Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những đóng góp của Ngân hàng Thế giới đối với quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam nói chung cũng như những nghiên cứu của cơ quan này về quá trình đô thị hoá và chuyển đổi không gian đô thị ở Việt Nam.
Cần cả thể chế và nguồn lực giải quyết áp lực hạ tầng
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, những nước phát triển hiện nay có sự phát triển đô thị bền vững, bởi quá trình tập trung đô thị hoá của họ không còn như ở các nước mới phát triển, như Hàn Quốc, Brazil, Trung Quốc… Đây hầu hết là những nước có tiềm lực kinh tế, có khả năng đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, dịch vụ hoàn hảo ở mọi khu vực. Tuy nhiên, phần lớn các nước trên thế giới đều đối mặt với xu hướng đô thị hoá nhanh nhưng thách thức lại vô cùng to lớn.
Ở những nước này, vì quá trình công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng, nhưng thu nhập của mỗi quốc gia lại thấp, cho nên người dân luôn tìm kiếm những việc làm mới. Do đó, khi đô thị hoá nhanh, số người tràn ngập vào những khu vực này nhiều hơn khả năng đáp ứng về hạ tầng của khu đô thị. Dẫn đến áp lực lên hạ tầng rất lớn của các nước đang phát triển. Việt Nam nằm trong số những nước như vậy.
Để giải quyết những vấn đề này, cần phải dùng cả thể chế và nguồn lực. Chỉ giải quyết được vấn đề này bền vững, triệt để khi nền kinh tế của quốc gia phải được phát triển tốt lên, cùng với sự kiểm soát phát triển đô thị của hệ thống thể chế.
Với những nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay, nếu chỉ dùng cơ chế thị trường mà không có sự kiểm soát của thể chế, thì người lao động sẽ đổ xô về những đô thị đang hấp dẫn, như ở Việt Nam người lao động sẽ đổ xô về Hà Nội, TP HCM… Vì những đô thị này, có sức cạnh tranh và lực hấp dẫn nhiều nhất. Dẫn đến mất cân bằng trong quá trình phát triển, phân bố các nguồn lực của mỗi quốc gia. Từ đó, dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo giữa các khu vực khác nhau trong mỗi một quốc gia. Thậm chí, ngay trong mỗi đô thị cũng sẽ dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo. Tạo ra những khu nhà ổ chuột cạnh những khu nhà siêu cao tầng.
Chính vì vậy, ở mỗi quốc gia khác nhau, giữa những nước phát triển trước với những nước đang phát triển cần có cách xây dựng thể chế, cách quản lý đô thị nhằm khắc phục những thách thức trong quá trình phát triển đô thị.
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hoá. Trong khi đó, các nước phát triển đang ở trong quá trình hậu công nghiệp. Do đó, những thách thức trong phát triển đô thị của các nước này không lớn, nếu có thì họ cũng đủ nguồn lực để giải quyết những thách thức đó. Nhưng Việt Nam đang trong thời kỳ đầu của công nghiệp hoá. Chất lượng phát triển công nghiệp của Việt Nam cũng không cao như những nước đi trước. Điều này liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân và hiệu quả sử dụng đất đai.
Do quá trình công nghiệp hoá nên quá trình đô thị hoá tại Việt Nam thời gian qua diễn ra nhanh chóng. Do đó, thể chế để phát triển đô thị ở Việt Nam cũng rất được quan tâm và phát triển thời gian qua, nó có ý nghĩa rất quan trọng trong kiểm soát quá trình phát triển đô thị. Nhằm đảm bảo phát triển đô thị theo cơ chế thị trường nhưng vẫn không thể tách khỏi sự kiểm soát của Nhà nước. Trong đó, công tác xây dựng chiến lược phát triển đô thị ở Việt Nam rất được quan tâm. Nhằm tạo ra những đô thị ở mỗi vùng, miền, địa phương, coi đây là những hạt nhân để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội tại những địa bàn này. Đây cũng là một giải pháp nhằm khắc phục chênh lệch phát triển giữa các vùng và hạn chế tập trung hoá đô thị, đang là thách thức rất lớn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Điều này được thể hiện rõ trong định hướng phát triển hệ thống đô thị của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác quản lý, tổ chức lập các quy hoạch đô thị rất được quan tâm tại Việt Nam. Trong đó, có cả việc đổi mới trong tư duy lập quy hoạch cũng như nâng cao chất lượng lập quy hoạch. Cho nên, hầu hết các đô thị của Việt Nam đã được quy hoạch, phê duyệt. Từ đó, được cụ thể bằng những quy hoạch chi tiết hơn.
Gắn quy hoạch với kế hoạch phát triển đô thị phù hợp với nguồn lực từng địa phương
Bên cạnh đó, công tác quản lý thực hiện quy hoạch được Việt Nam coi trọng. Trong một loạt những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng như: Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, thể hiện trong các nghị định về quản lý đô thị, quản lý các công trình hạ tầng… Trong quy hoạch đó, thực hiện sự liên kết vùng được coi trọng, đặc biệt là sự kết nối hệ thống hạ tầng.
Công tác quản lý quy hoạch được thực hiện trên cơ sở lập kế hoạch phát triển của từng đô thị. Tức là gắn quy hoạch với kế hoạch phát triển đô thị. Gắn thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị với khả năng nguồn lực của mỗi địa phương. Nhằm khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, chủ yếu mở rộng về đất đai, thiếu nguồn lực đầu tư vào hạ tầng nên dẫn đến đô thị có mật độ thấp…
Hệ thống hạ tầng của các đô thị được quan tâm gắn với nâng cao chất lượng đô thị, môi trường đô thị, chất lượng dịch vụ tại các đô thị.
Gắn phát triển công nghiệp, các khu công nghiệp với phát triển đô thị. Các khu công nghiệp phát triển chính là động lực để phát triển đô thị. Do đó, gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị. Lấy trọng tâm phát triển nhà ở để đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động theo xu hướng giảm chi phí cho người lao động. Người lao động làm việc ở đâu thì nơi ở phải ở gần, nơi mua sắm, giải trí, học hành, gửi trẻ phải ở gần đó. Nhờ đó giảm được giao thông con lắc, giảm được đầu tư về hạ tầng trong điều kiện các nước đang phát triển như Việt Nam còn thiếu nhiều nguồn lực để phát triển.
Chúng tôi cũng đang quan tâm đến việc cấu trúc lại thị trường nhà ở, để có được những sản phẩm có chất lượng, diện tích nhỏ, giá phù hợp với người lao động. Trong đó trọng tâm là nhà ở xã hội có sự trợ giúp của Nhà nước, mà người nghèo ở đô thị có thể mua được nhà. Như vậy, người dân vừa có nhà ở đồng thời bộ mặt của đô thị cũng khang trang hơn, tránh được những khu nhà ổ chuột trong khu đô thị. Tiêu biểu như khu nhà Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, có chất lượng tốt, không gian đẹp, kết nối giao thông thuận tiện… Những khu nhà như thế này đại diện cho trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam, giúp Việt Nam tạo ra đô thị phát triển bền vững.
Trước đó, đại diện Ngân hàng Thế giới đã chia sẻ với Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng về những thách thức trong quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam thông qua một nghiên cứu mà cơ quan này đang thực hiện.
Theo đó, cơ quan này cho rằng, Việt Nam cần cải cách hệ thống xếp hạng đô thị, chú trọng hơn vào việc phát triển các đô thị hiện hữu thay vì khuyến khích phát triển thêm đô thị mới. Tăng cường năng lực trong các sở, ngành chuyên trách về quy hoạch đô thị để gắn kết thực tiễn kinh tế – xã hội với việc xây dựng các kế hoạch cụ thể. Quy hoạch tổng thể và quy hoạch xây dựng cần được kết nối với quy trình quản lý ngân sách.