Cao ốc chen chúc, đường xá chật hẹp gây tắc nghẽn: Dân bức xúc, Hà Nội nói gì?
Theo UBND TP Hà Nội, do còn khó khăn hạn chế về nguồn vốn đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, giao thông công cộng, vướng mắc trong GPMB các công trình giao thông, hạ tầng nên tỷ trọng đất giao thông khu vực đô thị hiện có mới đạt 9,38% đất đô thị.
UBND TP.Hà Nội vừa trả lời kiến nghị của cử tri trước những vấn đề về giải pháp quy hoạch giao thông đô thị.
Theo phản ánh của cử tri, hiện nay có nhiều các dự án xây nhà cao tầng, mật độ dày mà không mở rộng đường khiên giao thông Thủ đô tắc nghẽn, môi trường xuống cấp.
Về vấn đề này, UBND TP cho biết, theo quy hoạch, tỷ lệ đất giao thông khu vực đô thị trung tâm chiếm 20%-26% đất xây dựng đô thị; vận tải hành khách công cộng năm 2020 đáp ứng 35% tổng lượng hành khách, năm 2030 khoảng 55%; tỷ lệ đất giao thông các đô thị vệ tinh chiếm 18%-23% đất xây dựng đô thị, vận tải hành khách công cộng năm 2020 đáp ứng 26%; năm 2030 khoảng 43%; tỷ lệ đất giao thông các thị trấn chiếm 16% – 20%…
Cụ thể hóa các quy hoạch nêu trên, thành phố đã triển khai lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành, kết quả đến nay thành phố đã phê duyệt 57/68 đồ án đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.
Theo đó, lãnh đạo TP khẳng định chỉ tiêu về tỷ lệ đất giao thông, mật độ mạng lưới đường trong các quy hoạch đều đảm bảo tuân thủ định hướng quy hoạch chung Thủ đô và quy chuẩn xây dựng Việt Nam.
Về giao thông tĩnh, TP cho biết quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố đã được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp tháng 12/2018 đã xác định quỹ đất vị trí các bến bãi đỗ xe phục vụ công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đô thị, giảm ách tắc giao thông.
Còn về xây dựng kế hoạch, đề án giao thông đô thị, UBND TP cho biết Thành phố đã và đang triển khai,hoàn thiện một loạt các chương trình như Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ đã xuống cấp nghiêm trọng và hết niên hạn sử dụng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 – 2020;
Ngoài ra còn có kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố để trình UBND Thành phố phê duyệt; Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
UBND Thành phố cũng đã phê duyệt: Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn 2030”, “Chương trình tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 – 2021, định hướng đến năm 2030”.
“Như vậy để hạn chế tình trạng ách tắc giao thông, môi trường xuống cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ, các giải pháp về quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung đầu tư xây dựng các công trình khung, phát triển các đô thị mới ngoài khu vực nội đô hiện có”, UBND TP cho biết.
Tuy nhiên theo cơ quan này, do còn khó khăn hạn chế về nguồn vốn đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, giao thông công cộng, vướng mắc trong GPMB các công trình giao thông, hạ tầng nên tỷ trọng đất giao thông khu vực đô thị hiện có mới đạt 9,38% đất đô thị.
Trong khi đó, chỉ tiêu đặt ra là tăng từ 0,3-0,5% đất đô thị/năm; tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 10-13% đất đô thị vào năm 2020.
“Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng hiện tại mới đạt tỷ lệ khoảng 13,78%; do tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị, một số dự án hạ tầng giao thông chậm nên mặc dù được cải thiện nhưng vẫn xảy ra tình hình ách tắc giao thông tại một số nút giao thông, tuyến đường trong các giờ, ngày cao điểm”, UBND TP Hà Nội cho biết.
Trước đó báo chí cũng nhiều lần phản ánh về những con đường giao thông tắc nghẽn, hai bên là những toà cao ốc chen chúc nhau. Điển hình tại đường Nguyễn Tuân, khoảng 20 tòa chung cư và các biệt thự triệu USD được triển khai trên tuyến đường dài 720 m này của Hà Nội.
Ngoài ra, trục đường hướng tâm Hà Nội, Lê Văn Lương – Tố Hữu được xây dựng với mục đích giảm tải cho trục đường huyết mạch Nguyễn Trãi nhưng một thời gian sau khi thông xe năm 2010, hàng loạt nhà cao tầng đua nhau mọc lên dọc hai bên trục đường này khiến áp lực giao thông tăng nhanh…
Báo cáo giám sát về đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi đầu tháng 6 cho biết, đất dành cho giao thông tại Hà Nội, TPHCM chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm, 18-23% với đô thị vệ tinh, 16-20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi dưới 1% trong khi yêu cầu phải là 3-4%.
Đáng lưu ý, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do tình trạng điều chỉnh phá vỡ quy hoạch tại nhiều địa phương. Tính trên cả nước có gần 1.400 dự án điều chỉnh quy hoạch, trong đó có những dự án điều chỉnh hơn 5 lần.
Dân Trí