03/06/2015

Du lịch Đà Nẵng trước nguy cơ lao dốc

Phát triển nóng trong ngành khách sạn ở Đà Nẵng có thể nhận biết bằng… mắt thường! Tất cả những con đường ra biển, ven biển, gần sân bay chỉ nửa năm quay lại đã thấy nhiều khách sạn mới mọc lên.

“Phát triển rất nóng”, đó là nhận định của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng khi phát biểu tại lễ khai trương Khách sạn Samdi 19 tầng mới đây với các thành viên Hiệp hội: “Các đồng nghiệp của tôi, các bạn đừng bán dưới giá thành, hãy nâng cao chất lượng dịch vụ để tạo ra sự khác biệt và bán đúng giá chất lượng nhằm giữ thế phát triển bền vững”.

12

Sở dĩ trong ngày vui của đồng nghiệp mà ông Huỳnh Tấn Vinh vẫn đề cập đến vấn đề tế nhị “bán phá giá” vì Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Đà Nẵng đã công bố, ngay trong quý I/2015, có đợt nghỉ Tết kéo dài mà doanh thu phòng khách sạn vẫn giảm.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, trưởng Phòng Quản lý cơ sở lưu trú (Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Đà Nẵng) công bố số liệu: Năm 2014, Đà Nẵng có 435 khách sạn với 15.625 phòng, quý I/2015 tăng thêm 15 khách sạn với 711 phòng, nâng tổng số khách sạn lên 450 với 16.336 phòng.

Dự kiến từ nay đến 2017, mỗi năm Đà Nẵng sẽ có thêm 2.000 – 3.000 phòng khách sạn ở phân khúc 3 – 5 sao. Nguồn cung tăng ồ ạt, nhưng nguồn nhân lực không phát triển kịp.

Theo số liệu nghiên cứu của Công ty Savills, nguồn cung phòng khách sạn Đà Nẵng quý I/2015 tăng 7%, nhưng giá phòng khách sạn 5 sao giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, giá phòng trung bình toàn thị trường giảm 12%, và công suất phòng giảm 4%.

Sự giảm sút doanh thu khiến các khách sạn, resort hạng sang ở ven biển vốn có giá phòng bình quân cao nhất nước trong quí III/2014, nay phải xuống giá để đối phó với thị trường thừa cung. Vì xuống giá, nhiều dịch vụ giảm chất lượng, khuyến mãi một thì âm thầm cắt xén phục vụ hai để bù lại cho nguồn thu giảm sút.

Các chuyên gia kinh tế phân tích, nếu chất lượng phục vụ ở phân khúc 3 – 5 sao giảm, thương hiệu du lịch Đà Nẵng chắc chắn đứng trước nguy cơ lao dốc, bởi đây là phân khúc khách ổn định và đem lại nguồn thu lớn nhất cho thành phố từ các thị trường Âu – Mỹ, Đông Bắc Á.

Các công ty lữ hành lớn tại Thái Lan, Hồng Kông, Singapore đã nắm được thông tin này và bắt đầu ép giá khi mời thầu các sự kiện họ đưa tới Đà Nẵng hoặc các thành phố lân cận. Chính Đà Nẵng cũng đang chịu sức ép cạnh tranh bùng nổ khách sạn hạng sang tại Hội An và Thừa Thiên – Huế (khu vực Lăng Cô, Chân Mây chỉ cách Đà Nẵng 40km).

Có thể thấy cuộc cạnh tranh giữa các khách sạn âm thầm nhưng quyết liệt, đến mức bản thân những cấp quản lý cao nhất của các khách sạn 5 sao người nước ngoài và người Việt đều phải lên mạng xã hội để quảng bá cho đơn vị mình bằng những hình ảnh mới nhất về dịch vụ tổ chức sự kiện, về món ăn, tiệc nhà hàng như một nhân viên trẻ cần mẫn.

Mức độ đầu tư du lịch nói chung và khách sạn tại Đà Nẵng nói riêng có phần vượt trội so với các thành phố khác của miền Trung một phần là hiệu ứng từ hạ tầng và sản phẩm vui chơi giải trí tại Đà Nẵng phát triển mạnh trong thời gian gần đây như sân golf, bến đậu du thuyền quốc tế, làng Pháp, cáp treo, vòng quay mặt trời…

Các công ty lữ hành, tổ chức sự kiện thường xuyên đấu thầu đưa nhiều sự kiện quốc tế, quốc gia về thực hiện tại Đà Nẵng. Chỉ riêng lễ hội pháo hoa 2015, Đà Nẵng đã thu hút 450 ngàn lượt khách, trong đó 80% là do các công ty lữ hành khai thác.

Đặc biệt trong năm 2017, Chính phủ chọn Đà Nẵng làm nơi tổ chức “Tuần lễ cấp cao APEC 2017”, sự kiện hội tụ nhiều nguyên thủ của 21 quốc gia đến nhóm họp.

Đây không chỉ là cơ hội nâng cấp hạ tầng, đầu tư sản phẩm, chất lượng dịch vụ, mà từ nay đến năm 2017 là “thời gian vàng” để Đà Nẵng quảng bá ra thế giới là một điểm đến hàng đầu. Đã có đẳng cấp khá tốt, du lịch Đà Nẵng cần nhận được những cảnh báo để người kinh doanh khỏi phải “vỡ trận” trước làn sóng đầu tư thiếu qui hoạch.

Theo DNSG