08/06/2017

Quảng Bình: Kỳ vọng nào để xây dựng đô thị thông minh?

Đô thị thông minh là sự kết hợp giữa không gian đô thị với mạng lưới công nghệ thông tin. Khi ấy, công nghệ được ứng dụng vào mọi hoạt động trong các khâu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và đời sống cộng đồng.

Khởi động tiến trình

Đô thị thông minh sẽ giúp người dân vận hành tất cả mọi công việc trên hệ thống công nghệ thông tin dưới sự điều hành của một trung tâm dữ liệu tập trung, khiến cuộc sống trở nên dễ dàng. Nắm bắt xu thế ấy, Quảng Bình cũng từng bước chú trọng việc xây dựng nên một đô thị thông minh.

2017 là năm khởi động cho tiến trình xây dựng đô thị thông minh tại Quảng Bình. Ngày 22/3, UBND tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel về việc giới thiệu giải pháp thành phố thông minh – Smart Cities.

Ông Trần Chí Thành, Phụ trách dự án Smart Cities Viettel cho hay: Viettel sẽ chung sức hỗ trợ tỉnh Quảng Bình xây dựng và triển khai chính quyền điện tử giai đoạn 2017-2020 với các nội dung như: cung cấp giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho toàn bộ hệ thống chính quyền điện tử; triển khai các hệ thống phần mềm ứng dụng chuyên ngành trong các lĩnh vực trọng điểm như du lịch, giáo dục, y tế, hành chính công, camera giám sát.


Dáng vóc đô thị tại Quảng Bình hiện nay.

Thành phố thông minh là sự hội tụ của 3 yếu tố gồm: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện. Đến nay Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng thành phố thông minh tại nhiều địa phương trên cả nước như: Thái Nguyên, Phú Yên, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Bình Phước, Hưng Yên, Đà Nẵng, Phú Thọ.

Trên cơ sở thực tế địa phương, trước mắt UBND tỉnh Quảng Bình giao các sở, ngành liên quan xây dựng kho dữ liệu để triển khai ứng dụng trung tâm hành chính và lĩnh vực du lịch. Trên cơ sở đó, xây dựng chi tiết các hạng mục đầu tư, nội dung phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Mục tiêu trong thời gian tới triển khai ứng dụng được các giải pháp thành phố thông minh nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Nhằm hiện đại hóa nền hành chính để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, Quảng Bình đang triển khai mô hình cổng/trang thông tin điện tử liên thông từ huyện đến tỉnh. Thông qua hệ thống này, cán bộ làm việc khi truy cập hệ thống, nhận được thông tin ở mọi lúc mọi nơi. Thậm chí, môi trường mạng tập trung có thể cho phép cán bộ công chức có thể xử lý công việc khi không có mặt ở trụ sở.

Kỳ vọng của Quảng Bình là sử dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sống và các tiện ích cho người dân, tăng sự tương tác giữa công dân với các cơ quan chính quyền.

Đối với doanh nghiệp là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng.

Đột phá đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, tạo ra niềm tin trong nhân dân. Sử dụng hiệu quả hạ tầng giúp giảm chi phí, thu được nguồn thuế từ doanh nghiệp và người dân.

Phá bỏ rào cản

Mang kỳ vọng như vậy, song để xây dựng nên mô hình này còn rất dài và gian nan. Bởi quá trình đô thị hóa kéo theo sức ép về gia tăng dân số cơ học, áp lực lên hạ tầng đô thị, từ giao thông công cộng, môi trường, điện nước đến hệ thống giáo dục, y tế. Các chuyên gia cảnh báo sự đe dọa lên hạ tầng an sinh xã hội khiến người dân hứng chịu cuộc sống chất lượng thấp. Việc thiếu quy hoạch tổng thể và đồng bộ với tầm nhìn dài hạn dẫn đến tình trạng mất cân bằng ở nhiều khu đô thị mới, khiến việc tổ chức đô thị càng thiếu chủ động và lúng túng.


Cần tổ chức đô thị bài bản khi xây dựng mô hình đô thị thông minh.

Hơn nữa, đô thị thông minh không đơn thuần là áp dụng công nghệ cao vào công tác quản lý đô thị vì đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ trong xây dựng đô thị thông minh là tìm giải pháp tận dụng hiệu quả các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng; nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương trong quá trình đô thị hóa; nâng cao khả năng kết nối, thu nhận thông tin phản hồi đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính, cơ quan quản lý nhà nước.

Để thực hiện thành công mô hình đô thị thông minh, bên cạnh các yếu tố mang tính kỹ thuật, Quảng Bình cần có biện pháp để người dân tham gia đánh giá trong suốt quá trình xây dựng. Cần đưa ra các giải pháp thông minh nhằm phát huy cao nhất nguồn lực vật chất, trí tuệ trong nhân dân về phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy nền kinh tế. Chú trọng xây dựng cơ chế quản lý công khai, minh bạch, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong việc cấp giấy phép xây dựng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép đăng ký kinh doanh.

Xin tạm kết bởi lời nhận định của một số chuyên gia ngành Xây dựng ở Quảng Bình: Xây dựng mô hình đô thị thông minh tức là số hóa các hoạt động trong cuộc sống, đặc biệt là hành chính, giáo dục, y tế và kinh doanh. Việc xây dựng kho dữ liệu số tập trung và đưa ra giải pháp tận dụng hiệu quả các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin hiện có để xây dựng thành công mô hình là vấn đề then chốt mà nhà quản lý đô trị cần đạt đến!

Nhất Linh/BXD