09/06/2017

Bất ngờ với phương án “huy động vốn” xây dựng Sân bay Long Thành

Thảo luận về Dự thảo Nghị quyết tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) thành dự án thành phần, nhiều đại biểu băn khoăn lấy tiền đâu để thực hiện Dự án. Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính (Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) nêu ý kiến về nguồn vốn.

Tổng diện tích đất Sân bay Long Thành, theo thiết kế là 5.000 ha và phải cần thêm 614,65 ha nữa để tái định cư cho 4.730 hộ gia đình, cá nhân và 26 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải di dời, trả lại mặt bằng xây dựng Sân bay Long Thành.

Tổng số tiền để giải phóng mặt bằng xây dựng Sân bay Long Thành và hỗ trợ, tái định cư, theo tính toán của UBND tỉnh Đồng Nai là 23.019,6 tỷ đồng (tính theo đơn giá năm 2017). Tuy nhiên, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2021, Quốc hội mới bố trí cho dự án này 5.000 tỷ đồng.

.
.

Cũng như nhiều đại biểu đăng đàn phát biểu, Đại biểu Trần Văn Tiến băn khoăn: “Vốn đầu tư trung hạn đã phân rồi, số tiền còn thiếu lấy ở đâu ra”. Ông Tiến đề nghị Chính phủ phải làm rõ nguồn kinh phí còn thiếu trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết  thì dự án mới bảo đảm tính khả thi.

Nguồn vốn giải phóng mặt bằng, từ thực tế các dự án khác, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng ngân sách nhà nước phải bỏ ra 100% chứ hầu như không vay được vốn ODA và cũng khó có thể thu hút được nguồn vốn ngoài xã hội tham gia.

Kể cả ngân sách nhà nước “xoay sở” đủ số tiền 23.019,6 tỷ đồng để đền bù, tái định cư thu hồi toàn bộ 5.000 ha đất xây dựng Sân bay Long Thành, ông Phương vẫn lo ngại nợ công sẽ vượt trần.

Nếu giải phóng toàn bộ 5.000 ha, ngoài vấn đề nguồn vốn, nợ công, theo ông Phương còn dẫn đến kém hiệu quả và còn có thể dẫn tới nhiều phức tạp.

“Phải sau 10-15 năm nữa mới sử dụng toàn bộ số diện tích đất đã thu hồi, tức là có một diện tích đất rất lớn thu hồi nhưng chưa sử dụng dẫn tới lãng phí, giảm hiệu quả của dự án, chưa kể, trong thời gian chưa sử dụng dễ xảy ra tình trạng lấn chiếm, người dân có đất bị thu hồi “tái định cư trở lại” dẫn tới mất an ninh trật tự”, ông Phương lo lắng.

Vì vậy, theo ông Phương, để giải quyết bài toán này không nên thu hồi toàn bộ diện tích đất mà sử dụng đến đâu thu hồi đến đấy.

Cũng bàn về số tiền giải phóng mặt bằng, nhưng Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, con số hơn 23.000 tỷ đồng chưa phải là con số cuối cùng vì đây là giá đất năm 2017.

“Theo quy định, giá đất thu hồi phải tương đương với giá đất cùng loại trên thị trường. Thời gian vừa qua, giá đất ở khu vực xung quanh Dự án Sân bay Long Thành đã tăng rất mạnh và sẽ tiếp tục tăng sau khi có quyết định thu hồi đất”, ông Cảnh dự đoán.

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Tổ chức Pham Minh Chính, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, không quá lo ngại số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án Sân bay Long Thành.

Theo ông Chính, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tiết kiệm chi thường xuyên, tinh giảm biên chế không chỉ đủ tiền đền bù, giải phóng mặt bằng mà còn có tiền xây dựng Dự án Sân bay Long Thành.

“Năm 2017 và 2018, chỉ cần tiết kiệm chi thường xuyên 1% và thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối cơ quan quản lý nhà nước đã tiết kiệm được hơn 20.000 tỷ đồng. Cộng với số tiền 5.000 tỷ đồng đã được bố trí trong Kế hoạch đầu tư trung hạn thì thừa tiền giải phóng mặt bằng”, ông Chính tính toán.

“Phương án huy động nguồn vốn của Đại biểu Phạm Minh Chính rất khả thi, Chính phủ nên nghiên cứu kỹ phương án này”, Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ông Lê Thanh Vân lên tiếng đồng tình ủng hộ.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, phương án “huy động vốn” của ông Chính rất khả thi. Thậm chí, theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, chưa cần sử dụng số tiền từ tiết kiệm chi thường xuyên (vì số tiền này còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chi quan trọng hơn như tăng lương, thực hiện chính sách an sinh xã hội…) mà nếu “khéo xoay” vẫn đủ 23.000 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng.

“Chúng ta đã có 5.000 tỷ đồng trong Kế hoạch vốn đầu tư trung hạn, sẽ có thêm ít nhất 4.000 tỷ đồng nữa từ tiền sử dụng 1.200 ha dành cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác; 500 tỷ đồng từ tiền sử dụng phần đất chưa dùng đến; hơn 1.000 tỷ đồng từ tiền cho thuê đất. Như vậy, số tiền 23.000 tỷ đồng gần như đủ”, ông Cường tính toán.

Thậm chí, theo ông Cường, toàn bộ số tiền xây dựng Sân bay Long Thành dự kiến lên đến 16,03 tỷ USD (theo đơn giá năm 2014) cũng không quá lo ngại nếu biết cách khai thác.

Ông Cường cho biết, hầu hết các sân bay trên thế giới, xung quanh sân bay đều hình thành khu đô thị sân bay. Sân bay Long Thành chỉ cách TP.HCM 40 km, cách Biên Hoà 30 km, nếu có giải pháp, quy hoạch xây dựng đô thị sân bay như các nước trên thế giới sẽ có đủ tiền xây dựng Sân bay Long Thành.

“Phần xây dựng nhà ga thì không lo vì đã có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn ra làm. Phần đầu tư còn lại cũng không cần nhiều tiền từ ngân sách nhà nước mà thực hiện các phương án khai thác tại chỗ theo kiểu lấy “mỡ nó rán nó” bằng giải pháp quy hoạch thành phố sân bay”, ông Cường nêu giải pháp.

Với nhiều phương án huy động vốn khả thi được các đại biểu hiến kế, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình Quốc hội thông qua Nghị quyết thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án Sân bay Long Thành và thực hiện giải phóng toàn bộ diện tích 5.000 ha đất cho dự án vì nếu kéo dài thời gian giải phóng giá đất sẽ tăng, tiền đền bù tăng lên, dễ dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện do người giải phóng sau được đền bù với giá cao hơn người trước.

Đặc biệt là sớm giải phóng mặt bằng mới tạo điều kiện cho người dân bị thu hồi đất định cư, ổn định cuộc sống và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mạnh Bôn/Báo Đầu tư