Sớm chấm dứt quy hoạch tùy tiện, ngẫu hứng
Dự thảo Luật Quy hoạch đã thành hình hài sau khi trải qua trên 30 cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế. Điều đáng nói là, bản Dự thảo Luật Quy hoạch mới nhất đã nhận được sự đồng thuận rất cao của đại diện các cơ quan của Quốc hội tại Phiên họp thường trực mở rộng lấy ý kiến vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.
Nếu Luật Quy hoạch không sớm ban hành, thì “phong trào” địa phương xây trụ sở làm việc, vừa đi vào sử dụng lại quy hoạch, chuyển trụ sở thì lãng phí tiếp tục gia tăng cùng với nợ công.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quy hoạch là cầu nối giữa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, cũng như hàng năm. Nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, nếu như trong giai đoạn 2001- 2010 cả nước có 3.114 bản quy hoạch các loại, thì trong giai đoạn 2011- 2020 số lượng quy hoạch phải lập lên tới 19.285 bản.
Theo tính toán của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì chỉ riêng số tiền để xây dựng các bản quy hoạch từ năm 2011 đến nay đã tiêu mất của ngân sách trên 8.000 tỷ đồng. Số tiền 8.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước bỏ ra chỉ để làm quy hoạch đã là khoản tiền không nhỏ, nhưng theo Thứ trưởng Đông, con số đó chưa thấm tháp gì nếu so với những thất thiệt khi cả ngàn quy hoạch hiệu quả rất thấp, thậm chí không thực hiện được do thiếu tính khả thi, xa rời thực tế, không gắn kết với nhau. Các địa phương, bộ, ngành, lĩnh vực chia cắt, cát cứ, phân khúc để làm quy hoạch dẫn tới nhiều quy hoạch chồng chéo, ngẫu hứng và tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch.
Lấy dẫn chứng từ các bản quy hoạch nuôi, chế biến cá tra, quy hoạch phát triển tôm hùm… ông Đông lo ngại, nếu Luật Quy hoạch không sớm được Quốc hội thông qua để có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, rất có thể sẽ có bộ, ngành nào đó sẽ xây dựng quy hoạch cả… ngành sản xuất bàn chải đánh răng, với lập luận rằng, với 90 triệu dân, mỗi năm cần bằng này bàn chải đánh răng, khi dân số lên 95 triệu rồi 100 triệu sẽ cần bằng này bàn chải đánh răng!
Chưa nói tới địa phương nào cũng đầu tư cảng nước sâu, sân bay, nhà máy sản xuất xi măng, khu công nghiệp… hiệu quả sử dụng thấp dẫn tới lãng phí vô cùng lớn, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ ra sự lãng phí mà bất cứ người dân nào cũng nhìn thấy do quy hoạch cắt khúc. Đó là tình trạng đào lên, lấp xuống ở các đô thị. “Trên khắp các đoạn đường, tuyến phố ở hầu hết các đô thị, ngành giao thông vừa làm đường xong thì ngành cấp nước đã đào lên để thi công. Có công trình đường vừa hoàn thành, thì ngành điện lại đến xới tung lên để thực hiện quy hoạch ngầm hóa đường truyền tải điện. Cùng với đó là các ngành cấp, thoát nước, viễn thông… tiếp tục thi nhau đào lên lấp xuống. Kết quả là không chỉ gây ách tắc giao thông, ngập lụt càng ngày càng tăng mà lãng phí không biết bao nhiêu mà kể”, ông Lợi nhấn mạnh và cũng bày tỏ sự lo ngại, nếu Luật Quy hoạch không sớm ban hành, thì “phong trào” địa phương xây trụ sở làm việc, vừa đi vào sử dụng lại quy hoạch, chuyển trụ sở thì lãng phí tiếp tục gia tăng cùng với nợ công.
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Lại Xuân Môn mong mỏi sớm thông qua Luật Quy hoạch, nếu không, những quy hoạch ngẫu hứng, tùy tiện sẽ tiếp tục là lực cản lớn đến sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. “Các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều về quy hoạch tôm – lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ khiến người nông dân bị thiệt hại, mà còn khiến cho mâu thuẫn xã hội nảy sinh vì nuôi tôm cần nước mặn, còn trồng lúa thì cần nước ngọt. Ngay như ở Hưng Yên, người nông dân biết rất rõ rằng, trồng táo, cam, nhãn, cùng nhiều loại cây trồng khác có hiệu quả gấp 7 – 8 lần trồng lúa, nhưng lại không thực hiện được vì… vướng quy hoạch”, ông Môn dẫn chứng.
Hàn Tín
(Báo Đầu tư)