Mặt bằng bán lẻ Hà Nội, xa gần đều… khó thở
Trong khi thị trường căn hộ đang hồi phục trở lại, thị trường mặt bằng bán lẻ vẫn chìm trong khó khăn, chưa thấy dấu hiệu khởi sắc trong cả ngắn và trung hạn.
Những ngày đầu năm 2015, thị trường bất động sản Hà Nội đón nhận thông tin sốc khi Trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Landmark bất ngờ đóng cửa. Hàng trăm chủ gian hàng đã phải chuyển đồ ngay trong đêm để đáp ứng thời hạn khá ngặt nghèo được đơn vị quản lý mặt bằng đặt ra, dù không có được giải thích thuyết phục từ cả đơn vị này lẫn chủ đầu tư.
Đến nay, sau gần nửa tháng đóng cửa, cả chủ đầu tư và đơn vị quản lý vẫn chưa đưa ra lý do chính thức, thỏa đáng khiến TTTM này phải đóng cửa đột ngột.
Thế nhưng, bỏ qua những đồn đại râm ran về mâu thuẫn giữa đơn vị được giao quyền quản lý khu TTTM và chủ đầu tư thì nhìn thực tế kinh doanh không mấy hiệu quả trong suốt 3 năm hoạt động, cũng có thể thấy việc TTTM lớn vào loại bậc nhất Hà Nội này phải đóng cửa là điều dễ hiểu. Bản thân Parkson, trong một thông báo tới khách hàng cũng đã thừa nhận, từ khi mở cửa năm 2011 đến nay, DN chưa một ngày đạt kế hoạch kinh doanh đã đề ra.
Thực tế tại Hà Nội, không chỉ TTTM Parkson Landmark mới bị đóng cửa vì hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Bởi trước đó, hàng loạt TTTM cao cấp khác cũng ngừng hoạt động, hoặc tạm đóng cửa để cải tạo, cơ cấu lại, nhưng sau đó, hoạt động kinh doanh vẫn không được cải thiện.
Cụ thể, TTTM Grand Plaza từng vài lần cơ cấu lại gian hàng. Thế nhưng, hoạt động kinh doanh không mấy hiệu quả khiến các chủ quầy phải tháo chạy, khiến TTTM này phải đóng cửa từ hơn một năm nay. Trong khoảng thời gian này, đơn vị quản lý vẫn kêu gọi cho thuê toàn bộ hoặc từng phần TTTM với hy vọng đưa Grand Plaza hoạt động trở lại, song vẫn chưa có đối tác nào mạo hiểm “hồi sinh” hoạt động của TTTM này.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, việc TTTM Parkson Landmark và Grand Plaza đóng cửa là có thể lý giải, bởi các vị trí các TTTM này đều nằm ở khu vực vành đai ngoài trung tâm, nhưng lại phát triển theo hướng cao cấp, chuyên bán hàng xa xỉ.
Trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, việc TTTM Parkson Landmark và Grand Plaza vốn nằm ngoài 4 quận nội thành nhưng lại phát triển theo hướng bán các mặt hàng xa xỉ là một định hướng sai lầm, nên rất khó thành công.
Tuy nhiên, các mặt bằng bán lẻ xa xỉ ở những vị trí đắc địa nhất ở trung tâm thủ đô cũng gian nan chẳng kém. TTTM Tràng Tiền Plaza, một TTTM có vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội, dù đã đầu tư khoảng 20 triệu USD để cải tạo, với tham vọng trở thành một trung tâm hàng hiệu của Hà Nội. Song, chỉ sau vài tháng mở cửa hoạt động đã nhanh chóng đóng cửa phần lớn gian hàng để cơ cấu lại, chấp nhận sự xuất hiện của các gian hàng bình dân để lôi kéo thêm khách hàng. TTTM này mở cửa đúng những ngày lễ tết đầu năm nay, nhưng dù đã “bình dân hóa”, lượng khách ghé thăm vẫn khá lèo tèo.
Ngoài Tràng Tiền Plaza, một TTTM cao cấp nằm giữa phố cổ là TTTM Chợ Hàng Da sau khi được đầu tư hàng trăm tỷ để xây dựng lại trên nền chợ truyền thống, khi đi vào hoạt động cũng không mấy hiệu quả. Bên cạnh đó, hàng loạt TTTM khác tại Hà Nội, như Parkson Thái Hà, Lotte Đào Tấn, Lotte Tây Sơn… cũng hoạt động èo uột vì vắng khách.
Lý giải nguyên nhân thị trường bán lẻ Hà Nội gặp khó khăn trong thời gian qua, ông Trần Như Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nguyên là Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills tại Hà Nội cho biết: Nguyên nhân chính là do nền kinh tế chung chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, khả năng chi trả của đa số người dân thấp, dẫn đến sức mua thấp.
Một nguyên nhân khác khiến TTTM cao cấp gặp khó khăn, theo ông Trung, là do tâm lý mua sắm tại chợ, cửa hàng truyền thống vẫn là tâm lý phổ biến. Để tạo được thói quen mua sắm tại các TTTM của đa số người dân, ông Trung cho rằng phải mất nhiều thời gian nữa.
Chính vì những yếu tố này, ngay cả các tổ chức tư vấn cũng khá bi quan với hướng ra của phân khúc mặt bằng bán lẻ. Báo cáo thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội của CBRE lẫn Savills mới đây đều cho rằng, phân khúc thị trường bán lẻ tại Hà Nội cả trong ngắn hạn lẫn trung hạn vẫn tiếp tục gặp khó khăn, giá thuê tiếp tục giảm, trong khi nguồn cung tiếp tục tăng.
Savills Việt Nam còn dự báo diện tích thuê thêm của thị trường bán lẻ thời gian tới tiếp tục “tăng trưởng âm”, cho thấy thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội trong trung hạn vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Theo ĐTCK