Nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác quản lý đô thị
Quản lý đô thị đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững, trong đó trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác đảm bảo trật tự đô thị là một nội dung quan trọng đảm bảo quản lý đô thị hiệu quả.
Nhiệm vụ quản lý đô thị của nước ta trong nhiều năm qua chưa được quan tâm một cách đúng mức. Nhiều vấn đề thực tiễn gần đây liên quan đến đô thị như quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng và kiến trúc, quản lý đất đai, quản lý môi trường, quản lý cơ sở hạ tầng, quản lý nhà ở, quản lý dịch vụ đô thị và quản lý kinh tế đô thị không cho phép chúng ta được lơ là chủ quan. Nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, kinh tế, văn hóa sinh hoạt cộng đồng của toàn xã hội cần được quản lý gắn kết và thống nhất trong một chiến lược và kế hoạch phát triển đồng bộ.
Ảnh minh họa.
Nội dung quản lý đô thị rộng lớn nhưng trong phạm vi bài viết này chúng tôi muốn trao đổi về trách nhiệm của các cấp trong công tác đảm bảo trật tự xây dựng đô thị mà trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Luật, Nghị định, Thông tư… đã quy định về trách nhiệm của các cấp, các nhà tư vấn, các cơ quan cung cấp dịch vụ cũng như các cán bộ công chức làm công tác thanh tra trong quản lý trật tự xây dựng đô thị cụ thể tại các Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Nghị định số 180/ 2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, Nghị định 26/NĐ-CP ngày 29/03/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Xây dựng, cũng như các địa phương có những văn bản quy định về trách nhiệm của các cấp trong công tác quản lý đô thị như Hà Nội có Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 14/02/2014 của UBND TP Hà Nội ban hành quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở Xây dựng và UBND quận, huyên, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội.
Nhưng trên thực tế trật tự xây dựng đô thị còn ngổn ngang trăm bề (ùn tắc giao thông, lấn chiếm vỉa hè, xây dựng sai phép, quảng cáo bừa bãi, thiếu chỗ để xe…) mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ khâu quản lý và ý thức của các cán bộ công chức trong công tác quản lý điều hành, không sát sao, thiếu giám sát, có một bộ phận cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tiêu cực, tham nhũng, dẫn đến những hậu quả khôn lường trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị (xây dựng không theo quy hoạch, không theo giấy phép xây dựng, sai giấy phép xây dựng, tự tăng số lượng căn hộ, tăng số tầng làm mật độ dân số tăng cao, mà dân số tăng kéo theo nhiều hệ lụy gây áp lực cho hạ tầng lâu nay đã quá tải).
Vẫn biết rằng trong công tác cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đô thị thì quy hoạch là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến công tác cấp phép xây dựng và quản lý, nhưng trong tình hình quy hoạch xây dựng ở nước ta vẫn còn bị ảnh hưởng bởi thời kỳ bao cấp, dự báo theo ý chí của người lãnh đạo theo nhiệm kỳ, mạnh ai người ấy làm, chưa gắn kết được quy hoạnh với nhau (quy hoạch chung với quy hoạch vùng, quy hoạch vùng với quy hoạch vùng liên tỉnh ) để lại nhiều lỗi cơ bản trong công tác quy hoạch mà qua công tác thanh tra đã phát hiện như: thời gian lập thẩm định phê duyệt đồ án còn chậm; chưa chú trọng công tác khảo sát trong quá trình lập đồ án quy hoạch; chưa quan tâm đến sự phù hợp của quy hoạch chi tiết với quy hoạch chung; chưa chú trọng công tác thiết kế đô thị; không lập hoặc lập không đầy đủ đánh giá tác động môi trường; không lập hoặc lập không đầy đủ điều lệ quản lý quy hoạch; chưa thực hiện công bố công khai, cắm mốc giới trên thực địa. Trong khi đó, công tác quy hoạch ngày càng khẳng định vai trò động lực then chốt trong nền kinh tế, cần phải đẩy mạnh theo hướng linh hoạt gắn kết với thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quy hoạch phải đi trước một bước làm động lực cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Trong thời gian qua, có nhiều dự án sai phạm về quy hoạch xây dựng như xây dựng vượt số tầng, thông tầng, vượt diện tích xây dựng, diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch thiết kế đã được hoặc giấy phép đã được cấp, sử dụng sai công năng… Có thể chỉ ra một số vi phạm quy hoạch cũng như vi phạm trật tự trong thời gian qua ở các dự án: Khu đất CX2A Khu đô thị mới Trung Hòa-Nhân Chính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) được UBND TP Hà Nội phê duyệt chức năng là công viên cây xanh nhưng một doanh nghiệp xây dựng trái phép đã làm nhà hàng, quán café; Dự án khu đô thị mới Yên Hòa có địa chỉ tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã sai phạm khi xây dựng vượt số tầng, mật độ xây dựng của khu nhà thấp tầng so với thiết kế, khu thấp tầng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy và nhiều công trình sai phạm khác.
Những sai phạm trên không xử lý thì không được mà xử lý thì ảnh hưởng đến trật tự đô thị, đến kinh tế cộng đồng, không những của chủ đầu tư mà của cả xã hội, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng, kết cấu của các công trình còn lại cũng như môi trường sống của đô thị, nảy sinh vướng mắc khó giải quyết thỏa đáng giữa chính quyền, chủ đầu tư và người dân.
Trong một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, trách nhiệm của chính quyền các cấp cần phải: Thứ nhất, tuyên truyền phổ biến pháp luật, tăng cường củng cố bộ máy quản lý. Mạnh dạn xây dựng cơ chế đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức không đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng với nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị; Thứ hai, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý trật tự xây dựng mà nòng cốt là lực lượng thanh tra phải thường xuyên, phát hiện xử lý kịp thời những sai phạm. Lực lượng thanh tra phải có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tư tưởng đạo đức tốt. Trọng dụng người có tài năng, kịp thời có hình thức xử lý như là thuyên chuyển, đưa ra khỏi ngành những cán bộ vi phạm, thoái hóa về đạo đức; Thứ ba, thành lập lại lực lượng Thanh tra quận, huyện, xã, phường mà trước đây đã có Quyết định 89/2007/QĐ-Ttg ngày 18/6/2007 thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn tại TP Hà Nội và TP.HCM. Đây là lực lượng tinh nhuệ, bám sát địa bàn để xử lý nhanh nhậy các trường hợp vi phạm xây dựng trật tự đô thị, là tai mắt của ngành Xây dựng trong lĩnh vực đảm bảo trật tự xây dựng đô thị… Và quan trọng là nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác đảm bảo trật tự đô thị, mà cụ thể tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị đã quy định rõ.
Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị
“Điều 10 quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng đô thị 1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) a) Đôn đốc, kiểm tra tình hình trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn, ban hành kịp thời quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo thẩm quyền; b) Xử lý những cán bộ dưới quyền được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm; c) Chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. 2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện a) Đôn đốc, kiểm tra Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc địa bàn; ban hành kịp thời quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo thẩm quyền; b) Xử lý Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, các cán bộ dưới quyền được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm; c) Chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn; d) Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là cấp tỉnh) ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế nhằm quản lý trật tự xây dựng đô thị có hiệu quả. 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh a) Ban hành các quy định, biện pháp nhằm xử lý, khắc phục tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi thẩm quyền; b) Xử lý Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cán bộ dưới quyền được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm; c) Chịu trách nhiệm về tình hình trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh. 4. Người có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng đô thị a) Chánh thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn, kiến nghị Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục; b) Giám đốc Sở Xây dựng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng, Chánh thanh tra xây dựng cấp quận và cấp phường (nếu có), Phòng quản lý đô thị cấp quận (nếu có) và thủ trưởng các cơ quan khác được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị thuộc thẩm quyền quản lý; xử lý các cán bộ dưới quyền được phân công quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm. Điều 11. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, thanh tra viên được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị 1. Kiểm tra, phát hiện và báo cáo kịp thời những vi phạm trật tự xây dựng đô thị thuộc địa bàn được giao nhiệm vụ quản lý hoặc có biện pháp xử lý kịp thời vi phạm trật tự xây dựng đô thị thuộc thẩm quyền. 2. Chịu trách nhiệm về những sai phạm trực tiếp hoặc gián tiếp trong quản lý trật tự xây dựng đô thị. Trường hợp cấp Giấy phép xây dựng sai, cấp Giấy phép xây dựng chậm thời hạn do pháp luật quy định; quyết định sai, quyết định không đúng thẩm quyền, không ra quyết định hoặc ra quyết định chậm so với thời gian quy định tại Nghị định này đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải bồi thường thiệt hại, nếu gây hậu quả nghiêm trọng còn bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.” Nếu các cấp chính quyền thực hiện nghiêm chỉnh các quy định nêu trên thì tình hình trật tự đô thị sẽ từng bước được ổn định và cải thiện hơn nhiều. |
Xuân Nhật – Thế Bảo/BXD