22/03/2022

Kế hoạch không gian ngầm ở trung tâm TPHCM

Ngầm hóa giao thông đường Tôn Đức Thắng và khu vực xung quanh Công viên Bến Bạch Đằng sẽ giúp mở rộng không gian đô thị về phía sông Sài Gòn và xa hơn là kết nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo quy chế quản lý kiến trúc TPHCM, thành phố sẽ mở không gian đô thị về phía sông Sài Gòn, dành mặt đất đường Tôn Đức Thắng đoạn dọc Công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) cho không gian đi bộ và xe điện, chuyển đường Tôn Đức Thắng xuống hầm.

Giao thông ngầm qua công viên

Đường ngầm Tôn Đức Thắng được quy hoạch 2 làn xe mỗi hướng. Kết cấu ngầm đường Tôn Đức Thắng gồm tầng hầm 1 với bãi đậu xe công cộng và lối ra/vào, tầng hai với bãi đậu xe công cộng và đường ngầm Tôn Đức Thắng. Các lối ra/vào bãi xe ngầm sẽ có 2 làn xe riêng biệt và không được kết nối trực tiếp xuống đường ngầm Tôn Đức Thắng. Bãi đậu xe ngầm có sức chứa 300 xe hơi, nếu cần thiết thì có thể tận dụng một phần cho xe hai bánh.

Bên cạnh đó, khu vực Công trường Mê Linh cũng sẽ có tầng ngầm, trong đó xây dựng một vườn trũng ngầm ở giữa công trường; bố trí cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng ở tầng ngầm này. Vườn trũng sẽ kết nối trực tiếp với bãi đậu xe ngầm ở dưới đường Tôn Đức Thắng, đồng thời bảo đảm kết nối với các tòa nhà xung quanh trong tương lai. Bên trên, Công trường Mê Linh sẽ tạo không gian thoải mái và mát mẻ cho du khách. Giữa Công trường Mê Linh và sông Sài Gòn sẽ có 3 trạm xe buýt, trạm LTR (Light Rail Transit, đường sắt nhẹ, trạm có thể được xây dưới lòng đất) và trạm taxi thủy; đồng thời bảo đảm kết nối giao thông cho người đi bộ giữa các trạm này với vườn trũng. Phương tiện cũng có thể đi từ bãi đậu xe ngầm Tôn Đức Thắng đến Công trường Mê Linh và được bảo đảm an toàn qua lối vào bố trí tại tầng hầm thứ nhất, vốn sử dụng cho dịch vụ và bảo trì các cửa hàng thương mại bên dưới Công trường Mê Linh. Lối đi bộ cũng sẽ được bố trí từ bãi đậu xe ngầm tới Công trường Mê Linh qua tầng hầm thứ nhất của đường Tôn Đức Thắng.

Sau khi giao thông được ngầm hóa, lòng đường Tôn Đức Thắng hiện hữu sẽ được thu hẹp để mở rộng diện tích Công viên Bến Bạch Đằng

TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM, cho hay cơ sở để đưa ra kế hoạch trên là do Quy chế quản lý kiến trúc TPHCM hiện nay cập nhật quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TPHCM (930 ha), trong đó có việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng. Dù tổ chức giao thông ngầm nhưng bên trên đường Tôn Đức Thắng cũng thiết kế 1-2 làn ôtô với tốc độ chậm. Lòng đường sẽ được thu hẹp để mở rộng diện tích công viên.

Cần thiết và nên mở rộng

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng là giải pháp rất cần thiết. Việc này giúp giao thông tuyến đường Bắc – Nam qua trung tâm thành phố được xuyên suốt. Hơn nữa, giảm lưu thông trên bề mặt giúp người đi bộ dễ dàng tiếp cận bờ sông Sài Gòn và bảo đảm an toàn so với việc băng cắt qua đường rất khó khăn hiện nay.

Đồng quan kiểm, TS.KTS Hoàng Ngọc Lan (Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) cho rằng ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng sẽ giải quyết được một loạt các vấn đề về giao thông tại khu trung tâm hiện nay. “Thứ nhất, tạo sự an toàn cho người đi bộ tại các không gian công cộng như đường Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng. Thứ hai, tăng diện tích không gian công cộng chính của thành phố ra bờ sông Sài Gòn trong bối cảnh khu trung tâm lịch sử của thành phố hiện nay thiếu quảng trường. Thứ ba, tăng hiệu quả sử dụng đất nhờ khai thác không gian ngầm, bổ sung thêm các chức năng cần thiết cho khu trung tâm như bãi xe, các cửa hàng thương mại ngầm… mà vẫn bảo đảm được không gian thông thoáng cho khu trung tâm” – TS.KTS Hoàng Ngọc Lan phân tích.

Ngoài ra, theo TS.KTS Hoàng Ngọc Lan, một điểm yếu của Công viên Bến Bạch Đằng hiện nay là rất khó kết nối, đặc biệt đối với người đi bộ, vì lưu lượng xe qua trục Tôn Đức Thắng cao và tốc độ nhanh. Do đó, nếu ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng, khu vực cuối trục đường Nguyễn Huệ thì sẽ kết nối được không gian đi bộ của trục Nguyễn Huệ ra bờ sông Sài Gòn để tăng diện tích, sức chứa của không gian công cộng. Đồng thời, có thể hình thành một trục không gian công cộng hấp dẫn, tăng tương tác của người dân với mặt nước, vì có thể tổ chức các hoạt động từ trên bờ ra mặt nước như nhạc nước, điểm ngắm pháo hoa, countdown với không gian mở là sông Sài Gòn… Và quan trọng nhất là bảo đảm sự an toàn cho người dân khi sử dụng không gian công cộng. “Đặc biệt, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn trong tương lai sẽ là tuyến kết nối hai không gian mở chính của trung tâm lịch sử và trung tâm mới, nhằm hình thành một hệ thống không gian công cộng liên tục hai bên bờ sông. Đây sẽ là không gian hoạt động chính của người dân TP sau này” – TS Hoàng Ngọc Lan nhấn mạnh.

Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất làm đường ngầm bên dưới toàn bộ phố đi bộ Nguyễn Huệ để có không gian làm dịch vụ thương mại, bãi để xe. Thậm chí, cũng có thể làm đường ngầm nối qua Thủ Thiêm và sử dụng xe điện. Đi bộ mất gần 10 phút, đi xe điện chỉ vài phút. Làm đường ngầm làm cho xe điện sẽ rẻ hơn nhiều so với làm đường hầm Thủ Thiêm, vì chỉ làm cho xe công cộng. Điểm quan trọng là kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ với quảng trường Thủ Thiêm” – KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.

Quốc Anh/Người lao động