Phát triển làng du lịch nông nghiệp Việt gắn với quy hoạch nông thôn mới
Phát triển làng du lịch nông nghiệp Việt đang được xem là hướng đi của của các địa phương, bởi không chỉ khai thác được các giá trị trong nông nghiệp nông thôn mà còn giúp người dân nâng cao nhận thức, thu nhập, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan sinh thái.
Từ Nông thôn mới phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch
Có nhiều loại hình du lịch, trong đó du lịch nông nghiệp được đánh giá là phù hợp cho phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM). Tháng 12/2018, Văn phòng điều phối NTM Trung ương và Tổng cục Du lịch đã ký kết chương trình phối hợp, để xây dựng đề án cho chương trình quy mô quốc gia này, đồng thời giúp xây dựng bộ tiêu chí Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho các sản phẩm dịch vụ du lịch, tiêu chí các làng văn hóa du lịch, hướng dẫn các địa phương phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch.
Việt Nam có 8.926 xã, mỗi xã có vài làng, bản, thôn, ấp. Hầu hết làng Việt ở miền xuôi đều có đình, chùa, miếu mạo, nhà thờ dòng họ, các hoạt động sản xuất nông nghiệp mùa vụ, nghề thủ công mỹ nghệ, lễ hội văn hóa dân gian… Trong đó có 1.864/5.411 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận, với 115 nghề có từ lâu đời. Các hoạt động nghề ấy mang đậm văn hóa dân tộc. Các bản, mường ở miền núi còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán, kiến trúc và sản vật độc đáo, đời sống văn hóa bản địa đặc sắc… Bên cạnh đó, nền canh nông nước ta vẫn còn dáng dấp truyền thống, với những hoạt động sản xuất và chế biến thủ công đầy thú vị đối với thế giới công nghiệp phương Tây. Vì thế, tiềm năng du lịch là rất lớn.
Từ tiềm năng của các làng nghề này có thể thấy một số địa phương đã phát huy được các làng, được xem là mô hình điển trong nông nghiệp Việt.
Có thể điểm qua một số mô hình làng du lịch nông thôn Việt đã và đang mang lại hiệu như: trải nghiệm vườn ra thủy canh, trồng hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); trải nghiệm vườn điều ở Bình Phước; trái cây nhà vườn tại Bình Dương; trại nho Ninh Thuận; du lịch miệt vườn, chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long… Một số tour du lịch điển hình đã trở thành thương hiệu thu hút khách du lịch như mô hình làng quê Yên Đức (Đông Triều – Quảng Ninh), tham quan nông trường Mộc Châu (Sơn La), làng rau Trà Quế (Hội An – Quảng Nam)… Cho thấy nguồn lợi từ phát triển các làng nông nghiệp du lịch còn rất tiềm năng đối với một đất nước như Việt Nam.
Tại Quảng Nam, mỗi năm du lịch nông nghiệp đón khoảng 300 nghìn lượt khách, chiếm 5% tổng lượt khách tham quan du lịch địa bàn qua các hình thức như “một ngày làm nông dân” ở làng rau Trà Quế, du lịch rừng dừa nước ở Cẩm Thanh….
Thành phố Đà Lạt có các mô hình nông nghiệp được xây dựng thành công: mô hình làm nông nghiệp của khu phố Hồ Xuân Hương (phường 9); mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao Trại Mát (phường 11) có truyền thống làm nông nghiệp công nghệ cao, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp như lan, dâu tây, hoa hồng… Trong đó có HTX sản xuất nông nghiệp Xuân Hương – chuyên trồng và cung cấp các loại rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Bên cạnh đó, nơi đây còn có các điểm tham quan đang được mở rộng như làng hoa Thái Phiên, trà Atiso, tham quan nhà vườn tổng hợp.
Đến việc quy hoạch để phát triển du lịch nông nghiệp Việt
Để đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch nông thôn Việt trong thời gian tới, mỗi địa phương cần xác định phát triển nông nghiệp nông thôn là giải pháp để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng các giá trị văn hóa truyền thống, lấy lợi ích của cộng đồng dân cư là trên hết, nghiên cứu về văn hóa đặc trưng từng vùng, miền làm nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông nghiệp.
Đồng thời, muốn phát triển du lịch nông nghiệp có chiều sâu và bền vững thì cần có quy hoạch, định hướng, đánh giá tiềm lực từ đó đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết vùng với các tour, tuyến, điểm du lịch đặc thù, độc đáo. Xây dựng cơ sở hạ tầng xanh sạch đẹp, đảm bảo cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút được nhiều khách du lịch và kéo dài thời gian lưu trú. Muốn làm được như vậy cần có sự liên kết giữa các nhà với nhau chính quyền – doanh nghiệp – và người dân để có được chuỗi cung ứng các sản phẩm một cách tốt nhất.
Điểm then chốt của du lịch nông thôn phải thực sự chú trọng tới nguồn nhân lực chất lượng cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua việc tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện.
Lương Thủy