18/08/2016

Hội thảo “Trùng tu di tích Chùa Cầu – Quan điểm và giải pháp”

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Ngày 16/8, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Hội thảo “Trùng tu di tích Chùa Cầu- Quan điểm và giải pháp”, với sự thu hút tham dự của hơn 100 chuyên gia trong nước và chuyên gia Nhật Bản; các thành viên hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam; các sở, ban, ngành và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo thành phố Hội An.

Chùa Cầu, Hội An

Ảnh minh họa: Internet

Di tích Chùa Cầu được cấp bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 1990, là biểu tượng của Di sản Văn hóa thế giới Hội An, là cầu cổ duy nhất ở Hội An. Chùa Cầu còn có tên gọi khác là cầu Nhật Bản, tên chữ “Lai Viễn Kiều” do chúa Nguyễn Phúc Chu ban vào năm Kỷ Hợi – 1719. Cầu do người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ XVII. Sau nhiều lần được trùng tu và tôn tạo, Chùa Cầu mang các đặc trưng kiến trúc cổ của Hội An thế kỷ XVIII – XIX. Hiện nay, di tích Chùa Cầu đang trong tình trạng xuống cấp và cần sớm được tu bổ, gìn giữ lâu dài.

Tại hội thảo, trường đại học Bách khoa Đà Nẵng đã báo cáo kết quả phân tích, đánh giá hiện trạng kết cấu của di tích Chùa Cầu. Trên cơ sở đó, các chuyên gia và đại biểu tham dự đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích và không gian kiến trúc cảnh quan Chùa Cầu, bởi sự tác động phức tạp về nhiều mặt như thời gian, biến đổi khí hậu, sự tác động của con người.

Các đại biểu đã đưa ra các ý kiến, quan điểm và đề xuất nhiều giải pháp để trùng tu, tôn tạo di tích Chùa Cầu. Đặc biệt, nhấn mạnh việc trùng tu, tôn tạo di tích Chùa Cầu cần được thực hiện sớm; có giải pháp, phương án triệt để và đồng bộ nhất nhằm bảo tồn, lưu giữ lâu dài di tích này của Hội An. Phần lớn các chuyên gia có tham luận và phát biểu đều đồng thuận quan điểm, giải pháp trùng tu bảo tồn di tích Chùa Cầu là:cần có đầy đủ tư liệu để nhìn nhận, đánh giá tính chân xác về di tích, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác trùng tu di tích; công trình cần được thực hiện theo phương pháp trùng tu di tích là hạ giải toàn bộ để có điều kiện xử lý tổng thể các vấn đề liên quan tới chất lượng và độ bền vững của công trình di tích.

Trong Hội thảo, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia –Đỗ Thanh Tùng đóng góp ý kiến: Di tích Chùa Cầu là công trình kiến trúc có giá trị về nghệ thuật và lịch sử. Vì là công trình kiến trúc nên phải đảm bảo tính bền vững, khả năng chịu lực và chịu tải của kết cấu công trình; đảm bảo an toàn cho con người khi sử dụng làm giao thông và tham quan; đảm bảo tính ổn định và chịu được các tác động về gió, bão, động đất, ngập lụt… của thiên nhiên. Là di tích lịch sử thì phải đảm bảo nguyên tắc của công tác bảo tồn, trùng tu di tích. Vì vậy, để giải quyết triệt để các yếu tố liên quan tới kết cấu, khả năng chịu lực, ổn định lâu dài của công trình và đồng thuận theo phương pháp trùng tu di tích là hạ giải toàn bộ công trình để xử lý tổng thể các vấn đề liên quan tới chất lượng và độ bền vững lâu dài cho di tích. Mặt khác, trong lần trùng tu này cần nghiên cứu và đề xuất việc tôn tạo cảnh quan của di tích, như: hệ thống kè đá hai bên sông khá phản cảm, chưa tạo được sự gần gũi với thiên nhiên; thiếu cây xanh ở hai điểm đầu cầu; cần xử lý và có giải pháp cho công trình 03 tầng hiện trạng để không lấn át kiến trúc, cảnh quan cầu; cần thiết kế đồng bộ hệ thống chiếu sáng, môi trường nước và không khí xung quanh…

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh cho biết: Việc trùng tu Chùa Cầu phải được tiến hành trên cơ sở giải quyết triệt để các vấn đề về kết cấu để đảm bảo sự ổn định lâu dài của di tích. Cùng với đó là quan điểm hạ giải toàn bộ phần kiến trúc gỗ đã xuống cấp nặng, gia cố vững chắc hệ móng.Cần có giải pháp kỹ thuật yêucầu đảm bảo nguyên tắc trùng tu bảo tồn, chất lượng di tích, quan tâm đến hậu trùng tu. Đây là dự án đặc biệt nên giao cho các đơn vị có năng lực, có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế. Trong quá trình trùng, sẽ liên tục tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý, đặc biệt là UNESCO./.

PV