Hà Nội xin tự quyết tầng cao khi cải tạo chung cư
UBND TP. Hà Nội đề xuất Bộ Xây dựng đổi luật, được tự quyết tầng cao công trình, quy mô dân số khi cải tạo các chung cư cũ.
Nói về việc cải tạo chung cư cũ đang xuống cấp, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận, nhiều khu chung cư cũ do nằm ở vị trí đắc địa nên nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia cải tạo, tuy nhiên cũng vì “vị trí vàng” mà nhiều người dân không muốn dời đi hoặc có những đòi hỏi phức tạp… Điều này đã khiến các dự án cải tạo chung cư cũ luôn trong tình trạng “bế tắc”.
Chính vì thế vào đầu tháng 10/2018, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, đề xuất Bộ này đề nghị Thủ tướng Chính phủ để TP. Hà Nội được chủ động quyết định việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch về dân số, tầng cao công trình khi cải tạo, xây mới chung cư cũ tại khu vực nội đô.
Hiện tại, Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư cũ (trong đó có 34 khu có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên và 42 khu có quy mô sử dụng đất dưới 2 ha) và 306 chung cư cũ độc lập có quy mô 2-5 tầng.
Sau hơn 10 năm triển khai trên toàn thành phố, chương trình cải tạo chung cư cũ gần như vẫn giậm chân tại chỗ khi chỉ có 14 chung cư cũ được xây dựng mới đưa vào sử dụng, chiếm chưa tới 1%; 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng; 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời, nhưng chưa có phương án xây dựng lại.
Trong năm 2017, UBND TP. Hà Nội đã giao cho 19 doanh nghiệp tham gia lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội nhưng sau 1 năm mọi việc vẫn cơ bản dậm chân tại chỗ, thậm chí có bên cho biết đã rút khỏi danh sách này.
Nguyên nhân lớn nhất khiến chủ trương này dậm chân tại chỗ được đại diện Vụ Pháp chế – Bộ Xây dựng lý giải là do sau khi Thủ tướng ban hành quy định các khu vực nội đô, trung tâm ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM không được tăng chiều cao dự án, không tăng dân số.
“Không cho tăng chiều cao thì doanh nghiệp không có lợi nhuận, không thể đền bù giải phóng mặt bằng. Bộ Xây dựng đang báo cáo Thủ tướng xin giải pháp tháo gỡ vướng mắc này”, đại diện Vụ Pháp chế cho hay.
Một trong những doanh nghiệp tham gia vào việc cải tạo chung cư cũ này là Công ty Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) tỏ ra rất phấn khởi trước đề xuất của UBND TP. Hà Nội.
“Tôi cho rằng việc này phải tháo gỡ từ tổng thể, đảm bảo quyền lợi của người dân nhưng cũng đáp ứng quyền lợi của doanh nghiệp, xem xét các vấn đề chiều cao, giao thông. Đây cũng là những yếu tố quan trọng… Nếu có việc thì cũng tốt quá” – đại diện Gleximco bày tỏ.
Trong khi đó nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại khi TP. Hà Nội đang phá vỡ quy hoạch nội đô vì có quá nhiều nhà chung cư cao tầng. Việc phát triển các khu đô thị, nhà ở, văn phòng làm việc tập trung trong nội đô cũ quá nhanh, gây áp lực lớn cho hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội.
Mặt khác, việc tái thiết, cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ, phát triển các đô thị mới chưa đồng bộ, làm phát sinh các vấn đề kết nối giao thông đô thị, thiếu không gian công cộng, mặt nước, cây xanh. Ngoài ra, tổ chức không gian cảnh quan đô thị và kiến trúc công trình chưa đồng nhất, hài hòa, nên chưa tạo lập được hình ảnh đô thị đặc trưng của TP. Hà Nội.
Trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 quy định rõ, Hà Nội phải giãn dân trong khu vực nội đô, các nhà máy xí nghiệp ra ngoại thành hoặc xây dựng cơ sở sản xuất ở địa phương khác.
Tuy nhiên, khi những cơ sở này di chuyển đi nơi khác thì đất cũ lại mọc lên những khu chung cư mới, cao ốc văn phòng với dân số và lượng người tập trung quá đông. Đặc biệt, nhiều khu đất dành cho giao thông công cộng lại biến thành khách sạn hay các công trình khác của tư nhân….
Ngoc Mai/Báo Đất Việt