21/04/2017

Hướng đi nào cho kiến trúc đô thị biển Việt Nam?

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Cơn lốc phát triển bất động sản cùng những công trình kiến trúc nhà ở, thương mại đã phát triển ồ ạt tại các đô thị lớn tại Việt Nam trong 20 năm qua để rồi hiện nay đang lan tỏa mạnh mẽ đến dòng bất động sản nghỉ dưỡng du lịch tại các đô thị ven biển. Hơn lúc nào hết, trước những bất cập, thực trạng  và xu hướng phát triển công trình, dự án nghỉ dưỡng hiện nay, các đô thị biển cần lựa chọn hướng đi nào cho mình để hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả, nhân văn, vì cộng đồng?  Bài viết mang tính tổng hợp các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia nhằm chia sẻ, gợi ý những hướng đi cho kiến trúc đô thị biển Việt Nam hiện nay. 

Không gian đô thị ven biển thành phố Hạ Long (Quảng Ninh)

Không gian đô thị ven biển thành phố Hạ Long (Quảng Ninh)

Đô thị biển Việt Nam với các đặc trưng riêng mang nhiều màu sắc và tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để phát triển một cách bền vững và có bản sắc, các đô thị biển Việt Nam cần có một chiến lực, định hướng phát triển cụ thể; cách làm, quản lý phải chặt chẽ, đồng bộ. Không vì phát triển bằng mọi giá mà hy sinh các giá trị bản sắc sinh thái, môi trường của đô thị biển. Một hướng đi bền vững, sử dụng tối ưu các nguồn lực trong phát triển kiến trúc đô thị biển là vấn đề cần nghiên cứu giải quyết ngay lúc này.

Không phải đô thị biển nào cũng luôn phải là đô thị du lịch

Trước thực tế, hầu hết các đô thị ven biển hiện nay ở Việt Nam đều hướng tới phát triển đô thị du lịch. Đây là tiềm năng, lợi ích dễ dàng nhìn thấy. Tuy nhiên, Theo TS. Ngô Viết Nam Sơn thì không phải đô thị biển nào cũng luôn phải là đô thị du lịch. Tác giả cho rằng:
Đô thị biển không nhất thiết luôn phải là đô thị du lịch, mà còn có thể phát triển với các chức năng chủ đạo đem lại bản sắc khác biệt như: đô thị sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, đô thị đại học, đô thị kinh tế tài chính, đô thị ngư nghiệp, đô thị cảng biển, đô thị giao thương quốc tế… Các đô thị biển này có thể tạo thành một mạng lưới đô thị biển quốc gia đa dạng, kết nối với nhau qua hệ thống đường thủy cũng như đường bộ ven biển.
Do đó, trái với điều người ta thường lầm tưởng, không phải đô thị biển nào cũng nên khuyến khích xây dựng nhà cao tầng, mà cũng nên xem xét khả năng quy hoạch không gian đô thị thấp tầng và gắn kết hơn với thiên nhiên cho một số đô thị biển sinh thái, đô thị di sản, đô thị ngư nghiệp, hoặc đô thị cảng biển. Ví dụ như tại đô thị biển di sản Hạ Long, tầm nhìn ra vịnh là di sản thế giới và là vốn quý nhất của đô thị biển, do đó cần có chính sách không cấp phép cho các công trình xây sát biển, đặc biệt là các công trình cao tầng án ngữ tầm nhìn thoáng ra vịnh hoặc tạo ra cảm giác mất tỷ lệ hài hòa về quy mô, khi so sánh với các hòn đảo lớn nhỏ trong vịnh.
Giải pháp phát triển đô thị biển phân tán không hiệu quả về mặt kinh tế, vì giá thành xây dựng hệ thống hạ tầng trở nên cao hơn, việc quản lý bảo vệ môi trường và xử lý chất thải trở nên khó khăn hơn, do phải trải dài theo diện tích rộng hơn và khoảng cách xa hơn. Thay vì chỉ tập trung phát triển theo tuyến bờ biển thì cần phát trỉển các cụm đô thị tập trung nằm sâu hơn trong đất liền nhưng vẫn kết nối tốt với nhau và với bờ biển.
Trong thời gian phát triển nóng khoảng ba thập niên qua, kế từ sau khi đổi mới, tại nhiều đô thị biển Việt Nam đã và đang xảy ra những xu hướng phát triển thiếu bền vững. Ví dụ: Xu hướng xây dựng “bức tường thành” gồm những nhà cao tầng chạy suốt mặt tiền biển; Xu hướng tư nhân hóa bãi biển; Xu hướng phát triển nhà cao tầng một cách vô tổ chức làm rối loạn hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Việc phát triển nhà cao tầng thiếu cẩn trọng tiềm ẩn nguy cơ kìm hãm và làm tổn hại cơ hội phát triển trong tương lai của đô thị. Do đó, việc cải tạo và phát triển các đô thị biển tại Việt Nam cần có sự đánh giá lại hiện trạng và xem xét lại các mục tiêu phát triển, phù hợp với những định hướng chiến lược rõ rệt hơn về quy hoạch nhà cao tầng. Cần tránh xu hướng lạm dụng phát triển mặt tiền biển làm tổn hại cơ hội phát triển của khu vực nằm phía sau sâu hơn trong đất liền. Đặc biệt là cần tránh xu hướng phát triển các dự án du lịch nối liền nhau nhiều km, biến bãi biển thành tài sản tư, ngăn chận cơ hội tự do tiếp cận bãi biển của cư dân ở các khu đất lân cận nằm sâu hơn trong đất liền

Quy hoạch kiến trúc ven biển – cần một đồ án quy hoạch chủ động

Một thực tế, cho đến nay, còn khá nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa có đủ sự quan tâm trên toàn bộ quỹ tài nguyên ven biển thuộc phạm vi địa phương mình, từ góc nhìn chiến lược về công tác quy hoạch kiến trúc, cũng như có cơ sở cho công tác quản lý. Theo TS.KTS Nguyễn Tiến Thuận (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) thì chính điều này đã làm cho quá trình diễn biến phát triển bị manh mún và kém sức hấp dẫn về thu hút đầu tư. Nhiều nhà đầu tư muốn thực hiện dự án của mình trên một vị trí, địa điểm nào đó, song họ không thể hình dung được tương lai của khu vực đó sẽ như thế nào. Trên thực tế, nhiều dự án đầu tư đã chết yểu chỉ vì đơn phương và đơn độc.
Cũng theo TS.KTS Nguyễn Tiến Thuận, ông đưa ra một số gợi ý cũng như giải pháp để phát triển kiến trúc ven biển một cách phù hợp và hiệu quả với Việt Nam; Ông cũng đặc biệt cho rằng: Quy hoạch kiến trúc ven biển rất cần một đồ án quy hoạch chủ động.
Kiến trúc ven biển là một loại hình công trình có đặc thù, không giống như các công trình ở trong trung tâm đô thị hoặc các thành phố xa biển, kể cả về hình thức kiến trúc cũng như các chức năng không gian sử dụng và giải pháp kỹ thuật. Một vấn đề đặt ra là, vì sao cần xây cao tầng và cao tầng như thế nào ở các thành phố ven biển. Điều này được quyết định một cách cẩn trọng bởi đồ án quy hoạch chung, tùy theo tiềm năng phát triển và điều kiện tự nhiên riêng của từng khu vực địa phương.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để có hình ảnh ấn tượng về một thành phố hay chỉ là một khu phố, một tuyến đường, cần phải có một đồ án quy hoạch chủ động. Nghĩa là, một đồ án quy hoạch có tác giả và được duyệt. Không thể chỉ là đồ án quy hoạch với kết quả là các quy định bằng chính sách, các quy định chung chung có tính khống chế về chiều cao tầng nhà, về mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất. Đây là loại hình đồ án quy hoạch bị động, vì cách này đã phụ thuộc vào ý đồ xây dựng của các chủ đầu tư, thường họ sẽ thiết kế và xây dựng tối đa theo điều kiện cho phép của chính sách đã quy định. Đây là những kết quả ngẫu nhiên, mà hầu hết hình ảnh các thành phố chúng ta đang là như vậy.
Cũng theo, TS.KTS Nguyễn Tiến Thuận, Nhật Bản là một quốc gia phát triển, cũng có rất nhiều bờ biển. Song người Nhật cũng phải thừa nhận rằng, trên thực tế họ cũng đã có không ít sai lầm về quy hoạch kiến trúc các dự án ven biển; Sự mất cân đối giữa phát triển các dự án khu công nghiệp biển đã gây khó khăn và tổn hại không nhỏ đến sự phát triển của các dự án du lịch – do đã không tính trước được những ảnh hưởng giữa chúng. Trong giai đoạn vừa qua, người Nhật đã phải tốn khá nhiều công sức và tài chính để khắc phục những hậu quả đó. Kinh nghiệm về quy hoạch phát triển không gian kiến trúc ven biển của Nhật Bản là những bài học thực tế rất cần được các nhà quản lý và chuyên môn của chúng ta học hỏi.

Lựa chọn mô hình phát triển nào cũng phải dựa trên bản sắc và giá trị di sản đặc thù của đô thị

Trước những diễn biến phát triển có phần thiếu kiểm soát chặt chẽ, điển hình là những cảnh báo về việc xây dựng nhà cao tầng vượt chiều cao cho phép hay nguy cơ hình thành những khối nhà cao tầng như những “bức tường chắn” mặt biển như báo chí đã nêu thời gian qua, một câu hỏi đặt ra lúc này là: đô thị biển Việt Nam nên phát triển theo mô hình nào, hướng nào để đảm bảo tính phát triển triển bền vững mà sau đấy chúng ta không bị rơi vào nuối tiếc, sót xa bởi những sai lầm đã làm? Theo Ths.Kts Trần Hồng Thủy, Công ty Kiến trúc giải pháp nhà cao tầng Việt Nam thì: Về lâu dài chúng ta không thể áp dụng cứng nhắc quy hoạch của một thành phố biển nổi tiếng trên thế giới nào vào Việt Nam. Việc áp dụng phải hết sức thận trọng và có chọn lọc. Không gian đô thị biển Việt Nam, mỗi vùng đều có bản sắc riêng, văn hóa riêng. Rất nhiều các đô thị biển như Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa)…là các di sản nổi tiếng, cảnh quan đặc sắc của các đô thị ven biển cần bảo tồn và tôn trọng tối đa tự nhiên và tính bản địa chứ không dựa hoàn toàn vào nhân tạo. Sự can thiệp của con người vào đây phải trên cơ sở làm cho thiên nhiên đẹp hơn, bền vững hơn.
Phát triển xây dựng cao tầng tại các không gian hướng biển của đô thị dù dạng mô hình “đô thị nén – mật độ cao” hay bất cứ loại hình đô thị nào trước tiên phải bảo vệ được bản sắc và giá trị di sản đặc thù của đô thị.
Không gian kiến trúc cảnh quan đô thị biển chịu nhiều tác động lớn nhất khi xây dựng các công trình cao tầng ven biển. Phần lớn, xây công trình cao tầng ven biển sẽ mang đến một diện mạo kiến trúc mới, được coi là hiện đại mà trước đây không có được.
Về lý thuyết, nhà cao tầng có thể được xem là “cỗ máy tạo ra của cải” hoạt động rất hiệu quả trong nền kinh tế đô thị. Tuy nhiên, không nên coi nhà cao tầng đơn giản chỉ là sự gia tăng không gian xây dựng theo chiều cao với một diện tích đất hạn chế, mà có những yêu cầu khá nghiêm ngặt cần tuân thủ trong quá trình thiết kế và thi công.
Không thể biến Nha Trang thành một bản sao của kiến trúc đô thị ven biển nào đó trên thế giới. Việc các cao ốc, khách sạn hàng chục tầng, dày đặc bên bờ biển sẽ vô tình tạo bức tường chắn gió, che khuất tầm nhìn nhiều khu dân cư bên trong và gây mất mỹ quan cho vịnh Nha Trang. Nha Trang còn thiếu những công trình nghiên cứu về mặt tiền biển và chưa rút kinh nghiệm từ những quốc gia phát triển khác trên thế giới.
Thành phố như một cỗ máy du lịch và việc sử dụng đất không có định hướng cho du lịch dịch vụ là một lãng phí. Các ý kiến ủng hộ nên “thấp ven biển và cao dần vào trong” nghe có vẻ hay nhưng không phù hợp với lý lẽ tự nhiên của nhu cầu thị trường, bởi sự tiện dụng và bắt mắt với khách du lịch. Bởi vậy, không có lý do gì mà các đô thị biển không thể không có các khối nhà cao tầng, thậm chí nhà chọc trời ven biển. Nhưng cần lựa chọn vị trí và kiến trúc công trình hợp lý hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Điều quan trọng nó cần một nhạc trưởng đủ tầm để hoạch định và hệ thống công cụ quản lý chặt chẽ hướng tới phát triển bền vững, vì cộng đồng là lợi ích xã hội bền lâu.
Cần sớm ban hành các quy chế quản lý đầu tư xây dựng thể loại công trình cao tầng ven biển mới xuất hiện (ví dụ loại hình công trình nhà ở cao tầng kết hợp khách sạn ven biển condotel mới) để đảm bảo hiệu quả xây dựng và quản lý quy hoạch, tránh các tác động xâu về kiến trúc cảnh quan và môi trường.

Không nên chỉ chú trọng vào bài toán đầu tư

Nhà cao tầng là sản phẩm phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 20, 21 trên toàn thế giới với những lợi thế về phát triển theo chiều cao, tiết kiệm tài nguyên đất đai và là nơi để ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ cao của thời đại… Bởi vậy, phát triển nhà cao tầng là xu hướng tất yếu trong định dạng và tâm thức của các chính quyền địa phương hiện nay, đặc biệt là các khu đô thị lớn, đô thị ven biển.
Tuy nhiên, theo TS.KTS Trịnh Hồng Việt, ĐH Xây dựng miền Trung, nhà cao tầng tại các đô thị ven biển Nam Trung bộ đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới cảnh quan, quy hoạch kiến trúc và đời sống văn hóa xã hội các đô thị, những “cỗ máy thương mại” và những “biểu tượng đô thị mới” này đã gây ra không ít những vấn đề cần giải quyết, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội với những cảnh báo về sự phát triển manh mún, thiếu bền vững. Vì vậy rất cần xác định thái độ ứng xử, phạm vi giới hạn và giải pháp sử dụng kiến trúc cao tầng một cách hợp lý, hiệu quả, theo xu hướng phát triển bền vững. Nói đơn giản là rất cần sự vào cuộc của các nhà chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc và du lịch mà không nên chỉ chú trọng ở bài toán đầu tư.
Nhà cao tầng ở vùng biển có những lợi thế về tạo dựng cảnh quan hiện đại, về quảng bá thương hiệu và hưởng lợi từ các tài nguyên thiên nhiên như nắng gió tầm nhìn, không khí trong lành… Chúng luôn được các nhà đầu tư du lịch cũng như các nhà quy hoạch kiến trúc tận dụng. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng như nhau: Có những bãi biển nổi tiếng bởi tổ hợp công trình cao tầng như Marina Bay ở Singapore, Sao Paulo ở Brazil… trong khi ở nhiều nơi khác, kiến trúc cao tầng ven biển được sử dụng rất thận trọng và chừng mực, cách sử dụng kiến trúc cao tầng ở các vùng biển này đều nhằm tới việc tối ưu hóa cảnh quan và không gian du lịch – là linh hồn, đồng thời là chất lượng thương hiệu của địa phương, là lợi thế chính để hấp dẫn du khách.
Nhà cao tầng ven biển thường mang chức năng du lịch nghỉ dưỡng là chính, trong khi các tổ hợp cao tầng ở đô thị khác có xu hướng đa chức năng, vì vậy đặc điểm quy hoạch và cơ cấu kiến trúc thường gắn chặt với môi trường và không gian biển, công trình là một bộ phận của tổng thể biển với “cơ cấu mở”, khác với tổ hợp cao tầng là “một thành phố trong thành phố”.
Hãy cùng suy nghĩ ý kiến sau về “bất cập” ở một công tình cao tầng tại Nha Trang: “Công trình này làm xấu đi cảnh quan tự nhiên xinh đẹp của khu vực này. Bây giờ đã lỡ xây dựng lên rồi nhưng chúng tôi vẫn phải có ý kiến để đến những đời sau, khi hết hạn thuê đất thì phá bỏ nó đi, trả lại không gian cho Nha Trang” (trích lược ý kiến ông Bùi Mau – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Khánh Hòa).
Vì vậy, theo TS.KTS Trịnh Hồng Việt, cần kịp thời ban hành Quy chuẩn và Tiêu chuẩn mới về nhà cao tầng, thay thế cho TCXDVN 323.2004 đã hết hiệu lực, trong đó cần chú ý tới việc đánh giá tác động của kiến trúc cao tầng đối với cảnh quan và môi trường thành phố, mặt khác cần phân biệt các loại nhà cao tầng theo vùng miền trong đó có vùng biển để có quy định phù hợp với đặc điểm và yêu cầu cụ thể.

Cần một chiến lược trúng, đúng cho không gian ven biển

Việc hoạch định phát triển khu vực, trục không gian ven biển hiện nay ra sao về mặt phương pháp luận có lẽ cần định nghĩa rõ về không gian ven biển là gì, thuộc những đối tượng gì, những yếu tố nào là cốt lõi để phát huy cao nhất hiệu quả của không gian này, đặc biệt hướng tới bài toán vì cộng đồng. Từ đó, chúng ta sẽ có một hoạch định phát triển không gian một cách hiệu quả, hợp lý. Theo Ths.Kts Đỗ Hà Thanh thì chúng ta cần một chiến lược trúng, đúng cho không gian ven biển.
Cụ thể, đối với một đô thị biển, có thể hiểu theo nghĩa rộng thì không gian công cộng là không gian do nhà nước quản lý, bao gồm: đường phố, vỉa hè, không gian bãi biển, hệ thống các công trình công cộng, tượng đài. Nhưng, qua các phương tiện thông tin đại chúng lại cho thấy một hiện tượng các không gian ven biển đang bị chiếm dụng bởi các chủ đầu tư dự án “chiếm hữu”, phục vụ cho các mục đích cá nhân. Chưa hết, với tầm nhìn ngắn hạn hay của nhóm lợi ích chi phối, các không gian ven biển vô giá được các chính quyền thành phố cấp cho tư nhân xây chung cư cao tới 60 – 70 tầng dày đặc, hoặc xây các khu nghỉ dưỡng chạy dài hết mặt tiền hướng biển.
Trên thế giới, có rất nhiều đô thị thực hiện khống chế thấp tầng tại khu vực không gian mặt tiền hướng biển của đô thị. Tuy nhiên, cũng không thiếu các đô thị lại lựa chọn việc phát triển xây dựng cao tầng tại các khu vực này. Lựa chọn hướng đi và giải pháp kiến trúc nào cho không gian kiến trúc khu vực mặt tiền ven biển của đô thị cần xuất phát từ chính các điều kiện về tự nhiên xã hội và nhu cầu thực tế đặt ra để góp phần tạo dựng bản sắc kiến trúc, sự thịnh vượng và phát triển cho đô thị cho đô thị ven biển từng khu vực cụ thể.
Có một tư tưởng đã trở thành khái niệm là “Không gian mặt tiền hướng biển của đô thị dù theo định hướng xây dựng cao tầng hay thấp tầng trước tiên cần được quy hoạch tạo thành các không gian công cộng dành cho toàn bộ người dân đô thị, khách du lịch”, cần hạn chế sự chiếm hữu không gian này cho các mục tiêu và mục đích của cá nhân hay các nhóm lợi ích thiểu số.
Nếu bám sát theo tiêu chí trên đều sẽ thấy trên thế giới có rất nhiều mô hình phát triển kiến trúc cao tầng ven biển mà ở đó lợi ích kinh tế – bản sắc – cộng đồng được giải quyết hài hòa, các không gian mặt tiền đô thị ven biển trở thành những không gian điểm nhấn, khơi gợi nguồn lực và tạo động lực cho sự phát triển của đô thị và cộng đồng. Các không gian công cộng tại các vị trí này cũng vì thế được tôn trọng và tạo dựng.
Tuy vậy, tại Việt Nam, hiện nay không dễ tìm định nghĩa chính thức về không gian công cộng trong các tiêu chuẩn qui phạm hay tiêu chí đô thị. Đáng tiếc hơn, không gian ven biển của đô thị bao gồm cả các không gian công cộng đang bị lấn chiếm, chuyển đổi mục đích, phân lô xây cao tầng phục vụ cho các mục đích kinh doanh bất động sản thương mại tràn lan.
Để viễn cảnh các không gian đô thị biển sinh thái xanh, thông minh – nơi con người được thụ hưởng những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, nơi có các nguồn tài nguyên được quy hoạch sử dụng lâu bền cho cộng đồng cư dân, nơi các giá trị sinh thái nhân văn, lịch sử cần được bảo tồn để phát triển bền vững, rất cần một chiến lược đúng và trúng. Kinh nghiệm quy hoạch phát triển công trình cao tầng tại các quốc gia phát triển trên thế giới có thể cho thấy rõ các quan điểm và kinh nghiệm trên./.

PHẠM THANH HUYỀN