16/04/2018

Nông thôn mới & những vấn đề về quy hoạch, kiến trúc

(Tạp chí KTVN 215) – Sau hơn 7 năm thực hiện chương trình Nông thôn mới, hiện có nhiều xã đã đạt chuẩn NTM theo “Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ ban hành năm 2009, theo đó cũng còn không ít nơi vẫn đang tiếp tục thực hiện trong những thuận lợi và khó khăn nhất định. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự là một cơ hội lớn cho khu vực nông thôn rộng lớn và đa dạng ở nước ta thay đổi theo hướng phát triển bền vững.

Quy hoạch trung tâm Thôn Bồ Dương,  xã Hồng Phong, Hải Dương

Quy hoạch trung tâm Thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, Hải Dương

NÔNG THÔN THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Cùng với những thành quả đạt được, thực tế xây dựng “Nông thôn mới” ở nước ta cũng đang xuất hiện một số vấn đề liên quan trực tiếp đến những biến đổi và hướng phát triển kiến trúc qua các biểu hiện mà bài viết này chỉ đề cập đến vùng nông thôn thuần nông:
Quy hoạch trung tâm xã: Quy hoạch nông thôn thực hiện trên địa bàn xã theo các tiêu chí mới đã tác động đến hầu hết cấu trúc không gian các thôn làng truyền thống. Một xã có thể do một hoặc nhiều thôn làng trước đây hợp thành và trung tâm làng xưa chưa hẳn đã là trung tâm của xã nay.

Một số phương án quy hoạch trung tâm xã đã khéo kết hợp giữa mới và cũ, thành điểm sinh hoạt công cộng tích hợp được các giá trị truyền thống về lịch sử văn hóa, tinh thần vật chất và nhu cầu hiện tại cũng như tương lai của người dân trong xã rất cần được khuyến khích nhân rộng. Ví dụ như quy hoạch trung tâm thôn Bồ Dương xã Hồng Phong, Ninh Giang, Hải Dương. Bên cạnh đó cũng còn nhiều nơi khi quy hoạch trung tâm xã đã không tận dụng được các cơ sở vật chất, địa điểm sẵn có như đình làng, ao làng bỏ hoang, đi xây hội trường lớn nhỏ cùng nhà văn hóa ngay cạnh… tạo ra một không gian vênh lệch, lãng phí đất đai và tiền của. Nguyên nhân là vốn tu bổ tôn tạo đình làng thuộc ngành văn hóa cấp và quản lý, vốn xây dựng hội trường, nhà văn hóa, trụ sở… do nhà nước cấp, địa phương không lấy tiền nọ làm nhà kia được nên mới có chuyện trên, đó cũng là sự thiếu kết hợp từ khâu nghiên cứu kết hợp chưa tốt khi lập quy hoạch như ở một số xã ở Kim Sơn Ninh Bình, Phú Xuyên Hà Nam mà chúng tôi đã có dịp tiếp cận.
Quy hoạch phát triển khu dân cư nông thôn có nơi chủ yếu bám theo tuyến giao thông chính, làm hạn chế các tính năng của một khu công trình công cộng bố trí tập trung, như Quy hoạch xã Cẩm Đường, huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng” mà cụ thể là bán đấu giá đất nông nghiệp để lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi xã hội và xây dựng hệ thống “Đường – Trường – Trạm”, đã hình thành nên những điểm dân cư chia lô bám đường, xuất hiện các “phố trong làng”. Tình hình xây dựng không phép tắc ở mảng nhà dân trong hầu hết các vùng nông thôn nước ta đã gây ra những phức tạp và lộn xộn…, ít coi trọng việc bảo tồn, kế thừa trong quy hoạch phát triển. Không gian làng truyền thống êm đềm đã trở nên lủng củng bởi nhiều kiểu nhà to nhỏ, cao thấp mọc lên do dân tự xây theo khả năng kinh tế của mỗi người còn thiếu hướng dẫn và quản lý nhà nước ở địa bàn xã.
Kiến trúc nhà ở: Nhà ở nông thôn truyền thống luôn gắn với một khuôn viên đất có vườn rau, ao cá… Do dân số phát triển, tình hình đất đai ngày càng khan hiếm nên một phần lớn người dân đã tự chia phần đất trong khuôn viên của gia đình cho các con cháu làm nhà ở nên diện tích đất bình quân ngày càng bị thu hẹp lại, từ đó bố cục không gian và kiến trúc ngôi nhà đã biến đổi. Biến đổi có chiều hướng tích cực là những hộ dân nông nghiệp vẫn giữ được khuôn viên nhà ở từ 1-2 sào đất Bắc Bộ. Ngôi nhà có cổng, sân và ao vườn xung quanh để chăn nuôi trồng trọt,…là điều kiện lý tưởng để tổ chức mô hình nhà ở nông thôn hiện đại – truyền thống, có cơ hội phản ánh được tinh thần kiến trúc nhà ở NTM. Một số ít nơi đã phát huy và thể hiện tốt điểm này.

Tuy nhiên, làm biến đổi không gian nông thôn và biểu hiện kiến trúc theo chiều hướng khác thường chính là loại nhà chia lô, bám đường đã xuất hiện trong nhiều năm qua. Tình trạng dọc theo các trục đường làng, đường liên thôn, liên xã, đất đai được chia thành các lô với chiều rộng mặt đường khoảng 5m, chiều sâu khoảng 20m, diện tích bình quân khoảng 100m2 để bán đấu giá hoặc chia cho các hộ gia đình theo chính sách giãn dân đang ngày một phổ biến ở nhiều địa phương. Thực tế cho thấy một lô đất với diện tích khoảng 100m2 thường không đáp ứng được điều kiện sinh hoạt và sản xuất của một hộ gia đình làm kinh tế nông nghiệp hoặc làm nghề nhưng đang trở thành đối tượng chính trong các điểm dân cư mới. Loại nhà này đang thể hiện nhu cầu tự phát tạm thời hay là phản ánh xu thế tất yếu trong tương lai? Đó là câu hỏi lớn trong định hướng phát triển kiến trúc nông thôn nước ta.

Hiện thời, nhà ở nông thôn có ba loại, loại nhà độc lập trong khuôn viên riêng, loại nhà liền kề trên đất chia lô, bám đường và loại nhà khác trên đất tận dụng, xen kẽ. Nhà chia lô ảnh hưởng từ nhà phố đô thị có không gian được bố trí theo chiều sâu của khu đất và cao từ 2 đến 3-4 tầng, mật độ xây dựng chiếm tới 90-100%. Nếu là nhà để ở thuần túy thì tầng 1 phía tiếp giáp với đường làng thường là phòng tiếp khách phía trong là bếp, nếu nhà kết hợp ở với sản xuất thủ công, buôn bán, thì tầng 1 thường là không gian bán hàng hoặc làm xưởng sản xuất, giới thiệu sản phẩm, phía trong là kho; tầng 2 mới là các phòng tiếp khách, phòng ngủ, bếp,.. cơ cấu giống nhà thành phố. Nhìn chung, loại nhà này là điển hình của sự biến đổi từ không gian nhà ở truyền thống, bố trí theo phương ngang chuyển thành nhà liền kề, bố trí theo phương dọc và chiều cao.

Nhà ở nông thôn nói chung được xây dựng khang trang, bền vững lên nhiều, hình thức các loại rất phong phú nhưng ít kiểu đẹp, kiến trúc có nhiều biểu hiện kém đi. Do không có điểm nào cụ thể về kiến trúc trong 19 tiêu chí xây dựng NTM nên rất cần có sự bổ sung kịp thời, cần chế tài của nhà nước và quản lý của các cấp chính quyền, đặc biệt là đối với chính quyền cơ sở địa phương để hướng dẫn và thực hiện cụ thể hơn.
Cùng tình trạng như ở nông thôn các vùng miền khác, nhà ở các dân tộc khu vực miền núi và Tây Nguyên cũng bị tác động bởi quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông, lâm nghiệp, ảnh hưởng mạnh bởi nhu cầu phát triển, ảnh hưởng của văn hoá kiến trúc ngoại lai mà biểu hiện nhiều nhất là theo kiến trúc của người Kinh. Một số nhà sàn và nhà dài truyền thống điển hình được bảo tồn và phát huy giá trị ở các làng phục vụ du lịch, làng văn hóa hoặc số ít tồn tại trong các làng ẩm thực dân gian, nhà hàng dân tộc. Hình thức kiến trúc nhà ở của nhiều dân tộc anh em cũng thay đổi nhiều, phần lớn đã có sự chuyển hóa sang nhà nửa sàn nửa trệt hoặc nhà trệt giống nhà ở người Kinh, nhà chính vuông góc với nhà phụ, phía trước có sân, tường xây gạch hoặc kết cấu bê tông cốt thép, mái đổ bê tông hoặc lợp ngói, lợp fibrôximăng…

Một số địa phương có sự hỗ trợ và hướng dẫn của nhà nước vẫn duy trì được hình thức kiến trúc theo xu hướng truyền thống và không gian tổ chức kiểu nhà sàn, có biến đổi nhất định về không gian và hình thức để phù hợp với điều kiện và nhu cầu sử dụng mới. Kết cấu bê tông cốt thép thay cho kết cấu gỗ, không gian phần gầm sàn đã được tận dụng sử dụng và ngăn phòng, cầu thang không nhất thiết phải ở đầu hồi nhà như truyền thống trước đây… Hướng thực hiện này tuy còn ít nhưng là hướng tích cực cần đầu tư nghiên cứu hoàn thiện hơn để duy trì và phát triển trong tương lai.

Kiến trúc công cộng: Từ thực tế xây dựng trong những năm qua, kiến trúc của những công trình công cộng ở nông thôn cũng là vấn đề không nhỏ. Đó là những công trình trụ sở, trường học, nhà văn hóa và chợ dân sinh… được triển khai xây dựng theo mẫu khá nhiều và rải đều thôn xã nhưng còn mang tính phong trào “làng văn hóa”, xây đại trà để sử dụng thuần túy và ít thấy công trình kiến trúc tiêu biểu. Đặc biệt trong quy hoạch trung tâm xã, nhiều nơi rất thuận lợi nhưng không gắn kết được sử dụng nhà văn hóa, hội trường với ngôi đình làng có sẵn, làm tốn đất tốn tiền cho việc xây mới, phản ánh sự phát triển không tiếp thu được giá trị cũ, không tiếp nối được truyền thống.

Nhà  ông  Đồng Viết Mão, làng Lộc Yên, Quảng Nam (ảnh: Quốc Khánh)

Nhà ông Đồng Viết Mão, làng Lộc Yên, Quảng Nam (ảnh: Quốc Khánh)

KHẢO SÁT THỰC TẾ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN TẠI MỘT SỐ XÃ ĐẠT CHUẨN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA?
Mục tiêu của chương trình xây dựng NTM về bảo tồn và phát triển kiến trúc chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế của nhiều địa phương. Trong 19 tiêu chí phát triển NTM, có một số tiêu chí không phù hợp hoặc khó thực hiện do không sát với tình hình thực tiễn ở mỗi xã, mỗi vùng miền có đặc điểm và điều kiện hạ tầng xã hội khác nhau, lối sống, phong tục tập quán khác nhau. Ví dụ Tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư theo quy định thì chỉ phù hợp với nhà ở vùng đồng bằng Bắc Bộ mà không phù hợp với nhà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, không phù hợp với nhà ở vùng miền núi phía Bắc. Tiêu chí số 7 về chợ nông thôn nếu mỗi xã cần phải đầu tư xây dựng một chợ mới thì rất lãng phí mà không thực tế, có thể nâng cấp chợ cũ hoặc mở rộng là đủ.

Những kết quả thu được tại các xã thí điểm còn thấp so với kinh phí đầu tư của Nhà nước.
Cách đánh giá kết quả về hoạt động xây dựng NTM tại các xã điểm còn chưa khách quan, các số liệu chưa có độ tin cậy, sự kết hợp để đánh giá giữa các cấp chính quyền còn chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Đề án xây dựng NTM tập trung về phát triển hạ tầng và phát triển trung tâm hành chính cấp xã, chưa chú trọng đến phát triển quy hoạch có tầm nhìn xa, chưa quan tâm đến kiến trúc nhà ở.

Vấn đề vốn kinh phí đầu tư còn nhiều bất cập. Nhận thức và vai trò cộng đồng tham gia trong quá trình xây dựng NTM của người dân còn hạn chế, có nơi bị áp đặt nên gây vướng mắc khi triển khai.
Những xã đạt chuẩn NTM nhưng chất lượng về quy hoạch xây dựng và kiến trúc chưa có tổng kết đánh giá cụ thể để rút kinh nghiệm.

KẾT LUẬN
Số dân nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn chiếm khoảng 67% dân số cả nước. Dân số có làng xã tăng lên nhưng nhiều nơi lại có xu hướng giảm đi do dịch chuyển lao động. Khu vực nông thôn rộng lớn đã thay đổi về phương thức sản xuất, sự phát triển diễn ra nhanh làm phá vỡ nhiều làng truyền thống, kiến trúc lai tạp xuất hiện.

Nhìn chung, sau hơn 7 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, hàng loạt các công trình công cộng, dịch vụ thương mại được đầu tư xây dựng. Một khối lượng lớn nhà ở do dân tự xây dựng cao ba đến bốn tầng xuất hiện rất nhiều ở những làng đất chật người đông cùng nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp xây dựng lên ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng công cuộc xây dựng NTM vẫn còn những bất cập trong công tác quy hoạch làng xã, kiến trúc nhà ở, nhà công cộng, công tác bảo tồn phát huy di sản kiến trúc cũng như việc quản lý công tác xây dựng… Điều này đòi hỏi các cấp ngành Trung ương, địa phương, các nhà quản lý, KTS đặc biệt quan trọng là cộng đồng cư dân nông thôn khắc phục tồn tại, góp sức chung tay xây dựng nông thôn Việt Nam ngày một khang trang, kiến trúc đẹp lên trong sự phát triển bền vững./.

TS.KTS NGÔ DOÃN ĐỨC