Bài 3: Đừng để “giấc mơ con” làm chậm giấc mơ lớn “hóa rồng”
Là quốc gia biển và có chiến lược kinh tế biển khá sớm nhưng vì sao Việt Nam vẫn chưa khai phá hết tiềm năng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn từ biển? Đâu là những điểm nghẽn? Đâu là tiềm năng và thời cơ vàng đang bị để chậm trễ? Cần làm gì để tháo gỡ những bất cập? Báo Quân đội nhân dân Điện tử tiếp tục ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu…
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia: Giáo sư Đại học Havard đánh giá “mặt tiền Biển Đông” là chìa khóa “hóa rồng”
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, từng tham gia nhóm cố vấn của Thủ tướng trong một cuộc tập huấn, trao đổi kinh nghiệm quản lý với doanh nghiệp quân đội (khi đó phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử có tham gia) đã kể lại câu chuyện đáng suy nghĩ. Thật bất ngờ khi “mặt tiền Biển Đông” lại chính là cụm từ được một giáo sư kinh tế uy tín của Đại học Havard (Hoa Kỳ) nhận xét khi tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô cho Việt Nam.
TS Lê Xuân Nghĩa kể ông từng là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng. Để hoạch định chính sách vĩ mô, lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng giao cho các chuyên gia của tổ tư vấn tham khảo kinh nghiệm, khuyến nghị từ nhiều kênh khác nhau, trong đó có cả kênh từ những nước phát triển nhất.
Có lần nhóm nghiên cứu trong đó có TS Lê Xuân Nghĩa tham gia được giao làm việc với một giáo sư kinh tế nổi tiếng của Đại học Havard (Hoa Kỳ) để trao đổi, lắng nghe những khuyến nghị về chính sách kinh tế chiến lược cho Việt Nam. Nhưng trước khi đưa ra ý kiến của mình, vị giáo sư này đề nghị được tham khảo, nghiên cứu nhiều văn bản, nghị quyết, chiến lược của Đảng, Chính phủ.
Sau khi đã nghiên cứu, tại cuộc làm việc, tổ tư vấn đặt câu hỏi:
– Xin ngài cho biết, Việt Nam có thể trở thành một quốc gia hùng cường được không?
Vị giáo sư đã trả lời:
– Hoàn toàn được!
Ông còn nói thêm: Điều đó được thể hiện rõ trong những chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông đã nghiên cứu và nhận thấy những chủ trương, chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đều là những điều tốt đẹp, tiến bộ, nếu thực hiện tốt thì sẽ giúp đất nước phát triển.
Tuy nhiên, khi tổ tư vấn hỏi sâu về những tiềm năng, lợi thế nào nổi bật nhất để Việt Nam phát triển thì thật bất ngờ, vị giáo sư này lại không nói nhiều về những thế mạnh như nguồn nhân lực dồi dào, nhân công rẻ, tài nguyên khoáng sản… mà nói:
– Về tài nguyên khoáng sản, đất nước các ngài cơ bản không có gì đáng kể. Nhưng các ngài có một thế mạnh không quốc gia nào có được. Đó chính là “mặt tiền” Biển Đông – lợi thế số một hoàn toàn giúp Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường! Việt Nam cần có những chính sách đột phá để phát triển kinh tế biển mà trước hết là chuỗi hành lang bờ biển, “mặt tiền” Biển Đông.
Phát biểu tại Tọa đàm “Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức gần đây, TS Lê Xuân Nghĩa một lần nữa nhắc lại thế mạnh trên. Theo ông, du lịch, nghỉ dưỡng ven biển trong tương lai có triển vọng rất lớn. Có nhiều tỷ phú nước ngoài đã nói rằng, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là “mặt tiền” Biển Đông. Khai thác hiệu quả “mặt tiền” Biển Đông quan trọng nhất vẫn là du lịch, nghỉ dưỡng.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong: Bờ mạnh thì biển vững
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho biết: Tôi kỳ vọng và đánh giá cao những đột phá nổi bật của Nghị quyết 36. Nghị quyết đã có 3 điểm nhấn quan trọng nhất về biển, khẳng định chúng ta đang có sự thay đổi lớn trong nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với nền kinh tế cũng như việc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc trong tình hình mới.
Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển. Ngày nay, biển và kinh tế biển ngày càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, cũng như trong vấn đề an ninh quốc gia. Nhìn lại bức tranh kinh tế biển Việt Nam trong thời gian qua, tuy có những thành tựu đáng kể nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, thách thức.
Chúng ta hiện có những nhận thức chưa đúng về biển, cả về mặt chính trị, kinh tế… Nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của biển có thời kỳ chưa được coi trọng, mới chỉ chú ý đến mấy trăm ngàn km2 đất liền mà chưa quan tâm đến hàng triệu km2 lãnh hải… Bên cạnh đó, thể chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo ra sức mạnh tối đa nhất để phát triển kinh tế biển và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Thể chế, quy hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển đang rất phân tán; thiếu cơ chế liên vùng 28 tỉnh có biển; chưa có một thể chế thống nhất và có đủ quyền lực để chi phối, kiểm soát toàn diện… Trong khi, biển lại khác với đất liền, hầu như không có biên giới cụ thể mà chỉ là ước lệ mà thôi… Vì vậy, trong thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về biển, đảo cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong dài hạn…
Cùng với đó, một số địa phương, một số ngành chưa thực sự gắn kết phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Một số địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch các khu công nghiệp, kinh tế tập trung, các dự án ven biển, trên đảo chưa chú trọng các phương án xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh.
Cần tập trung xây dựng, điều chỉnh thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, đảo kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội. “Bờ mạnh – biển vững”, trước mắt, cần mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm kinh tế ở các vùng biển và ven biển, làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế biển, ven biển trên các vùng, miền của cả nước. Đồng thời, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các khu kinh tế – quốc phòng ở khu vực ven biển và một số vùng biển, đảo, góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh…
PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam – Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cần tư duy mới để Việt Nam chuyển từ kinh tế biển nâu sang kinh tế biển xanh
Trên thế giới, phát triển kinh tế biển xanh (blue marine economy) đang trở thành xu hướng tất yếu và được xem là nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế biển. Ở nước ta, phát triển kinh tế biển xanh cũng không phải là ngoại lệ, khi nền kinh tế biển nâu đang được xem là “vật cản” trên chặng đường phát triển bền vững đất nước. Nói cách khác, kinh tế biển xanh và tăng trưởng xanh sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế biển theo hướng hiệu quả và bền vững để sớm hoàn thành sứ mệnh đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.
Tuy vậy, kinh tế biển xanh và phát triển bền vững kinh tế biển vẫn còn là những vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam, dù nó đã song tồn trong suốt hơn 20 năm thực hiện phát triển bền vững với 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Cho nên, quá trình chuyển từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh” vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, vấn đề quan trọng đầu tiên là nhận thức về tăng trưởng xanh và kinh tế biển xanh của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí rất khác biệt. Ngoài ra, phương thức quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo và quản lý biển theo không gian chậm được thể chế hóa.
Các Bộ, ban, ngành và các địa phương phải xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược trong lĩnh vực liên quan một cách cụ thể, linh hoạt, bảo đảm tính khả thi. Có rất nhiều việc phải làm, nhưng liên quan tới tăng trưởng xanh và kinh tế biển xanh, trong quá trình chuẩn bị kế hoạch cần lấy phát triển bền vững kinh tế biển làm trục chính để điều chỉnh các mối quan hệ giữa: Kinh tế biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng; kinh tế biển với bảo tồn tài nguyên biển; kinh tế biển với bảo vệ môi trường biển; kinh tế biển với bảo đảm an sinh xã hội biển; kinh tế biển với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử và bản sắc văn hóa biển; kinh tế biển với kinh tế ven biển, kinh tế nội địa, kinh tế đảo và kinh tế đại dương.
Cùng với đó, cần quy hoạch không gian biển quốc gia, chú trọng mối liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển và ven biển để phát huy sức mạnh tổng hợp và giảm thiểu các mâu thuẫn trong phát triển các vùng biển, ven biển và đảo.
Đặc biệt, cần huy động đầu tư xây dựng ở ven biển một số Làng Khoa học – Công nghệ biển đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực cả về mặt cơ sở hạ tầng, đẳng cấp thể chế và công nghệ để khuyến khích và thu hút các chuyên gia giỏi tới làm việc dài hạn tại Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển kinh tế biển xanh.
Thiếu tướng, GS, TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng: Xây dựng một số thành phố ven biển thành trung tâm, bàn đạp tiến ra biển
Để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế biển, gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới, cần bảo đảm kết hợp trong xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế biển với quốc phòng, an ninh. Theo đó, kết hợp đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế biển với xây dựng các công trình quốc phòng, phòng thủ dân sự, thiết bị chiến trường… bảo đảm vừa phục vụ quốc phòng, an ninh, vừa phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; kết hợp xây dựng các cơ sở kinh tế biển vững mạnh với xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật và hậu phương vững chắc để sẵn sàng đối phó khi có xung đột, chiến tranh xâm lược…
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng thực lực kinh tế biển, thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và lựa chọn đối tác đầu tư nước ngoài để phát triển các ngành kinh tế biển, trước mắt là lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến các sản phẩm dầu khí; phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, kinh tế biển và công nghiệp đóng tàu; khai thác đánh bắt hải sản; phát triển du lịch và kinh tế đảo; tiếp tục triển khai chủ trương đánh bắt hải sản xa bờ, kết hợp bảo vệ chủ quyền vùng biển, hỗ trợ cho tàu, thuyền của các doanh nghiệp và ngư dân khi có tình huống thiên tai, cướp biển, nguy cấp về sức khỏe, đồng thời giữ vững chủ quyền, an ninh.
Đặc biệt, cần quy hoạch, lựa chọn những thành phố, thị xã ven biển có vị trí thích hợp để xây dựng thành các trung tâm kinh tế, các hải cảng lớn, vừa là “bàn đạp” tiến ra biển, vừa là “đầu tàu” lôi kéo các vùng kinh tế khác ở trong nước cùng phát triển. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng chính sách thu hút ngày càng nhiều dân cư đến ở và lập nghiệp lâu dài trên các đảo, quần đảo, nhất là quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam…
Nguyễn Thảo/Quân đội nhân dân online