp với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực, để tránh những ý kiến trái chiều như việc đập bỏ ngôi biệt thự hơn 100 năm tuổi, đậm nét kiến trúc Pháp ở Huế tại khu đất số 5 Lý Thường Kiệt nói trên.

Tin, ảnh: Quốc Việt (TTXVN)