05/04/2021

Lấp lỗ hổng quản lý quỹ bảo trì chung cư

Câu chuyện tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân tại các tòa nhà chung cư đã trở thành nỗi nhức nhối trong dư luận xã hội, làm đau đầu nhà quản lý lâu nay.

Số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố. Hà Nội, có những quận có hàng chục tòa nhà chung cư chủ đầu tư chậm trễ, trây ì trong việc bàn giao khoản phí bảo trì. Đơn cử như quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, có 159 tòa nhà cao tầng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, thế nhưng vẫn còn tới 37 tòa chung cư chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.

Còn hàng trăm dự án chung cư cao tầng khác tại nhiều quận trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra tình hình tương tự, đó là chủ đầu tư cố tình trì hoãn, không thực hiện hết trách nhiệm, cố tình không bàn giao quỹ bảo trì chung cư với số kinh phí 2% theo quy định.

Trên thực tế, Luật Nhà ở 2014 đã quy định rất rõ về việc khi dự án đi vào vận hành thì chủ đầu tư phải tổ chức Hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị, bàn giao quỹ bảo trì (2%). Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp chủ đầu tư đã lách luật vì nhiều dự án đi vào hoạt động từ trước khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, và ở thời điểm trước đó thì luật cho phép chủ đầu tư được quản lý, sử dụng phần phí bảo trì này.

Tuy nhiên, tình trạng trây ỳ này sẽ được giải quyết dứt điểm bởi Nghị định 30/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, kinh phí bảo trì chung cư 2% sẽ gửi vào tài khoản “đóng” do chủ đầu tư mở. Khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Sau đó, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án biết về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền. Trong hợp đồng mua bán căn hộ với cư dân phải thông tin về tài khoản đã mở theo quy định.

Giới luật gia nhận định, việc gửi nguồn kinh phí bảo trì vào một toàn khoản “đóng” này là giải pháp hạn chế được tình trạng mù mờ, cố tình chiếm dụng hoặc nhập nhằng trong quản lý khoản quỹ bảo trì chung cư, góp phần giải tỏa những điểm nghẽn, mâu thuẫn xảy ra lâu nay giữa chủ đầu tư và cư dân tại các tòa nhà chung cư.

Mạnh tay hơn, Nghị định 30 nêu rõ, nếu chủ đầu tư không có kinh phí bàn giao, sẽ tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 30, trường hợp chủ đầu tư không có diện tích nhà, đất hoặc diện tích nhà, đất để kê biên không đủ giá trị bán thu hồi kinh phí bảo trì, thì thực hiện xác định tài sản khác của chủ đầu tư để bán đấu giá thu hồi đủ kinh phí chuyển giao cho Ban quản trị nhà chung cư. Nghị định 30/NĐ-CP được coi là “gọng kìm” siết chặt việc quản lý, cũng như giải tỏa những bất cập liên quan đến việc sử dụng quỹ bảo trì chung cư tồn tại lâu nay.

Bình An/Đại đoàn kết