Quy hoạch và quản lý phát triển ”đô thị di sản” Đà Lạt
Đà Lạt – Đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế diễn ra tại TP Đà Lạt vào sáng 27/11. Hội thảo do UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức.
Tham dự hội thảo, về phía Trung ương có các đồng chí Nguyễn Thanh Nghị – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Về phía tỉnh Lâm Đồng, có các đồng chí: Đoàn Văn Việt – Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Ngọc Hiệp – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Hội thảo còn có sự tham dự của KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cùng lãnh đạo các bộ, ngành; các sở, ban, ngành của tỉnh, TP Đà Lạt, Bảo Lộc; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về kiến trúc, đô thị trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: Trong định hướng phát triển TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, trở thành một đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa, lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
Chính vì vậy, mô hình phát triển TP Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ phát triển theo chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và trục cảnh quan mặt nước, hệ thống công viên cây xanh, kết nối các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp nhằm bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch, văn hóa, khoa học, xanh và hiện đại. Cùng với đó, trong tương lai, Đà Lạt sẽ gồm 6 đô thị vệ tinh lấy Đà Lạt hiện hữu làm trung tâm.
Bên cạnh đó, Đà Lạt với nhiềm tiềm năng lớn để trở thành đô thị di sản khi hội tụ nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, địa hình đặc trưng, với hàng ngàn công trình, biệt thự tiêu biểu cho đặc trưng riêng của Đà Lạt.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh: TP Đà Lạt là một đô thị hết sức đặc biệt với những di sản là tài nguyên vô giá về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng và quỹ di sản kiến trúc công trình, kiến trúc đô thị có một không hai trong quá trình phát triển của mình. TP Đà Lạt đã hội tụ các giá trị di sản cốt lõi và từ lâu đã nổi tiếng với tên gọi “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, “thành phố ngàn hoa” hay “thành phố Paris thu nhỏ”, “thành phố Fsetival hoa”… Đà Lạt một trong những đô thị nghỉ mát hấp dẫn bật nhất có tầm quốc gia và quốc tế.
Cũng theo đồng chí Phạm S, qua hội thảo này sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm, các giá trị về học thuật làm cơ sở khoa học cho việc xem xét, lựa chọn phương án tốt nhất về mặt quy hoạch và quản lý nhà nước cho đô thị Đà Lạt trở thành đô thị di sản trong tương lại.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khẳng định: TP Đà Lạt từ lâu được biết đến là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch quan trọng của khu vực Tây Nguyên và cả nước. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác bảo tồn di sản kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên ở Đà Lạt vẫn chưa đồng bộ, toàn diện. Trong đó, phải kể đến những mâu thuẫn giữa mục tiêu phát triển thành phố và mục tiêu bảo tồn, phát triển những giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc đô thị, bản sắc Đà Lạt.
Tiến sỹ kiến trúc Emmanuel Cerise – Đại diện vùng Île-de-France tại Hà Nội, Giám đốc PRX-Vietnam, cho rằng: Có sự giao thoa văn hóa không chỉ giới hạn trong kiến trúc. Bằng cách thiết lập một lối sống đô thị phương Tây, chất lượng cao cấp, người Pháp đã tạo nên một hệ thống tổng hòa, đáp ứng cho chính những nhu cầu của riêng họ về không gian công cộng, năng lượng, thực phẩm, từ đó dẫn đến hình thành hệ thống sản xuất nông nghiệp, hoạt động giáo dục và thể thao… Điểm đặc thù của Đà Lạt là đã hình thành được hệ thống xã hội gắn bó mật thiết với cảnh quan, từ đó tạo nên một thành phố xanh, nơi tiện nghi cuộc sống trở thành điều thiết yếu.
Cũng theo Tiến sỹ Kiến trúc Emmanuel Cerise, những thách thức mà Đà Lạt phải đối mặt để trở thành một thành phố di sản thực sự vẫn còn rất lớn. Tất nhiên, vấn đề cấp bách là bảo tồn các yếu tố vật chất đã làm nên lịch sử của Đà Lạt: Kiến trúc công cộng và tư nhân cũng như các hình thái đô thị, quy hoạch không gian công cộng và cảnh quan đặc thù của Đà Lạt.
Trong khi đó, GS. TSKH Đặng Hùng Võ nêu những nét riêng tạo nên các yếu tố lãng mạn của thiên nhiên, kiến trúc, nghệ thuật và hoa đã tạo sự khác biệt của Đà Lạt. Đồng thời cho rằng, quy hoạch cần tới một ý tưởng đặc sắc. Quy hoạch giai đoạn tới của Đà Lạt cũng vậy, cần một triết lý mạch lạc, cái mà hiện nay ta vẫn gọi là quan điểm phát triển.
GS. TSKH Đặng Hùng Võ đưa ra 4 ý tưởng cho Đà Lạt: Tiếp tục tạo nên một thành phố khác biệt, lấy trung tâm là kiến trúc Pháp biến điệu theo thiên nhiên gắn với văn hóa địa phương và tạo dựng một không gian lãng mạn; phát triển tư duy quy hoạch từ ngày đầu thành lập và phục chế những kiến trúc đã biến dạng hay mất mát; lấy hệ sinh thái đô thị – nông nghiệp – du lịch bền vững làm nền tảng cho phát triển, từ đó tạo dựng chuỗi giá trị kinh tế cộng sinh: Thiên nhiên – kiến trúc – nghệ thuật – văn hóa – du lịch – nông nghiệp – chế biến nông sản; mở rộng đô thị theo hướng phát triển du lịch sinh thái – cảnh quan – nông nghiệp trong ranh giới hành chính của Đà Lạt và các huyện lân cận như một liên kết vùng Đà Lạt.
Nằm trong khuôn khổ hội thảo, với gần 30 tham luận tập trung đánh giá toàn diện về sự phát triển của Đà Lạt sau hơn 127 năm hình thành và phát triển, đề xuất những định hướng, lộ trình phát triển trong thời gian tới. Ngoài ra, hội thảo còn đề xuất, góp ý một số vấn đề về công tác quy hoạch, quản lý, phát triển thành phố theo quy hoạch mà Thủ tướng phê duyệt. Những tác động của kiến trúc Pháp tại Đà Lạt, sự giao thoa văn hóa Đông – Tây, tiềm năng giá trị nông nghiệp, du lịch và những thách thức của Đà Lạt khi trở thành một đô thị di sản.
Với tiềm năng, giá trị của mình, TP Đà Lạt đang từng bước khẳng định là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch, nông nghiệp quan trọng. Từ những kết quả của hội thảo, với những đóng góp thiết thực, hữu ích về cơ chế, thể chế, chính sách có tính đột phá sẽ tạo động lực để TP Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung có những bước tăng trưởng vượt bậc, đóng góp vị thế quan trọng trong vùng Tây Nguyên và cả nước.
Dịp này, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam còn tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Vì sự phát triển đô thị Việt Nam năm 2020” cho hai lãnh đạo tỉnh giai đoạn 2015 – 2020 là đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và đồng chí Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, vì có nhiều thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển công tác phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng.
Lâm Đồng online