06/03/2020

Xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”: Cần lời giải từ quy hoạch

Trong khi vẫn còn trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại từ nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm thì nay trên các tuyến đường đang được mở rộng của Hà Nội lại tiếp tục xuất hiện những ngôi nhà có hình thù kỳ dị. Đến khi nào TP mới hết nhà “siêu mỏng, siêu méo” vẫn là câu hỏi chưa dễ trả lời khi quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị hai bên các tuyến đường chưa có.

 Ngôi nhà hình tam giác trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Vũ Cúc

Ngôi nhà hình tam giác trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Vũ Cúc

Điệp khúc… mở đường phát sinh nhà “siêu mỏng, siêu méo”
Có thể nói, những văn bản của cơ quan chức năng vẫn liên tục được gửi đi để đốc thúc các quận xử lý triệt để nhà “siêu mỏng, siêu méo” nhưng hình ảnh những ngôi nhà kỳ dị vẫn xuất hiện trên nhiều tuyến đường mới mở. Cụ thể, gần đây nhất vào cuối tháng 2/2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Văn bản 1406/SXD-TTr yêu cầu hai quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm tăng cường xử lý các công trình “siêu mỏng, siêu méo” trên tuyến đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long (đường Phạm Văn Đồng). Theo Sở Xây dựng, thực hiện dự án mở rộng đường Vành đai 3, quận Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy phát sinh 72 trường hợp diện tích đất còn lại không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng. Đến nay, đã xử lý 56 trường hợp, còn tồn tại 16 trường hợp. Để không phát sinh các công trình “siêu mỏng, siêu méo” trên những mảnh đất này, Sở đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm và quận Cầu Giấy kiên quyết dỡ bỏ toàn bộ công trình, bộ phận công trình trên đất, vật kiến trúc trên đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, đồng thời xây dựng lộ trình xử lý và cam kết tiến độ thực hiện.
Qua khảo sát thực tế ngày 4/3 cho thấy, quy hoạch mở rộng tuyến đường Phạm Văn Đồng cắt qua khu dân cư dẫn đến nhiều ô đất không còn vuông vắn. Đây là nguyên nhân chính xuất hiện những ngôi nhà méo, mỏng, kỳ dị, gây mất mỹ quan đô thị, dù các trường hợp này đều đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Có những ngôi nhà hình tam giác cao 5 – 6 tầng đã và đang được hoàn thiện. Ngoài ra, còn nhiều ô đất hình tam giác chưa đến 10m2 đang được quây tôn, che bạt để kinh doanh hàng quán. Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy Vũ Trung Kiên cho biết, sau khi triển khai dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng trên địa quận đã phát sinh 48 trường hợp nhà đất không đủ về mặt bằng xây dựng. Sau khi vận động, hướng dẫn đã có 40 trường hợp thực hiện hợp thửa, hợp khối, bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 8 trường hợp chưa thực hiện hợp thửa, hợp khối và tồn tại công trình xây dựng trên thửa đất. Tương tự, tại quận Bắc Từ Liêm, sau cắt xén giải phóng mặt bằng cũng có 71 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng.
Sớm có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị
Không phủ nhận nhiều con đường mới ở Hà Nội được hoàn thành thời gian qua đã phần nào giảm bớt ùn tắc giao thông, thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, có một thực tế sau giải phóng mặt bằng để làm đường thì luôn xuất hiện nhà “siêu mỏng, siêu méo”, gây mất mỹ quan đô thị. Mặc dù chính quyền các quận, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý nhưng trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ giải quyết rất chậm. Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy Vũ Trung Kiên cho biết, việc xử lý các trường hợp nhà đất “siêu mỏng, siêu méo” rất khó khăn. Với chủ trương hợp thửa, không phải hộ nào cũng có điều kiện để mua lại, bởi giá đất mặt đường tăng cao. Nhiều trường hợp không có nhu cầu mua hợp thửa do công trình đã ổn định… Đặc biệt, với các trường hợp không đủ điều kiện hợp thửa, quận đang vướng do chưa có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên tuyến đường (hiện mới có tuyến Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu có quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường) nên không có căn cứ xử lý thu hồi.
Từ thực tế này cho thấy, để giải quyết triệt để nhà “siêu mỏng, siêu méo”, xây dựng các tuyến đường đồng bộ, văn minh, việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị bắt buộc phải được thực hiện trước khi phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đô thị, thời gian qua việc phê duyệt các đồ án này còn chậm dẫn đến là tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện tràn lan.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, hiện trên địa bàn TP có 25 đồ án quy hoạch chi tiết và 11 đồ án thiết kế đô thị hai bên tuyến đường đang dừng thực hiện để tiến hành rà soát. Theo kế hoạch cũ, đa số các tuyến đường mới mở đều phải lập quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, đối với khu vực nội đô, các tuyến đường người dân đã ở ổn định hai bên, việc này rất khó thực hiện. Do đó, Sở QH – KT đang rà soát lại theo kế hoạch mới của TP, mạnh dạn loại bỏ quy hoạch không khả thi đối với khu vực không còn quỹ đất mà chuyển sang chỉnh trang cải tạo. Đối với những tuyến đường mới mở, quỹ đất còn nhiều thì mới lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường.
Hà Nội đang thực hiện nhiều dự án mở đường để đáp ứng yêu cầu phát triển. Do vậy TP cần nhanh chóng rà soát và phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị hai bên các tuyến đường mới mở. Có như vậy mới sớm giải quyết triệt để nhà “siêu mỏng, siêu méo”, xây dựng các tuyến đường đồng bộ, văn minh.
Gốc của vấn đề nằm ở quy hoạch đô thị, khi làm các dự án đường qua các khu dân cư đã ở ổn định cần được tính toán kỹ. Việc quy hoạch triển khai các dự án làm đường phải đồng thời quy hoạch hai bên tuyến đường, ngăn chặn nhà “siêu mỏng, siêu méo” không để phát sinh chứ không phải chạy theo xử lý từng trường hợp.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT