24/07/2020

Bài 2: Ngàn năm tiến biển, giữ vững chủ quyền

Từ thuở hồng hoang, cuộc sống của người Việt đã gắn liền với biển. Ba vùng văn hóa lớn (Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Nam Trung bộ, Óc Eo ở miền Nam) đều lưu giữ những dấu tích người Việt Nam mở đất, lấn biển; sống cùng biển và vươn ra biển để mưu sinh, để mở mang lãnh thổ. Do đó, quá trình dựng nước và giữ của người Việt từ ngàn năm nay là một quá trình lấn biển và chinh phục biển khơi. Muốn giữ biển phải gắn với chinh phục, khai thác, làm giàu từ biển.

Nằm trong khu vực Biển Đông, Việt Nam có ba mặt Đông, Nam và Tây-Nam trông ra biển với bờ biển dài 3.260 km, có nhiều đảo và quần đảo lớn nhỏ bao bọc. Với vị trí biển địa chiến lược đặc biệt quan trọng, Việt Nam không chỉ có nguồn tài nguyên phong phú với giá trị khai thác kinh tế lớn, vùng biển nước ta còn giữ vị trí địa chiến lược, an ninh quốc phòng quan trọng.

Để làm rõ những vấn đề được nêu ra trong loạt bài “Đánh thức “mặt tiền” Biển Đông của Báo Quân đội nhân dân Điện tử, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS sử học Nguyễn Nhã, tác giả nổi tiếng với nhiều tác phẩm đặc khảo về Trường Sa, Hoàng Sa và những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

TS sử học Nguyễn Nhã

TS sử học Nguyễn Nhã

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết vai trò của biển đối với sự phát triển của Việt Nam từ xa xưa đến ngày nay như thế nào?

TS Nguyễn Nhã: Đối với người Trung Hoa mà các nhà Nho xưa kia chúng ta ảnh hưởng cho Giang Sơn (Sông núi) là biểu tượng Quốc gia hay Tổ quốc. Song trong dân gian Việt Nam lại thường gọi Đất Nước là biểu tượng cho Quốc gia, Tổ quốc. Đất bao gồm cả núi, đồng bằng; nước gồm cả nước sông ngòi và nước biển.

Ngoài ra theo truyền thuyết về Lạc Long Quân sinh 100 người con, thì 50 con lên núi, 50 con xuống biển. Người con đầu lên núi đã lập ra nước Văn Lang, tức Quốc tổ Hùng Vương, còn 50 con xuống biển đã đi khắp nơi. Từ đó, Bốn biển anh em một nhà. Nên Việt Nam có triết lý “bầu bí” như “Bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, giàn đây có thể là giàn Trái đất”.

Như thế trong dân gian Việt Nam rất quan tâm, tôn trọng biển, chứ không chỉ quan tâm đến Giang (Sông) như người Trung Quốc.

Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy thời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Ảnh tư liệu minh hoạ

Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy thời vua Minh Mạng triều Nguyễn. Ảnh tư liệu minh hoạ

Chính vì lẽ đó, đường biển có ý nghĩa trọng yếu trong bảo vệ quốc gia. Thời Trần đã có hang “Đầu gỗ” ở Vịnh Hạ Long, dùng cọc gỗ chặn vào cửa sông, cùng với đó cắt cử quan Trần Khánh Dư canh giữ biển. Ngoài ra, còn có Cảng Vân Đồn để giao lưu thương mại qua biển. Thế kỷ 17, khi các thương gia phương Tây cũng như người Hoa, người Nhật đến giao thương, nếu ở Đàng Ngoài có Phố Hiến (Hưng Yên), thì Đàng Trong có cảng Hội An (Quảng Nam), đều ở xa Thủ phủ kinh kỳ vì đề phòng giặc ngoại xâm.

Hiện nay, 28 tỉnh thành của Việt Nam có mặt tiền là bờ biển, nên có thể nói kinh tế biển từ nuôi trồng thủy hải sản, đến nghề đánh bắt cá biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ đang trở thành động lực phát triển đất nước. Mặt khác, Việt Nam có nhiều cảng biển, như cảng Vân Phong – cảng nước sâu nhất thế giới tới 40m, 60m, hay cảng Cam Ranh – cảng quân sự tốt nhất thế giới với thành phố biển xinh đẹp Nha Trang.

Nói một cách dễ hiểu về tầm quan trọng của Biển Đông, đó là cứ 4 chiếc tàu đi trên biển thì chắc chắn có 1 chiếc đi qua Biển Đông. Do đó, giao thương Biển Đông quan trọng hàng đầu thế giới và tất nhiên rất quan trọng với phát triển kinh tế Việt Nam, khi đây là cửa ngõ của đất nước ra thế giới.

Các cơ sở hành chính và kỹ thuật trên đảo Hoàng Sa năm 1938. Ảnh tư liệu

Các cơ sở hành chính và kỹ thuật trên đảo Hoàng Sa năm 1938. Ảnh tư liệu

PV: Những bài học kinh nghiệm nhìn từ việc mở mang bờ cõi phía biển trước đây?

TS Nguyễn Nhã: Vào thế kỷ 16, 17, người phương Tây bắt đầu quan tâm đến Biển Đông và giao thương với Đàng Ngoài như Phố Hiến, ở Đàng Trong như ở Hội An. Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã lập Đội Dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải (Trường Sa) đi kiếm sản vật tàu đắm ở Hoàng Sa, trong đó có nhiều súng ống, chủ yếu lấy người ở Cù Lao Ré, tức đảo Lý Sơn nhô ra biển Đông xa nhất, gần với Hoàng Sa nhất. Tại Lý Sơn, có Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào cuối tháng 2 âm lịch.

Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại nhà lưu ở đảo Lý Sơn. Ảnh: lyson.com

Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại nhà lưu ở đảo Lý Sơn. Ảnh: lyson.com

Đến năm 1816, Triều Nguyễn còn cử thủy quân với sự hướng dẫn của Đội Hoàng Sa đi cắm cột mốc chủ quyền, dựng bia, đào giếng, xây dựng miếu thờ và trồng cây… ở Hoàng Sa. Các tài liệu phương Tây còn nói Vua Gia Long đi cắm cờ chủ quyền tại Hoàng Sa và giám mục Taberd còn vẽ bản đồ “An Nam Đại Quốc Họa Đồ” ghi rõ Paracel “seu” Cát Vàng (seu tiếng latinh có nghĩa “hay là”). Như thế rõ ràng các chúa Nguyễn và Nhà Nguyễn đã có công mở mang bờ cõi về phía biển.

Đặc biệt, Lê Quý Đôn hay Đại Việt Sử Ký Tục Biên ở Đàng Ngoài lại ghi rất rõ công lao của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Về phía chính quyền Trung Hoa, khi các công ty bảo hiểm Anh (năm 1898) kiện Trung Hoa để người dân hôi của các tàu đắm của Đức và Nhật ở Hoàng Sa thì chính quyền Trung Hoa nói Hoàng Sa không thuộc địa phận của Trung Hoa. Đến năm 1909, chính quyền Quảng Đông cho Paracel là đất vô chủ nên đã cho tàu chiến đến bắn 21 phát súng và lên đảo cắm cờ chủ quyền của Trung Quốc tại Paracel rồi Trung Quốc bắt đầu gọi Paracel là Tây Sa…

Nhìn từ việc mở mang bờ cõi phía biển, có thể thấy, từ xa xưa, cha ông đã có tầm nhìn xa thấy tầm quan trọng của Biển Đông, nên đã có những hoạt động khẳng định chủ quyền ở những hải đảo xa bờ, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Với chính sách hướng biển hiện nay của Đảng, Nhà nước, bài học trên rất có ý nghĩa. Cùng với những kinh nghiệm của các nước trên thế giới về vấn đề này, khi có sự tranh chấp với các nước láng giềng, sẽ có những chứng cứ mang tính quốc tế, để chính sách hướng biển của ta được thành công tốt đẹp.

Những chiếc thuyền của ngư dân đảo Thổ Chu, Kiên Giang vươn khơi, bám biển. Ảnh: Thu Hà

Những chiếc thuyền của ngư dân đảo Thổ Chu, Kiên Giang vươn khơi, bám biển. Ảnh: Thu Hà

PV: Xin ông cho biết luật pháp quốc tế, kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển kinh tế biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh trên biển hiện nay như thế nào?

TS Nguyễn Nhã: Theo pháp lý quốc tế cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, việc chiếm hữu chủ quyền phải là thật sự và mang tính nhà nước. Luật biển 1982 cũng quy định rất rõ ràng về chủ quyền từ lãnh hải đến lãnh hải mở rộng và khi chồng lấn phải thương thảo cũng quy định rất rõ ràng về chủ quyền từ lãnh hải đến lãnh hải mở rộng và khi chồng lấn phải thương thảo…

Liên hợp quốc cũng có những quy định cấm dùng vũ lực khi có tranh chấp chủ quyền. Vì thế, việc phát triển kinh tế biển và kết hợp quốc phòng an ninh trên biển phải tuân theo Luật biển 1982, cũng như những quy định của Liên hợp quốc.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã quan tâm đến phát triển kinh tế biển, trong đó có phát triển hải quân và các đội thương thuyền hùng mạnh. Các nước như Nhật Bản, Vương quốc Anh đã trở thành cường quốc. Tại sao Việt Nam lại không?

Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố với mặt tiền là biển, có thể tích cực tham gia làm kinh tế biển. Cùng với đó, Việt Nam có nhiều hải cảng tốt. Biển Đông lại là nơi có nhiều mỏ dầu khí vào hàng thứ hai, thứ ba trên thế giới. Nếu Việt Nam có hải quân hùng mạnh và kinh tế bền vững sẽ không bị nước nào xử ép, bắt nạt.

Những chiến sĩ cảnh sát biển sẵn sàng bảo vệ ngư dân và vùng biển Việt Nam. Ảnh: Thu Hà

Những chiến sĩ cảnh sát biển sẵn sàng bảo vệ ngư dân và vùng biển Việt Nam. Ảnh: Thu Hà

PV: Nhận xét, đánh giá của ông về các chủ trương phát triển kinh tế biển mà Nghị quyết 36 và Nghị quyết Đại hội XIII tới đây đề cập?

TS Nguyễn Nhã: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị lần thứ tám, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất đúng đắn về phát triển kinh tế biển có kế hoạch rõ ràng. Muốn giữ vững chủ quyền, Việt Nam phải hùng cường.

TS sử học Nguyễn Nhã và GS Thomas Vallely của Đại Học Harvard.

TS sử học Nguyễn Nhã và GS Thomas Vallely của Đại Học Harvard.

Trong tác phẩm Việt Nam Huyết Lệ Thi Thư, Tập 5 mà tôi là tác giả có đề cập đến vấn đề làm thế nào để Việt Nam trở thành cường quốc biển. Trong đó, những yếu tố khiến Việt Nam trở thành cường quốc có vai trò của thanh niên. Như thanh niên góp phần xây dựng cảng sâu nhất thế giới Vân Phong trở thành cảng trung chuyển, đón các tàu trung chuyển 500.000 tấn, đặc biệt các tàu của Nhật, Mỹ… Hay xây dựng đường cao tốc xuyên Á không qua đèo nào, cao tốc Bắc Nam từ Vân Phong đến cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn; đón các công ty đóng tàu quy mô như Đại Hàn, các đội thương thuyền lớn hay các đội ngư dân đánh cá xa bờ như Nhật Bản, các tỉnh thành có bờ biển xây dựng kinh tế biển như Nhật Bản. Cùng với đó, giáo dục và đào tạo phải làm cuộc cách mạng, sao cho thanh niên có lòng yêu nước, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn hướng về Tổ quốc và giáo dục kỹ năng tư duy sáng tạo như thanh niên Do Thái…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Hà/Quân đội nhân dân online