27/04/2018

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam

Ngày 27/4, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam. Tham dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng; đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng ; đồng chí Trịnh Đình Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương ĐCS Việt Nam Đỗ Mười – nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng gửi lẵng hoa chúc mừng.


Các đại biểu làm lễ chào cờ tại lễ Kỷ niệm.

Dự lễ còn có lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế; các thế hệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của ngành Xây dựng qua các thời kỳ cùng gần 1000 đại biểu đại diện cho các đơn vị, DN ngành Xây dựng trên khắp cả nước .

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Xây dựng 60 năm qua.

60 năm qua, ngành xây dựng Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất cũng như nền tảng kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 60 năm gian khổ, thử thách đã hun đúc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, tự hào của ngành xây dựng gắn liền với những mốc son lịch sử của cách mạng và dân tộc.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.

Cách đây 60 năm, ngày 29/4/1958, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) đã được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ 8 và ngày 29-4-1958 đã trở thành Ngày truyền thống của ngành xây dựng Việt Nam. Kể từ đó đến nay, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đã liên tục, bền bỉ phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Ðảng và Nhà nước giao trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước…

Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn ngành đã tích cực tham gia “Tiêu thổ kháng chiến”; tổ chức tập luyện, sẵn sàng chiến đấu ở hậu phương và các chiến trường; xây dựng các công trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các vùng chiến khu, khu căn cứ và vùng tự do. Một số công trình tiêu biểu của giai đoạn này là: Lễ đài Ba Ðình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; Hội trường họp Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ II tại căn cứ Việt Bắc; Hội trường, khu hội nghị cán bộ Hội nghị Trung ương 5, 6; Hội trường tỉnh Lạng Sơn; Nhà hát ngoài trời ở Thủ đô Hà Nội (10-1954)…

Cũng trong giai đoạn này, Hội nghị thành lập Ðoàn kiến trúc sư của Việt Nam, đơn vị cơ sở đầu tiên của ngành xây dựng, đã được tổ chức vào trung tuần tháng 4-1948, Hội nghị đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu gửi thư động viên, căn dặn. Tại hội nghị này, những phương hướng, nhiệm vụ lớn để xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc đã được khởi thảo.

Giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế ở miền bắc (1954 – 1965): Báo cáo của Bộ Xây dựng đánh giá, ngành Xây dựng cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc; giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước. Toàn ngành tập trung củng cố, kiện toàn bộ máy và cán bộ. Tính đến đầu năm 1957, đã có gần 50 nghìn cán bộ, công nhân viên công tác trong ngành, là một trong những ngành có lực lượng đông nhất thời bấy giờ.

Ngành xây dựng đã phối hợp các bộ, ngành khác tập trung xây dựng những công trình đầu tiên của chủ nghĩa xã hội, trực tiếp thi công nhiều công trình tiêu biểu như: Nhà máy Thủy điện Thác Bà, các nhà máy điện: Cao Ngạn – Thái Nguyên, Uông Bí, Thanh Hóa; các nhà máy cơ khí chung quy mô: Trần Hưng Ðạo, Duyên Hải; Nhà máy đóng tàu Bạch Ðằng; các nhà máy: Giấy Việt Trì, Xu-pe phốt-phát và hóa chất Lâm Thao, Phân đạm Hà Bắc, Dệt 8/3; các khu công nghiệp tại Hà Nội; Trường Ðảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)… và nhất là Hội trường Ba Ðình, công trình đã đóng vai trò lịch sử qua nhiều thập kỷ.

Giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (1965 – 1975): Ðã có gần 20 nghìn cán bộ, công nhân trong ngành lên đường chiến đấu tại các chiến trường miền nam, Lào, Cam-pu-chia, tham gia xây dựng một số công trình trụ sở, khu căn cứ trong các vùng giải phóng ở miền nam và công trình phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975; một số khu nhà ở Hà Nội (Khương Thượng, Trung Tự, Giảng Võ) và một số đô thị như Hải Phòng, Vinh, Việt Trì với cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, cùng một số công trình dân dụng, trọng điểm cũng đã được xây dựng như: Nhà máy thủy điện Thác Bà, Nhà máy cơ khí Cẩm Phả, Khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội), Ga hàng không Nội Bài, Nhà khách Chính phủ…

Công trình đặc biệt nhất, có ý nghĩa nhất mà ngành xây dựng đã vinh dự được đóng góp sức mình đó là Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành trong vòng hai năm (từ năm 1973 đến 1975).

Giai đoạn sau ngày thống nhất đất nước đến trước thời kỳ đổi mới (1975 – 1985): ngành Xây dựng tự hào viết lên bản hùng ca lao động trên công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình, nơi gần 30 nghìn cán bộ, công nhân viên của ngành cùng hơn 800 chuyên gia Liên Xô ngày đêm lao động ba ca, bốn kíp, không tiếc công sức, trí tuệ, mồ hôi và cả máu của mình để chế ngự thành công con sông Ðà hung dữ, làm nên kỳ tích của thế kỷ 20, niềm tự hào của các thế hệ ngành xây dựng…


Chương trình văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm.

Tại buổi lễ, các đại biểu sẽ cùng nhau ôn lại những dấu mốc lịch sử quan trọng của ngành Xây dựng, cũng như thành công của ngành trong suốt chiều dài lịch sử 60 năm qua; Nghe phát biểu chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước; ý kiến của đại diện thế hệ trẻ ngành Xây dựng …

Vân Anh