09/01/2024

Phát huy giá trị kiến trúc nhà ở dân tộc Mường (tỉnh Hòa Bình) trong xây dựng nông thôn mới

(KTVN 247) – Đô thị hóa (ĐTH) giúp nền kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng có bước tăng trưởng kinh tế nhanh, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện và thu hẹp khoảng cách với các đô thị. Bên cạnh mặt tích cực, ĐTH đang làm thay đổi cấu trúc nhà ở nông thôn cũng như cấu trúc bản, làng, điều này đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến đổi nhà ở truyền thống dân tộc Mường, một trong những dân tộc đông dân nhất tại tỉnh Hòa Bình. Sự biến đổi này đang diễn ra hết sức nhanh chóng và mất kiểm soát khiến cho bản sắc văn hóa kiến trúc nhà ở (KTNO) truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình đang bị mai một và dần biến mất.

Nghiên cứu sự biến đổi KTNO truyền thống dân tộc Mường dưới tác động ĐTH, từ đó tìm ra những biến đổi tích cực, có tính khách quan để giúp định hướng phát huy giá trị KTNO truyền thống một cách đúng đắn, hiệu quả phù hợp với quá trình phát triển nông thôn mới (NTM), đáp ứng điều kiện ĐTH, hiện đại hóa nông thôn mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mường tại tỉnh Hòa Bình.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Người Mường sống cư trú tập trung thành thôn, bản ở ven chân núi, bên sườn gò đồi thấp, doi đất ven sông suối hay những dải thung lũng hẹp gần với đồng ruộng. Mỗi bản có khoảng vài chục đến hàng trăm ngôi nhà ẩn dưới màu xanh của cây ăn quả trồng quanh khuôn viên mỗi ngôi nhà. Người Mường sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và lúa nương, trồng ngô; ngoài ra người Mường còn làm nghề phụ như chăn nuôi, dệt vải, đan, thêu, rèn nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây, cấu trúc bản, làng người Mường và KTNO truyền thống đang có những biến đổi rõ rệt, sự biến đổi này do kết quả của quá trình thích ứng của con người với sự phát triển của nền kinh tế và tác động của ĐTH. Vào những năm 70 thế kỷ XX, nhà sàn truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình chiếm tới 80% tổng số ngôi nhà trong toàn tỉnh, một số bản làng Mường có tới 100% là nhà sàn truyền thống. Đến năm 2012, nhà sàn chỉ còn chiếm 27,2% trên toàn tỉnh. Tại thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, tỷ lệ nhà sàn còn rất thấp, năm 2013, chỉ còn 44 nhà sàn/1180 nhà, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn 22 nhà sàn/3751 nhà, thị trấn Chi Nê huyện Lạc Thủy 5 nhà sàn/1799 nhà, thị trấn Kim Bôi 2 nhà sàn/732 nhà, thị trấn Đà Bắc 26 nhà sàn/1304 nhà, huyện Tân Lạc 35 nhà sàn/1072 nhà,…

Đô thị hóa giúp rút ngắn khoảng cách về văn hóa, con người, xã hội với các dân tộc khác nhau khiến cho sự giao thoa văn hóa xảy ra rõ rệt tại tỉnh Hòa Bình. Đại bộ phận khu vực tiếp giáp gần Hà Nội, sát thành phố Hòa Bình, huyện Lạc Sơn, huyện Lương Sơn, huyện Kim Bôi,.. hình thức KTNO đã thấy rõ giao thoa với văn hóa kiến trúc người Kinh. Nhà sàn được thay thế bằng kiểu nhà ở đô thị, dạng ống, lô phố hoặc nhà biệt thự được xây dựng kiên cố bằng vật liệu bê tông cốt thép, có chiều cao trung bình từ 2 đến 4 tầng.

Như vậy, thực tế cho thấy hiện nay nếu không có định hướng cũng như giải pháp cụ thể trong công tác quản lý, phát triển xây dựng KTNO dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình, trong thời gian tới nhà ở truyền thống dân tộc Mường sẽ biến mất và từ đó sẽ mai một đi nền văn hóa KTNO truyền thống dân tộc Mường với rất nhiều giá trị cần lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong quá trình ĐTH và xây dựng phát triển NTM một cách bền vững.

Bên cạnh đó, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng chính phủ, yêu cầu giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của người dân. Quyết định số 208/QĐ-UBND ngày 13/2/2023 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 về việc thúc đẩy quá trình ĐTH nhanh, hiệu quả, có chất lượng cao và bền vững hơn, có nền kiến trúc đô thị tiên tiến giàu bản sắc, xây dựng các đô thị phải gắn với phát triển nông thôn, nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, phù hợp với bản sắc văn hóa của mỗi đô thị.

Việc nghiên cứu sự biến đổi KTNO dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình dưới tác động ĐTH giúp định hướng phát triển NTM nhằm bảo tồn và phát huy giá trị KTNO truyền thống và xây dựng phát triển NTM một cách bền vững, đảm bảo giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là hết sức cần thiết.

Trong khuôn khổ một bài báo, nhóm tác giả tập trung phân tích sự biến đổi về không gian cư trú, về KTNO dưới tác động của ĐTH từ đó góp phần định hướng phát huy giá trị truyền thống trong xây dựng phát triển NTM theo hướng bền vững.

SỰ BIẾN ĐỔI TRONG KHÔNG GIAN KTNO DÂN TỘC MƯỜNG DƯỚI TÁC ĐỘNG ĐTH

Sự biến đổi cấu trúc không gian bản, làng dân tộc Mường

Việc gia tăng dân số do ĐTH dẫn đến nhu cầu về cải tạo, xây dựng nhà ở đáp ứng nhu cầu mới cũng tăng lên cao. Từ đó, việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà ở không còn theo truyền thống văn hóa bản, làng trước đây để lại, mà nhà ở được lựa chọn ở những vị trí trung tâm thị tứ, mặt nhà hướng đường làng, đường liên xã, liên huyện, nơi có giao thông thuận lợi, gần chợ, gần trường học và có thể kết hợp kinh doanh buôn bán thương mại.
Quá trình xây dựng NTM giúp cho hệ thống đường liên huyện, xã, vào từng thôn, bản vùng sâu, vùng xa được bê tông hóa, giúp kết nối thuận lợi tới các trung tâm thị trấn, huyện, tỉnh. Điều này làm thúc đẩy xu hướng người dân xây dựng các ngôi nhà xây mới bám dọc trục đường để thuận tiện đi lại, dễ buôn bán phát triển và tăng thêm thu nhập do làm dịch vụ, thương mại.

Do nhu cầu phát triển nhà ở tăng mạnh nên cấu trúc, hình thái bản, làng bị phá vỡ. Trước đây, một bản có khoảng 10-20 nóc nhà, hiện nay số lượng nóc nhà phát triển lên đến hàng trăm. Từ mảnh đất do cha ông để lại, khi con cái trưởng thành dựng vợ gả chồng sẽ được gia đình chia một khoảnh đất nhỏ để dựng nhà và xuất hiện các loại hình nhà lô kiểu đô thị.

Các khu vực tái định cư mới, giãn dân đều được quy hoạch phân lô, kích thước chỉ phù hợp cho xây dựng nhà lô phố. Nhiều loại nhà có kiến trúc nhà đất của người Kinh với kiểu dáng kiến trúc hiện đại, xa lạ khác hẳn với KTNO truyền thống dân tộc Mường. Cấu trúc không gian kiến trúc bản, làng từ dạng tuyến, vành khăn bám theo sườn đồi, núi, theo địa hình tự nhiên của con suối nay thay đổi thành cấu trúc đường dạng ô cờ, vuông góc với nhau theo đô thị hiện đại.

Việc xây dựng NTM đã giúp phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong các thôn, bản. Quá trình cải tạo, chỉnh trang thôn, bản đã đầu tư xây dựng thêm các công trình công cộng như nhà văn hóa, trường mầm non, nhà trẻ, trạm y tế, chợ, sân vận động, trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất,…

Sự biến đổi cấu trúc khuôn viên ngôi nhà 

Dưới tác động của ĐTH, khuôn viên ngôi nhà Mường có nhiều thay đổi, xuất hiện nhiều ngôi nhà trên cùng một khuôn viên, bao gồm cả hình thức từ nhà sàn và nhà trệt. Xu thế biến đổi này phù hợp cho gia đình nhiều thế hệ, đông con, sống quây quần trong một khuôn viên hoặc những hộ gia đình vừa ở vừa kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Các chức năng chính phụ trong từng ngôi nhà linh hoạt, có thể biến đổi thành nhiều công năng.
Xây dựng NTM giúp người dân tổ chức lại không gian nhà ở tiện ích, sạch sẽ hơn. Chuồng nuôi trâu bò được tách ra khỏi gầm sàn, được xây dựng gần nhà ở trong khuôn viên nhà, hoặc di dời sang khu vực chăn nuôi tập trung ở xa cách thôn, bản hơn. Các hộ gia đình được nhà nước hỗ trợ để xây dựng công trình phụ phục vụ sinh hoạt như nhà vệ sinh tự hoại, khu vực trữ nước sạch. Trong khuôn viên ngôi nhà, có ban thờ thần linh, thổ địa được đặt ở khu vực cao ráo, gần cổng ra vào, là dấu hiệu nhận biết không gian nhà ở của dân tộc Mường hiện vẫn được gìn giữ và bảo tồn.

Một số khuôn viên nhà ở nằm sát đường giao thông có quỹ đất nhỏ hẹp bình quân từ 80-100m2 nên diện tích sân vườn rất hạn chế, hệ thống mái tôn được lắp thêm đua rộng, che phủ kín sân để tận dụng không gian phía dưới làm nơi kinh doanh sản xuất. Nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại mở rộng không gian gầm sàn sử dụng để làm sàn sản xuất, thương mại, cửa hàng. Nhà có hàng rào sắt phân chia ranh giới, lối cổng ra vào nằm chính giữa ngôi nhà.

Sự biến đổi về không gian chức năng sử dụng

Dưới tác động của ĐTH, chức năng của nhà ở cũng thay đổi, bổ sung thêm các chức năng mới để phù hợp với nhu cầu chuyển dịch mô hình sản xuất kinh tế thuần nông sang kinh tế dịch vụ, thương mại và công nghiệp, du lịch. Căn cứ vào thực tế kết hợp ở với các loại hình hoạt động sản xuất kinh tế hộ gia đình dân tộc Mường tại Hòa Bình, có thể phân loại một số KTNO biến đổi không gian chức năng sử dụng như sau:

Nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất nghề thủ công, dịch vụ nghề, dịch vụ thương mại

Loại nhà này thường được thấy ở mặt đường các khu vực các tuyến đường liên xóm, đường quốc lộ, nơi có nhiều hoạt động kinh doanh, thương mại buôn bán như bán hàng tạp hóa, nhà thuốc, sửa chữa xe, cửa hàng ăn uống,…
Không gian ngôi nhà sàn truyền thống hiện đã bị biến đổi khá nhiều, gầm sàn được nâng cao như một tầng nhà, đóng kín không gian bằng tường gạch để tạo thêm không gian sử dụng. Sân trải bê tông hoặc lát gạch và kết hợp với hoạt động kinh doanh, sản xuất thủ công, sản xuất dịch vụ. Không gian phụ như bếp và nhà vệ sinh có thể đặt ở bên cạnh nhà hoặc dưới gầm sàn. Không gian sinh hoạt gia đình cũng khai thác sử dụng không gian sàn để làm kinh doanh.

Loại nhà ở kết hợp dịch vụ du lịch cộng đồng 

Loại nhà ở kết hợp dịch vụ du lịch cộng đồng là sử dụng nhà ở truyền thống của người Mường kết hợp phục vụ khách du lịch. Người dân sử dụng ngôi nhà của mình, cải tạo để làm du lịch. Trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình, từ nhiều năm nay, mô hình du lịch cộng đồng đã được đầu tư, phát triển tại nhiều thôn, bản. Điển hình có các mô hình phát triển du lịch của dân tộc Mường như: Huyện Đà Bắc có mô hình ở xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Đức Phong, Đoàn Kết (xã Tiền Phong). Huyện Cao Phong mô hình ở bản Giang Mỗ (xã Bình Thanh), xóm Tiện (xã Thung Nai). Huyện Tân Lạc có các mô hình tại xóm Ngòi (xã Suối Hoa), xóm Lũy Ải (xã Phong Phú), xóm Chiến (xã Nam Sơn), xóm Bưởi Cại (xã Phú Cường),…

Khuôn viên các ngôi nhà ở kết hợp với hoạt động du lịch cộng đồng thường nằm trong các bản, làng truyền thống nơi tập trung nhiều người Mường sinh sống, xung quanh nhà ở gắn với những cánh đồng lúa, ruộng nương, đồi núi, cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt.

Những ngôi nhà được thay đổi công năng làm dịch vụ du lịch thường giữ gìn hình thức và công năng của nhà sàn truyền thống. Gầm sàn được cải tạo nâng cao như một tầng nhà, được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung, không gian ăn uống, bếp, quầy pha chế, phục vụ khách du lịch. Một phần gầm sàn có thể được xây bằng tường gạch để làm công trình phụ như nhà vệ sinh và phòng tắm. Một số nơi có quỹ đất hẹp, chủ nhà quây kín không gian gầm sàn để tạo thành phòng ngủ cho gia chủ. Đối với hộ gia đình có khuôn viên đất rộng, nhà sàn chính được sử dụng cho khách du lịch, chủ nhà xây một ngôi nhà mới dạng nhà sàn hoặc nhà trệt để sinh hoạt riêng trong khuôn viên sân vườn. Không gian phía trên nhà sàn được dành làm nơi cư trú cho khách du lịch. Nhà phụ được xây bên hông hoặc đằng sau nhà làm bếp hoặc các không gian chức năng phụ trợ như kho, nhà wc, phòng tắm, khu rửa bát, giặt giũ.

Loại nhà ở thuần nông

Mặc dù không kết hợp với các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ nhưng KTNO thuần nông của người Mường cũng đã biến đổi nhiều để phục vụ nhu cầu đời sống của người dân. Những năm gần đây, người Mường đã xây kín gầm sàn để tạo thêm không gian ở cho con cháu, làm nơi sinh hoạt gia đình, tránh gió rét mùa đông đang trở thành “xu hướng” khiến cho nhiều ngôi nhà sàn đang được cải tạo thành không gian đóng kín, dần mất đi hình thức kiến trúc truyền thống.

Không gian dưới gầm nhà sàn được biến đổi chức năng sử dụng như một kho mở, làm nơi để xe, chỗ để gỗ, thóc, lúa, các công cụ lao động nông nghiệp, có thể làm nơi phơi phóng nông sản hoặc nơi nghỉ ngơi của gia đình khi vừa đi làm ruộng về. Một số hộ gia đình xây tường rào bao quanh bằng gạch xung quanh gầm sàn, đóng gỗ ép, hoặc chỉ xây kín một phần để làm kho và nhà vệ sinh.

Sự biến đổi về hình thức kiến trúc và sử dụng vật liệu xây dựng 

Hiện nay, hình thức KTNO truyền thống bị biến đổi nhiều, nhà xây dựng mới có hình dáng kiểu nhà sàn, chiều cao gầm sàn cao trên 2,3m, được tận dụng sử dụng làm không gian sinh hoạt chung, chỗ chơi trẻ em, để nông sản. Sự biến đổi tiếp tục khi người dân đóng kín không gian gầm sàn toàn phần hoặc bán phần bằng tường gạch để tạo không gian bếp, nhà vệ sinh hoặc phòng ngủ. Ngôi nhà biến đổi thành hình dạng nhà trệt mái thái hai tầng. Ngoài ra, đã có nhiều nhà ở biến đổi hoàn toàn theo kiểu nhà đất, biệt thự, nhà lô phố theo kiểu đô thị
Từ năm 1986 trở lại đây, khi công nghệ và vật liệu xây dựng phát triển. Ngôi nhà ở truyền thống của người Mường cũng chuyển mình biến đổi. Vật liệu xây dựng được biến đổi rất nhiều, từ kết cấu gỗ biến đổi thành kết cấu khung bê tông, sàn bê tông, vì kèo bê tông, vách nhà tre nứa thành vách gỗ, tường gạch xây 110, mái lá chuyển thành mái fibroximăng, mái tôn, mái gạch… Hình thức mái có gờ nhọn, thẳng, dáng mái Thái, cửa sổ gỗ thay bằng cửa kính khung gỗ, kính khung thép,..

Như vậy, sự biến đổi của KTNO truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là quá trình biến đổi khách quan, do nhiều yếu tố ảnh hưởng nhưng trong đó yếu tố chính vẫn là quá trình phát triển kinh tế, xã hội, phát triển ĐTH và hiện đại hóa nông thôn. Sự biến đổi của KTNO truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình dưới tác động của ĐTH có thể nhận diện ra những mặt tích cực để từ đó làm cơ sở định hướng phát huy giá trị kiến trúc truyền thống trong quá trình xây dựng phát triển NTM như sau:

Về biến đổi cấu trúc khuôn viên: Xây dựng bổ sung mới thêm các không gian đáp ứng nhu cầu phát triển hộ gia đình mới; chuyển đổi chức năng các không gian trong khuôn viên đáp ứng nhu cầu hoạt động phát triển kinh tế hộ gia đình.

Về biến đổi không gian nhà ở: Cải tạo, mở rộng các không gian sử dụng trong nhà ở đáp ứng nhu cầu gia đình; phát triển thêm các không gian mới đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Về biến đổi hình thức và vật liệu xây dựng: Cải tạo, thay thế các loại vật liệu mới cho vật liệu cũ, hỏng nhưng các loại vật liệu mới phải phù hợp với điều kiện môi trường khí hậu địa phương.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT HUY GIÁ TRỊ KTNO TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC MƯỜNG TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG PHÁT TRIỂN NTM

Tổ chức không gian bản 

Cần định hướng quy hoạch các quỹ đất có địa hình tự nhiên phù hợp ven các bản hiện hữu để mở rộng các bản, làng. Ưu tiên chọn khu vực có quỹ đất ở kèm quỹ đất nông lâm nghiệp, phù hợp cách thức trồng lúa nước, chăn nuôi, sản xuất để người dân có thể trồng trọt, xây dựng ổn định cuộc sống. Cần có định hướng quy hoạch không gian đối với bản có nghề thủ công, bản có thể phát triển du lịch cộng đồng. Chẳng hạn như đối với bản phát triển sản xuất thủ công, phát triển nghề dịch vụ, cần có quy hoạch khu vực sản xuất tập trung, riêng lẻ, kho hàng tập trung, khu vực sơ chế, sản xuất gần không gian bản truyền thống, tránh tình trạng xây dựng lộn xộn tự phát phá vỡ cấu trúc vốn có của bản. Đối với bản phát triển du lịch cộng đồng, cần quy hoạch khu vực bãi đỗ xe, khu vực đón tiếp khách, ăn, uống, giới thiệu các sản phẩm du lịch của địa phương, không gian lưu trú cho khách du lịch.

Tổ chức khuôn viên ngôi nhà

Định hướng xây dựng bổ sung mới các không gian nhà phụ đáp ứng nhu cầu phát triển hộ gia đình mới, tuy nhiên các không gian này phải bố trí sao cho phù hợp với ngôi nhà sàn truyền thống, lấy nhà sàn làm trung tâm, các nhà phụ có thể bố trí bên phải, trái hoặc phía sau nhà sàn chính, không nên phá ngôi nhà sàn chính để xây dựng ngôi nhà mới mà theo phong cách KTNO của đô thị như hiện nay. Khuôn viên cần dành diện tích cho sân, vườn trồng cây ăn quả. Có thể chuyển đổi chức năng các không gian trong khuôn viên đáp ứng nhu cầu hoạt động phát triển kinh tế hộ gia đình, ví dụ như kết hợp không gian sân, vườn với sản xuất thủ công, dịch vụ như mộc, rèn, đan, thêu, dịch vụ, thương mại; mở rộng cổng ngõ để xe ô tô vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Tổ chức không gian nhà ở 

Định hướng cải tạo, mở rộng các không gian sử dụng trong nhà ở đáp ứng nhu cầu gia đình, phát triển thêm các không gian mới đáp ứng nhu cầu sử dụng, tuy nhiên, khi cải tạo hoặc xây dựng KTNO mới nhất thiết tuân theo kiểu nhà sàn truyền thống. Cải tạo mở rộng không gian nhà sàn truyền thống trên cơ sở nâng chiều cao gầm sàn, bổ sung các chức năng như bếp nấu, khu vệ sinh, không gian tiếp khách dưới gầm sàn hoặc các không gian sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Hình thức kiến trúc nhà ở 

Khuyến khích người dân sử dụng hình thức kiến trúc ngôi nhà mang bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Việc sử dụng không gian gầm sàn cho các mục đích sinh hoạt chung, kho, bếp là phù hợp, tuy vậy không gian này cần thoáng và mở, không nên xây các vách ngăn đóng kín tạo thành phòng ngủ, tạo thành kiểu ngôi nhà đất 2 tầng. Trong trường hợp quỹ đất rất eo hẹp, có thể xây cao thêm tầng (tối đa 2 tầng ở), không gian gầm sàn vẫn để thoáng. Không gian trong nhà có thể sử dụng bằng những vách ngăn dạng mềm nhẹ để có thể đóng mở linh hoạt. Nên giữ số lượng thang của ngôi nhà gồm một thang chính, một thang phụ vì đây là nét đẹp phong tục tập quán. Có thể xây thang bằng gạch trát bê tông rồi sơn giả gỗ.

Vật liệu xây dựng

Ngoài vật liệu truyền thống, định hướng nên lựa chọn thêm các loại vật liệu mới thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương và khả năng kinh tế của gia đình. Vật liệu mới cần có các ưu điểm như có trọng lượng nhẹ, thân thiện với môi trường, chịu lực tốt, dễ thi công, sử dụng lao động phổ thông tại chỗ và giá thành thấp phù hợp với mức thu nhập của người dân, như: đá tự nhiên, gạch đất tự nhiên, gạch không nung; tre, gỗ, ván ép cho vách tường; vách bao che có thể sử dụng tường gạch xây, tấm pannel; vật liệu lợp mái như ngói không nung, tấm lợp bitum, tấm bi tum phủ đá tự nhiên, tôn lợp 3 lớp, tấm nhựa 3D, tấm lấy ánh sáng. Hạn chế sử dụng vật liệu thép, nhôm; vật liệu tấm lợp mái fibroximăng, mái tôn vì là các vật liệu không thân thiện với môi trường và làm cho không khí bên trong nhà nóng và có mưa sẽ ồn.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

ĐTH đang làm biến đổi theo chiều hướng tiêu cực đối với cấu trúc bản, làng cũng như cấu trúc nhà ở truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Sự biến đổi này đang làm mất dần đi giá trị bản sắc văn hóa KTNO truyền thống dân tộc Mường nói riêng và các dân tộc thiểu số vùng miền núi Tây Bắc nói chung.

Sự biến đổi KTNO là quá trình biến đổi khách quan, gồm 04 nhóm biến đổi: 1) Biến đổi cấu trúc không gian bản, làng; 2) Biến đổi cấu trúc khuôn viên ngôi nhà ở, trong đó nghiên cứu đã nhận diện ra 06 loại hình biến đổi trong cấu trúc khuôn viên; 3) Biến đổi về không gian chức năng sử dụng gồm nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất nghề thủ công, dịch vụ nghề, dịch vụ thương mại; nhà ở kết hợp với hoạt động du lịch và nhà ở thuần nông; 4) Biến đổi về hình thức kiến trúc và sử dụng vật liệu xây dựng.

Trên cơ sở nhận diện ra 04 nhóm biến đổi nêu trên, nghiên cứu đã đề xuất định hướng phát huy giá trị KTNO truyền thống dân tộc Mường trong quá trình xây dựng phát triển NTM: 1) Về tổ chức không gian bản cần đảm bảo các không gian văn hóa, tổ chức lễ hội, giao lưu sinh hoạt cộng đồng; 2) Về tổ chức khuôn viên ngôi nhà đáp ứng nhu cầu phát triển, sinh hoạt và kết hợp với sản xuất kinh tế hộ gia đình; 3) Về hình thức kiến trúc nhà ở cần phát huy các giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống; 4) Về sử dụng vật liệu xây dựng ngoài vật liệu truyền thống nên sử dụng vật liệu mới nhưng phải là vật liệu thân thiện với môi trường, điều kiện khí hậu địa phương và văn hóa của dân tộc Mường.

Để có thể triển khai hiệu quả trong thực tiễn, các cấp chính quyền cần quan tâm xây dựng chính sách, hướng dẫn người dân về việc xây dựng, cải tạo nhà ở hay các giải pháp thiết kế nhà ở mẫu để người dân có sự tham khảo, học hỏi, chọn lọc làm định hướng cho người dân, mục đích làm sao để kế thừa và phát huy những giá trị kiến trúc truyền thống nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hiện đại của người dân. Các nhà làm công tác nghiên cứu văn hóa, thiết kế kiến trúc, quy hoạch cần tham gia vào định hướng, giúp đỡ người dân trong công tác tư vấn, xây dựng, cải tạo chỉnh trang không gian KTNO phù hợp với đô thị hóa, đáp ứng hiện đại hóa nông thôn nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Các tổ chức đoàn thể trong thôn, bản cùng với người dân cũng cần nhận thức tốt hơn nữa trong công tác giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong quá trình xây dựng phát triển đời sống kinh tế, xã hội của địa phương./.