Một số công trình trường học tiêu biểu dành cho người Điếc & Khiếm thính trên thế giới
Mặc dù số người khuyết tật nghe nói đang tăng lên, nhưng các kiến trúc sư thường không biết rằng những công trình mà họ thiết kế có tác động lớn đến người điếc như thế nào.
Số liệu ở Anh cho thấy, có khoảng 11 triệu người ở Anh là người nghe kém và con số này dự kiến sẽ tăng lên 14,5 triệu vào năm 2031, còn ở Mỹ khoảng 3,5% dân số đã trải qua giai đoạn suy giảm thính lực hoặc điếc, nhưng nhiều kiến trúc sư không ý thức được nhu cầu của người điếc khi thiết kế các công trình. Richard Dougherty, cộng tác viên tại Hall McKnight, một người điếc sâu bẩm sinh và có hai con là trẻ điếc cho hay: “Những người điếc vật lộn trong trong môi trường vật lý, vì nó được thiết kế bởi các kiến trúc sư người nghe, những người không nhận thức được các vấn đề cụ thể mà người điếc coi là quan trọng.“ Dưới đây là danh sách một số công trình trường học tiêu biểu dành cho người Điếc và Khiếm thính trên thế giới với các yếu tố đặc biệt tuân theo nguyên tắc DeafSpace – Không Gian Cho Người Điếc.
Không gian tuân thủ theo các nguyên tắc của DeafSpace tại Đại học Gallaudet, Mỹ
1. Trường Colorado dành cho trẻ Điếc và Mù, Mỹ
Toà nhà 60 tuổi Gottlieb của trường trẻ Điếc và Mù Colorado sau khi được mở rộng đã trở thành trung tâm cho các hoạt động của học sinh trong trường. Trước đây, tòa nhà đã có một số vấn đề về an ninh và an toàn, các hạn chế trong không gian và tầm nhìn không thân thiện cho học sinh điếc.
Trường Colorado, Mỹ
Dự án do nhóm nghiên cứu RTA Architects thực hiện với mục tiêu bảo vệ hào quang lịch sử của cấu trúc đẹp này, đồng thời giới thiệu công nghệ mới và phong cách hiện đại. RTA cũng tập trung vào nhu cầu của nhóm học sinh và nhân viên đặc biệt ở đây, bao gồm các khái niệm về DeafSpace và môi trường học tập thế kỷ 21. Nhóm dự án đã làm việc chặt chẽ với nhà trường để phát triển các khái niệm thiết kế hỗ trợ cho các phương pháp giáo dục cụ thể. Tòa nhà Gottlieb mới có một trung tâm truyền thông hiện đại, phòng thí nghiệm mới, lớp học ngoài trời, không gian linh hoạt cho người sử dụng. Thiết kế nội thất tạo ra khả năng giao tiếp và nhận biết hình ảnh tốt hơn, không gian đa năng, khu vực ngoài trời thúc đẩy các buổi nói chuyện nhóm và kết nối hình ảnh. Tầm nhìn được dãn rộng giúp học sinh có thể quan sát mọi thứ đang diẽn ra xung quanh. Toàn bộ hệ thống trang thiết bị cung cấp mức độ ánh sáng phù hợp cho việc giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, các không gian cho lớp học nghe-nói đáp ứng tiêu chuẩn giáo dục của thế kỷ 21.
Dự án đã mang tới niềm tự hào và truyền cảm hứng cho rất nhiều cho học sinh và các nhân viên tại đây cùng với loạt Giải thưởng Danh dự 2012, AIA Colorado South Chapter; Giải thưởng Thiết kế CEFPI 2011; Giải thưởng Xuất sắc năm 2011 của Liên minh Bảo tồn Lịch sử Colorado Springs…
2. Trường Hazelwood, thành phố Glasgow, Scotland
Hazelwood là trường dành cho trẻ em và thanh thiếu niên mù và điếc trong độ tuổi từ 2 đến 18 tuổi. Về mặt kiến trúc, đây là một loại dự án mới. Nhiều học sinh của trường là người khuyết tật về thể chất và tất cả đều bị suy giảm nhận thức ở các mức độ khác nhau. Các trẻ này sẽ cần sự hỗ trợ suốt đời. Công trình do kiến trúc sư Alan Dunlop thực hiện với mong muốn tạo ra một trường học có thể hỗ trợ nhu cầu của trẻ em và đáp ứng nguyện vọng của cha mẹ, một nơi an toàn và có nhiều tham vọng, vừa mang tới sự thoải mái cho giáo viên vừa truyền cảm hứng cho trẻ.
Trường Hazelwood, Scotland
Kết cấu hoa văn trên tường và sự khác biệt giữa sàn nhà giúp học sinh có thể di chuyển độc lập
Các họa tiết bề mặt tường và mặt sàn khác nhau. Các thiết bị hỗ trợ điều hướng như đường ray, chiều cao trần khác nhau và hoa văn, chữ nổi Braille, và các biển báo đồ họa giúp trẻ em di chuyển xung quanh tòa nhà một cách độc lập. Trường được xây theo cấu trúc một tầng hình chữ S uốn lượn như dòng chảy tự do tạo ra cảm giác chào đón, thân thiện đối với trẻ nhỏ. Hình dạng này tạo thêm những không gian mới nhỏ gọn bên trong. Việc sử dụng vật liệu tự nhiên như gỗ, đá phiến và nứa mang lại cảm giác vừa hòa trộn, vừa nổi bật trong bối cảnh xung quanh.
Trường Hazelwood đã thành công thực sự. Trẻ em và thanh thiếu niên phản ứng tốt với môi trường mới và dường như đang phát triển. Trẻ được hỗ trợ bởi các giáo viên tận tâm trong một trường học mà cha mẹ của các em yêu thích và có quyền làm chủ. Toà nhà đã nhận được nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế và có tên trong tốp 5 trường học của thế kỷ 21 do tạp chí Architectural Record, Mỹ bình chọn. Ngân sách cho dự án là gần 8 triệu bảng Anh.
3. Đại học Gallaudet, Mỹ
Được thành lập vào năm 1864, đại học Gallaudet ban đầu là một trường dạy ngữ pháp cho trẻ em điếc và mù. Đây là cơ sở giáo dục bậc cao duy nhất trong đó tất cả các chương trình và dịch vụ được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ sinh viên Điếc và Khiếm thính. Coollege Hall, khu vực hành chính của Gallaudet ở là một kỳ quan với bộ sưu tập các ống khói, tháp pháo và các mặt gạch bằng gốm màu đỏ sọc. Một thiết bị như chuông cửa nằm trong một chiếc bàn bằng gỗ, khi được kéo ra, lượng chì bên trong sẽ rơi xuống sàn tạo ra sự rung động cảnh báo rằng ai đó đang gọi. Một chiếc chuông thông thường sẽ không có hiệu quả vì ở đây không ai nghe thấy nó.
Đại học Gallaudet, Mỹ
Chiếc chuông đặc biệt để ra hiệu cho sinh viên điếc
Hướng dẫn Thiết kế DeafSpace được đưa ra tại Gallaudet đã giành được một giải thưởng từ Hiệp hội Thiết kế Hợp nhất Quốc tế (International Association of Universal Design). Vào cuối năm 2015, trường đại học đã đưa ra một cuộc thi thiết kế quốc tế để tái thiết một phần khuôn viên trường và thêm một “cửa ngõ” biểu tượng. Hội đồng ban giám khảo do kiến trúc sư David Adjaye làm chủ tịch. Các nhà thiết kế người Điếc sở hữu 3 trong 4 đội lọt vào vòng chung kết.
Ông Hansel Bauman, giám đốc điều hành về thiết kế và quy hoạch trường tại Đại học Gallaudet, Mỹ đưa ra 5 gợi ý cho các công trình thiết kế cho người Điếc như sau:
- Cung cấp khả năng tiếp cận trực quan tốt nhất có thể cho những tất cả mọi người trong không gian cũng như không gian ngoài, để khuyến khích kết nối xã hội và cho phép giao tiếp bằng hình ảnh một cách rõ ràng.
- Tạo hướng, cho phép dễ dàng tìm kiếm và định hướng. Cấu hình không gian phải rõ ràng, dễ hiểu và dễ nhớ.
- Thiết kế không gian thân thiện, hài hòa để giảm thiểu mỏi mắt. Ánh sáng cần được khuếch tán, tránh ánh sáng chói, đèn nền hoặc các điểm nóng. Chất liệu và màu sắc nên giảm thiểu phân tâm nhưng có sự tương phản giúp định hướng không gian.
- Giảm các rào cản đối với giao tiếp bằng hình ảnh, đặc biệt là trong các không gian cần thường xuyên duy trì tầm nhìn rõ ràng cho nhiều hoạt động. Các rào chắn trong không gian lưu thông như hành lang cũng cần được giảm thiểu và giảm nhẹ vì chúng gây nguy hiểm cho các cá nhân tham gia vào một cuộc trò chuyện nhóm trong khi di chuyển qua không gian.
- Kiểm soát rung, tiếng vang và tiếng ồn giữa các khoảng trống. Các tiếng ồn xung quanh do thiết bị điện và không khí, và tiếng vọng của bước chân trong một không gian rộng lớn có thể làm mất tập trung, và thậm chí gây đau đớn cho các cá nhân sử dụng các thiết bị trợ thính. Chất lượng âm thanh cho các tòa nhà phù hợp với người sử dụng điếc cũng nên được xem xét cẩn thận.
4. Trường Texas cho học sinh Điếc, Mỹ
Trường Điếc Texas, Mỹ
Trường Điếc ở Texas được thành lập vào năm 1856 và là trường công lập lâu đời nhất được điều hành liên tục tại Texas. Đây là một địa điểm thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử đối với cộng đồng người điếc khu vực. Gần 20 năm, Barnes Gromatzky Kosarek Architects đã giám sát việc thiết kế và xây dựng 22 tòa nhà mới và cải tạo gần 8 ngàn mét vuông diện tích hiện có. Dự án đã trở thành một thành tựu mang tính bước ngoặt, không chỉ hiệu quả về mặt thực tiễn mà còn có mang nhiều giá trị đối với Tiểu bang Texas và cộng đồng người điếc Mỹ. Kể từ khi trường hoàn thành, khu phố xung quanh đã được hồi sinh và trường học đã tăng trưởng về cả số lượng sinh viên theo học và danh tiếng, đồng thời được ghi nhận là mô hình quốc gia về giáo dục cho học sinh điếc.
Trong suốt quá trình thiết kế, kiến trúc sư GSC đã nghiên cứu hiệu quả hình ảnh của việc kết hợp các màu sắc nhất định, phóng đại độ tương phản của màu sắc nội thất và giữ vững vị trí của các ranh giới trực quan như bề mặt sàn tối, cho phép học sinh xác định được sự thay đổi về thành phần không gian. Việc sử dụng các màu sáng và màu sắc tương phản giúp tăng cường độ nhạy bén trong việc xác định các hình dạng và là một công cụ quan trọng trong việc thiết kế hệ thống tìm đường dẫn khắp trường. GSC mở rộng hệ thống tìm đường trong khuôn viên trường bằng việc thay đổi vật liệu tại các lối đi bộ của trường, cho phép người sử dụng phát hiện sự thay đổi hướng và đi qua các điểm mà không cần mở rộng tầm nhìn. Những cải tạo mới này giúp cho tất cả các khu vực đều có thể tiếp cận được.
5. Trường Elb dạy trẻ Điếc và Khiếm thính Hamburg, CHLB Đức
Trường Elb dạy trẻ Điếc và Khiếm thính Hamburg, CHLB Đức
Công trình tiêu biểu – trường Elb dạy trẻ Điếc và Khiếm thính Hamburg, CHLB Đức, sẽ được dự án Hòa nhập Xã hội giới thiệu tại Hội thảo “Kiến trúc với người Điếc & người Khiếm thính – Các giải pháp Kiến trúc và Kỹ thuật thúc đẩy hòa nhập cuộc sống cho người Điếc và người Khiếm thính” diễn ra vào 8 giờ 30 – 12 giờ, thứ Bảy – 16/09/2017 tại Panasonic Risupia Vietnam, tầng 2, tòa nhà Sunrise, 90 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội. Sự kiện được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy môi trường xây dựng đảm bảo tiếp cận và đem lại cuộc sống độc lập, hạnh phúc cho người khuyết tật nói chung và cộng đồng người Điếc và người Khiếm Thính nói riêng với sự tài trợ của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam và tổ chức phi chính phủ Schmitz-Stiftungen CHLB Đức. Để tham gia hội thảo, vui lòng đăng ký tại http://bit.ly/HoiThaoKienTrucTiepCan.
My Nguyễn