Thủ tướng phát lệnh thông xe cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây
Ngày 8.2, tại Trạm thu phí Dầu Giây (km 52+300, ấp Trần Hưng Đạo, xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh thông xe, đưa vào khai thác Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Tham dự buổi lễ còn có Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ NNTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cùng lãnh đạo Đảng, chính quyền của TPHCM, Đồng Nai, Lâm Đồng cùng đại diện đơn vị chủ đầu tư; các đơn vị thi công; tư vấn; các nhà tài trợ vốn cho dự án…
Tuyến đường rất quan trọng, hiện đại và mang ý nghĩa tri ân sâu sắc
Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Công trình cũng có ý nghĩa rất quan trọng cho việc đảm bảo quốc phòng – an ninh cho các địa phương, cho cả vùng và cả nước.
Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước, công trình này hoàn thành, đưa vào sử dụng cũng có ý nghĩa tri ân sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào và đặc biệt là đối với những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất này khi tiến vào giải phóng Sài Gòn cách đây vừa tròn 4 thập kỷ.
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của Bộ GTVT, chủ đầu tư VEC, các đơn vị thi công, chính quyền TPHCM, tỉnh Đồng Nai và toàn bộ người lao động trên công trường đã vượt qua những khó khăn, làm việc ngày đêm để đưa công trình vào khai thác vượt tiến độ một năm và được Hội đồng nghiệm thu quốc gia đánh giá là dự án đường cao tốc có chất lượng cao nhất.
Thủ tướng đề nghị TPHCM, Đồng Nai cập nhật, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương để đồng bộ với tuyến đường vì dự án này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, Thủ tướng còn đề nghị VEC tiếp tục hoàn thiện những công việc còn lại của dự án; phối hợp cùng TPHCM, Đồng Nai tính toán hoàn thiện những đường gom kết nối với đường cao tốc một cách đồng bộ, phát huy tốt nhất dự án này. Việc quan tâm giải quyết việc làm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án cũng được Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan quan tâm giải quyết thỏa đáng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và của nhân dân.
Nhiều công nghệ lần đầu tiên được áp dụng
Theo VEC, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây là tuyến đường bộ cao tốc nằm trên tuyến đường bộ cao tốc phía Đông thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam từ TPHCM nối quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và quốc lộ 1A. Dự án đi qua địa phận của TPHCM và tỉnh Đồng Nai.
Với tổng chiều dài toàn tuyến là 55km, dự án được chia làm hai dự án thành phần: Dự án thành phần I (đoạn An Phú – Vành đai II) thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80km/h, quy mô giai đoạn I 4 làn xe, chiều rộng nền đường 26,5m; mặt đường rộng 2×7,5m và 2 làn dừng khẩn cấp 2x3m.
Dự án thành phần II (đoạn Vành đai II – Long Thành – Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h. Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn I là 4 làn xe, chiều rộng nền đường là 27,5m; phần mặt đường rộng 2×7,5m và 2 làn dừng xe khẩn cấp 2x3m.
Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay OCR của ADB 276,8 triệu USD, vốn vay ODA của JICA 640,3 triệu USD và vốn đối ứng. Diện tích giải phóng mặt bằng của dự án là hơn 437ha, đền bù 1.990 hộ dân bị ảnh hưởng và di dời nhiều công trình công cộng.
Toàn tuyến có 32 cầu với tổng chiều dài 17,5km. Điểm nhấn trên toàn bộ tuyến đường là cầu Long Thành vượt sông Đồng Nai dài 2,35km có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng, tĩnh không thông thuyền cao 30,5m – thuộc loại lớn nhất tại Việt Nam.
Dự án xây dựng 4 nút giao, 1 trung tâm điều hành với hệ thống ITS, 3 trạm thu phí, 1 trạm dừng nghỉ. Để xử lý 18km đường đất yếu, chủ đầu tư đã áp dụng những công nghệ tiên tiến như áp dụng những công nghệ mới, lần đầu áp dụng tại Việt Nam như cọc đất gia cố xi măng, bơm hút chân không, độ lún có khu vực đến 2,4m… rút ngắn được thời gian thi công, tiết kiệm vốn đầu tư.
Việc nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế một số hạng mục của dự án như điều chỉnh kết cấu cầu Long Thành từ kết cấu cầu dây văng sang sử dụng kết cấu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực đã giảm chi phí xây dựng của dự án so với phương án dự kiến ban đầu khoảng 2.000 tỉ đồng.
Trước khi thông xe toàn tuyến hôm nay, ngày 2.1.2014, đoạn từ Vành đai II đến Quốc Lộ 51 dài 20km đã thông xe đưa vào khai thác. Tiếp sau đó, ngày 10.1.2015, thêm 4km từ Nút giao An Phú (quận 2) đến nút giao Vành đai II (quận 9) cũng đã được đưa vào khai thác (vượt tiến độ dự kiến 6 tháng). Sau 1 năm đưa vào khai thác, đoạn tuyến đã đảm bảo phục vụ cho hơn 5 triệu lượt phương tiện lưu thông an toàn và thông suốt.
Như vậy, 9/9 gói thầu được thông xe với chiều dài 55km đường cao tốc của dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác đã góp phần rất lớn đẩy mạnh giao thương giữa TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, phục vụ việc phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh trong khu vực.
Việc đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc dài 55km đã rút ngắn khoảng cách và thời gian đi các vùng lân cận TP. Hồ Chí Minh, như đi huyện Long Thành (Đồng Nai) hiện nay dài khoảng 45km mất khoảng 60 phút nay rút ngắn xuống còn khoảng 22km với 20 phút. Đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120km mất hơn 2,5 giờ đồng hồ. Nếu đi trên cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút.
Từ TPHCM đi Ngã ba Dầu Giây (giao quốc lộ 1A (hướng ra phía Bắc) và hướng đi Liên Khương (khu vực Tây Nguyên)) đi theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70km mất 3 giờ đồng hồ do thường xuyên ùn tắc. Nếu đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian chỉ còn 1 giờ, đồng thời giảm 20% đến 30% chi phí vận tải.
Theo Lao động