Với sự tham mưu của Sở QH-KT TPHCM và đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, báo cáo nhiệm vụ đã được Ban cán sự Đảng UBND TP trình Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM và được Ban chấp hành Đảng bộ đồng ý với những nội dung cơ bản. Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc một số nét chính trong nhiệm vụ nêu trên.
7 yêu cầu trọng tâm
Nhiệm vụ đặt ra 7 yêu cầu trọng tâm cho công tác điều chỉnh quy hoạch chung. Đầu tiên, rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2010, đánh giá tình hình thực tiễn phát triển của TP; các quy hoạch trên địa bàn TP đã được lập và phê duyệt; rà soát định hướng phát triển không gian đô thị, quy hoạch sử dụng đất, công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội của thành phố.
Thứ hai, dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của khu vực, các cơ hội phát triển mới, đảm bảo định hướng phát triển hài hòa với chiến lược phát triển bền vững kinh tế vùng, phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững. Thứ ba, nghiên cứu trên nền đô thị đã hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ, đề xuất một bản quy hoạch điều chỉnh mang tính khả thi cao, phù hợp với tầm nhìn và linh hoạt ứng phó với các biến động; điều chỉnh việc sử dụng đất có hiệu quả hơn, tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất và bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai.
Thứ tư, triển khai những chủ trương, định hướng quan trọng của thành phố có liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị và phát triển kinh tế xã hội; phối hợp các chương trình, dự án quan trọng của thành phố trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn và có tính thực thi cao. Thứ năm, cập nhật những nội dung điều chỉnh cục bộ của quy hoạch chung thành phố trong quá trình thực hiện vừa qua trong một tổng thể quy hoạch đồng bộ; phát huy được những cơ hội và khắc phục, điều chỉnh những hạn chế.
Thứ sáu, đặc biệt, lần này sẽ xác định, đề xuất một kế hoạch ưu tiên thực hiện quy hoạch rõ ràng, cụ thể gắn với nguồn lực thực hiện; lựa chọn những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (về liên kết vùng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên…), cải thiện hiện trạng và đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế – xã hội thành phố. Cuối cùng, yêu cầu phối hợp, cập nhật về dữ liệu, dự báo và định hướng phát triển thành phố với nội dung quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Có chỉ tiêu phát triển đô thị từng khu vực
Định hướng phát triển chung không gian đô thị: theo hướng bền vững, tăng diện tích giao thông đường bộ, công viên cây xanh, bảo vệ hệ sinh thái đô thị, có quan tâm đúng mức các khu bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đối với khu đô thị hiện hữu: Đề xuất giải pháp tái phát triển, chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không gian mở cho đô thị hiện hữu. Đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển cho từng khu vực (như dân số, chiều cao tầng xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất…).
Giải pháp cho các khu vực phát triển mới: xây dựng ý tưởng, mục tiêu, định hướng phát triển và mở rộng đô thị, đặc biệt là khu vực phía Đông thành phố (TP Thủ Đức). Xác định vị trí, vai trò các khu vực đô thị, các khu chức năng… trong đó có lưu ý đến việc bảo tồn và phát triển khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ. Xác định chỉ tiêu về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, nguyên tắc phát triển đối với các khu chức năng. Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan, khu vực trung tâm, điểm nhấn trong đô thị và đề xuất nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian các khu vực.
Đề xuất phân khu chức năng và cơ cấu tổ chức không gian thành phố cụ thể như sau:
Khu dân dụng: gồm khu nội thành cũ, khu nội thành phát triển, khu ngoại thành, các khu dân cư nông thôn thì tập trung cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Khu mới là TP Thủ Đức, Khu đô thị – cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ đầu tư theo hướng bền vững… Các cụm, khu công nghiệp: tiếp tục di dời các xí nghiệp công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành cũ, hạn chế phát triển công nghiệp trong khu vực nội thành; phát triển, sắp xếp đầu tư công nghiệp theo chuyên ngành, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông và không gây ô nhiễm môi trường.
Phát triển hệ thống các khu công viên cây xanh, mặt nước, không gian mở, đặc biệt là đầu tư xây dựng cảnh quan dọc 2 bờ sông Sài Gòn. Các điểm và khu cây xanh trong khu vực nội thành cũ phát triển dựa trên nguyên tắc khai thác các trục cảnh quan, sông nước và kênh rạch của thành phố để thực hiện đồng thời các chức năng giao thông thủy, tiêu thoát nước và cảnh quan; các khu vực cần bảo tồn: khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Củ Chi, Bình Chánh. Cấm và hạn chế xây dựng trong các khu vực vành đai bảo vệ an toàn sân bay, các khu an ninh, quốc phòng. Hạn chế phát triển đô thị trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái của thành phố.
Định hướng không gian ngầm: xác định hệ thống công trình ngầm, tổ hợp công trình ngầm đa năng, tiến tới lập quy hoạch định hướng không gian ngầm trong thành phố và đề xuất các yêu cầu quản lý, sử dụng.
Có cơ chế huy động nguồn lực thực hiện
Theo Sở QH-KT TPHCM, đề xuất quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt toàn đô thị lần này có xem xét đến tác động kép của hiện tượng sụt lún nền đất và biến đổi khí hậu, trên cơ sở nghiên cứu quy hoạch thủy lợi và thoát nước thành phố, gồm giải pháp tăng diện tích mặt thấm và tăng khả năng trữ nước trước khi xả ra nguồn thoát. TP sẽ xác định cao độ xây dựng khống chế cho các khu đô thị, phù hợp với lưu vực thoát nước và giải pháp đê, kè bảo vệ.
Quá trình nghiên cứu lập quy hoạch cần đề xuất chương trình dự án ưu tiên đầu tư, gắn với nguồn lực thực hiện. Đó là phân kỳ các giai đoạn đầu tư: xác định các chương trình dự án ưu tiên thực hiện trước mắt, các chương trình, khu vực trọng tâm đầu tư, cụ thể hóa các mục tiêu, công trình trọng điểm cần đầu tư. Đồng thời, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch, tìm kiếm nguồn lực cũng như tính toán tổng nhu cầu vốn để thực hiện.
TP sáng tạo, trung tâm tài chính của châu Á
Một trong những nội dung quan trọng trong nhiệm vụ này là những dự báo. Theo đó, năm 2040, dân số TPHCM 14 triệu người; gồm TP Thủ Đức 1,9 triệu người (tầm nhìn đến năm 2060 là 3 triệu người). Từng bước hoàn thiện hạ tầng kết nối vùng giữa TPHCM và các địa phương lân cận cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của TPHCM, phát triển không gian đô thị TPHCM thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng (TOD), theo đó phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp chức năng xung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn. Cân bằng giữa phát triển mở rộng đô thị và tái phát triển các khu đô thị hiện hữu.
Thành phố sẽ hình thành các hạt nhân của trung tâm tri thức, trung tâm y tế, văn hóa, giáo dục của vùng đô thị và hạt nhân các khu đô thị mới, củng cố cấu trúc đô thị đa cực. Mỗi người dân được đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng. Phát triển cây xanh trong các khu vực hiện hữu để có môi trường không khí đảm bảo sức khỏe người dân. Người dân được tiếp cận với thực phẩm sạch giá rẻ của nền nông nghiệp đô thị kỹ thuật cao…
Dự báo đến năm 2060, dân số TPHCM khoảng 16 triệu người. TPHCM sẽ là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của châu Á – Thái Bình Dương, là thành phố có chất lượng sống tốt, môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Lương Thiện/Sài Gòn giải phóng