13/11/2017

Kiến trúc bản địa trước sự xâm lấn của kiến trúc ngoại lai – Góc nhìn từ TP HCM

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Khi cả nước đang trong quá trình hội nhập, khái niệm kiến trúc “ngoại nhập” là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc đô thị và cần được hiểu theo ý nghĩa tích cực tránh việc hiểu lầm là “bài ngoại”. Tuy nhiên, để phát huy được những yếu tố tích cực của xu hướng kiến trúc ngoại nhập, hạn chế các tiêu cực của kiến trúc “ngoại lai” trong kiến trúc đô thị, cần làm sáng tỏ hơn những quan niệm của xã hội trong thời gian qua về xu hướng – quá trình hội nhập, cũng như các đóng góp định hướng quản lý phát triển kiến trúc tại Việt Nam trước cách nhìn nhận này.

Khu vực trung tâm Q1 TPHCM với các công trình mới tạo nên dáng vẻ hiện đại với bản sắc đô thị riêng

Khu vực trung tâm Q1 TPHCM với các công trình mới tạo nên dáng vẻ hiện đại với bản sắc đô thị riêng

Kiến trúc “ngoại nhập” luôn là chủ đề được giới chuyên môn, các hội nghề nghiệp và các nhà lý luận – phê bình kiến trúc nêu ra trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước khi đi sâu phân tích, cần hiểu rõ một số quan điểm riêng về “Kiến trúc bản địa trước sự xâm lấn của kiến trúc ngoại lai” như sau:
– Khái niệm về “Kiến trúc bản địa” tại Việt Nam cho đến hôm nay vẫn còn có khá nhiều sự nhìn nhận khác biệt. Ngay tại các đô thị, nơi tập trung nhiều thể loại công trình kiến trúc được xây dựng qua các thời kỳ, sẽ khó tìm ra Nhà lý luận – phê bình kiến trúc nào chỉ được cụ thể công trình nào mang đặc tính “Kiến trúc bản địa”, công trình nào mang đặc tính “Kiến trúc ngoại lai”. Có chăng, đó là một quần thể kiến trúc đô thị với các công trình kiến trúc theo các trường phái khác nhau được xây dựng theo chiều dài lịch sử với nhiều biến động về chính trị – kinh tế – xã hội. Các công trình kiến trúc này luôn hòa quyện vào khung cảnh thiên nhiên tạo nên những bức tranh đô thị và nếu thành công sẽ luôn in sâu trong mỗi con người chúng ta. Các công trình kiến trúc này theo thời gian được xây dựng với nhiều phong thái – trào lưu kiến trúc khác nhau, đến từ nhiều quốc gia, nhiều châu lục khác nhau trên thế giới mà chủ yếu là các trường phái kiến trúc châu Âu do người Pháp xây dựng. Vậy, nếu chúng ta không “chính trị hóa” nghệ thuật kiến trúc như đã từng áp đặt trong quá khứ, thì những công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật cao như Nhà hát lớn, Bảo tàng lịch sử, thậm chí Cung văn hóa tại Hà Nội… là “Kiến trúc bản địa” hay cũng được coi là “Kiến trúc ngoại lai”???
– Do đó, các công trình “Kiến trúc bản địa” đang được chúng ta nhìn nhận, chính là các công trình được nghiên cứu thiết kế theo thời gian, tuy với nhiều trường phái, trào lưu, thủ pháp khác nhau, song được “lắp ghép” thành công trong khung cảnh chung tại các đô thị Việt Nam.
– Trong những năm gần đây, tại các đô thị Việt Nam và nhất là tại TPHCM có khá nhiều các công trình kiến trúc được nghiên cứu thiết kế bởi các Kiến trúc sư nước ngoài theo các trào lưu, với các thủ pháp khác nhau, sau khi xây dựng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của xã hội. Các công trình này đã góp phần làm hoàn thiện thêm “bức tranh đô thị”, thậm chí thúc đẩy sự phát triển không gian kiến trúc-cảnh quan của cả một khu vực.
Qua những phân tích ngắn ở trên, nên chuyển cách đặt vấn đề cần trao đổi về sự xâm lấn của “Kiến trúc ngoại lai” theo hướng đánh giá – phân tích các công trình kiến trúc với các phong cách xa lạ đang tác động xấu tới “bức tranh đô thị” mà người Việt Nam chúng ta, trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua nhiều biến động về chính trị – kinh tế – xã hội, với tấm lòng luôn rộng mở để tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của nhân loại đã dày công tạo dựng. Sự xâm lấn của loại hình kiến trúc này mới thực sự là “Kiến trúc ngoại lai”, hiện tượng mà chúng ta đang lo ngại.
Đi sâu vào tổng hợp và phân tích các công trình “Kiến trúc ngoại lai” này, có thể tạm chia thành 2 nhóm:
– Nhóm các công trình có quy mô nhỏ, thường đứng riêng lẻ mà phần lớn là các dinh thự của những “trọc phú” mới bỗng chốc trở nên giàu có, thậm chí có cả các “quan chức”… Những công trình này thường gặp ở các vùng làng quê Bắc Bộ với các dinh thự mái vòm, thậm chí nghe nói còn dát cả vàng, mọc lên từ các làng quê lâu đời với lũy tre, mái ngói nhấp nhô gây cảm giác “nhức mắt” mỗi khi phải đi qua. Tại sao ngay tại châu Âu, nơi trào lưu kiến trúc này một thời vang bóng (nhưng là trong quá khứ chứ bây giờ người ta cũng ít xây dựng), khách tham quan luôn có cảm giác muốn chiêm ngưỡng thay vì cảm giác “nhức mắt” như nói ở trên. Lý do vì đây là những khuôn viên đất rộng gấp hàng trăm lần các lô đất của các “trọc phú” Việt Nam, với cả vườn cây cổ thụ gần như cố che bớt vẻ “kiêu ngạo” của những tòa dinh thự này. Cũng chính vì tham xây dựng một công trình đồ sộ trên khu đất quá nhỏ nên thường bị bóp lại đến mức độ nhiều khi “méo mó”… Loại hình dinh thự này đôi khi cũng xuất hiện tại các đô thị, song ít hơn và cũng thường bị nén chặt tới “ngộp thở”…
– Nhóm các công trình có quy mô lớn, thường là các công trình sử dụng cho mục đích công cộng như các cao ốc văn phòng, khách sạn, thậm chí là cả các khối nhà chung cư… Các công trình này thường tạo ra cảm giác “ngoại lai” về hình khối kiến trúc trong không gian đô thị và thường gây phản cảm bằng những chi tiết xa lạ được bố trí một cách tham lam, màu sắc “lòe loẹt”…
Khi đi sâu nghiên cứu, có thể nhận thấy các công trình thuộc loại hình kiến trúc này, phần lớn lại chính là do các Kiến trúc sư Việt Nam, chứ không phải là các kiến trúc sư nước ngoài thiết kế, dưới áp lực chỉ đạo của các “ông chủ” lắm tiền-nhiều của “cả to lẫn bé”, “cả trên lẫn dưới”…
Có thể nhận định sự “xâm lấn” này chính là quá trình du nhập của các “hình thức” kiến trúc không có gì mới, chắp nhặt từ các nước trên thế giới, thậm chí đã bị chối bỏ và đang trở nên lạc lõng ngay tại các nơi đã được xây dựng. Sự “xâm lấn” này khác hẳn với sự xuất hiện của các công trình kiến trúc đã được xây dựng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của các đô thị Việt Nam thông qua “tiếp biến-hội nhập” về văn hóa đã được các thế hệ Kiến trúc sư trong và ngoài nước tìm tòi, sáng tạo. Đó là các công trình công cộng với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, các quần thể biệt thự được hình thành từ kết quả của sự tập trung nghiên cứu từ hình thức tới công năng cho phù hợp với địa hình, khí hậu, thậm chí cả bản sắc văn hóa của từng vùng miền… Thực trạng trên đã gây nhiều bức xúc trong xã hội và giới chuyên môn, cũng đã nhiều dịp thể hiện quan điểm của mình qua các cuộc hội thảo, một số cuốn sách và rất nhiều bài viết. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều công trình loại này tiếp tục mọc lên, phá vỡ cảnh quan kiến trúc đô thị – nông thôn.
Với cách tiếp cận như phân tích ở trên, sự “xâm lấn” này chỉ là một mảng tối nhỏ trong quá trình phát triển của nền kiến trúc Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế để tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại và từng bước tạo nên bản sắc kiến trúc riêng cho từng thời kỳ phát triển. Trong bối cảnh chung như vậy, với riêng trường hợp TPHCM, phải nhìn nhận rằng, những năm gần đây bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi đáng kể. Nhiều công trình lớn, đường phố, khu đô thị và các khu nhà ở mới đã được xây dựng. Tại các khu vực nội thành, nhiều khu nhà lụp xụp, kém chất lượng đã được cải tạo, xây mới đưa tổng khối lượng xây lắp mỗi năm gấp nhiều lần những năm trước đây. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xây dựng, công tác quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị cũng đã đạt được những bước tiến nhất định. Sự thay đổi này không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và cải thiện môi trường sống cho nhân dân mà còn tạo ra một diện mạo kiến trúc đô thị mới.
Khắp nơi trong Thành phố, các dự án công trình tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, đi vào sử dụng. Đáng chú ý là các dự án của các nhà phát triển vững mạnh, có uy tín được đầu tư kỹ lưỡng về kiến trúc ngoại thất và nội thất. Có thể thấy ở trung tâm Thành phố, khu vực gần trụ sở Ủy ban & Hội đồng nhân dân Thành phố, toà nhà Vincom Center A ở vị trí khu Eden cũ trước đây, cùng với phần mở rộng của Khách sạn Rex đối diện, toà nhà The Arcade ở khu vực Nhà hát lớn hình thành quần thể kiến trúc mới với phong cách Tân cổ điển.

Có thể nhận thấy một điều đáng buồn là các công trình thuộc loại hình “ngoại lai” phần lớn lại chính là do các Kiến trúc sư Việt Nam chúng ta, chứ không phải là các kiến trúc sư nước ngoài thiết kế, dưới áp lực chỉ đạo của các “ông chủ” lắm tiền-nhiều của “cả to lẫn bé”, “cả trên lẫn dưới”… Sự “xâm lấn” này chính là quá trình du nhập của các “hình thức” kiến trúc không có gì mới, chắp nhặt từ các nước trên thế giới, thậm chí đã bị chối bỏ và đang trở nên lạc lõng ngay tại nơi nó sinh ra. Ngày càng có nhiều công trình loại này tiếp tục mọc lên, phá vỡ cảnh quan kiến trúc đô thị-nông thôn. Tuy nhiên sự “xâm lấn” này chỉ là một mảng tối nhỏ trong quá trình phát triển của nền kiến trúc Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế để tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại và từng bước tạo nên bản sắc kiến trúc riêng cho từng thời kỳ phát triển.

Ở khu vực Chợ cũ, tòa nhà Bitexco Financial Tower vừa có kiến trúc khối tháp mang tính biểu tượng cao, đóng vai trò như điểm nhấn kiến trúc trên bầu trời Thành phố, vừa có khối bệ hấp dẫn, cùng với không gian quảng trường hồ nước phía dưới hình thành một khu vực đô thị sống động.
Bên cạnh đó, xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng… được đưa vào Việt Nam trong thời gian gần đây ngày càng được khẳng định là xu thế tất yếu của kiến trúc Thành phố. Một số cao ốc như các công trình Financial Tower, President Place… đã đạt những tiêu chuẩn quốc tế về tiết kiệm năng lượng. Những thực hành mới này một mặt góp phần vào khả năng thích ứng của Thành phố với các vấn đề môi trường, mặt khác cũng đóng góp vào diện mạo không gian cảnh quan kiến trúc đô thị.
Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam, từ kinh nghiệm của các đô thị lớn trên thế giới, một không gian quảng trường đi bộ với quy mô lớn đã được xây dựng trên cơ sở cải tạo trục đường Nguyễn Huệ với chủ thể là Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 40 năm ngày thống nhất đất nước. Phải khẳng định đây là một trong những không gian công cộng hoành tráng và hiện đại vào loại tầm cỡ không những trong nước mà còn tại khu vực Đông – Nam Á. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các không gian công cộng từ khu vực hồ Bán Nguyệt trong khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, dải công viên dọc bờ Tây sông Sài Gòn, Quảng trường Nguyễn Huệ… nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí và sinh hoạt cộng đồng của người dân Thành phố ngày càng được quan tâm đáp ứng tốt hơn, TPHCM đang từng bước hướng tới một đô thị văn minh – hiện đại.

Công trình kiến trúc mới và cũ tại khu vực trung tâm TPHCM

Công trình kiến trúc mới và cũ tại khu vực trung tâm TPHCM

Trong một nền kinh tế thị trường đang mở cửa để hội nhập, việc đưa ra những định hướng quản lý nhằm hạn chế sự “xâm lấn” của loại hình “Kiến trúc ngoại lai” theo như cách tiếp cận và phân tích ở trên là khá khó khăn, nhất là mảng các công trình nhà ở. Riêng đối với các công trình có quy mô lớn, ảnh hưởng tới không gian kiến trúc – cảnh quan đô thị, thì những nỗ lực trong thời gian vừa qua của Bộ Xây dựng thông qua các cơ quan chuyên ngành và một hệ thống các Nghị định – Thông tư về quản lý kiến trúc đô thị, nếu được vận dụng đầy đủ cùng với cái tâm và năng lực của những người làm công tác quản lý quy hoạch – kiến trúc đô thị, thực trạng “xâm lấn” này sẽ bị đẩy lùi. Song chúng ta có quyền hy vọng, trong quá trình đất nước phát triển theo hướng văn minh-hiện đại, thẩm mỹ kiến trúc của mỗi người dân, các nhà đầu tư sẽ từng bước được nâng cao và chính họ sẽ nhận thấy được sự lạc lõng của những công trình do mình quyết định đầu tư xây dựng trong quá khứ./.

GS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa
Chuyên viên cao cấp-Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
TS.KTS Lê Văn Thương
Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM