Khi nào người dân mới có thể “an cư lạc nghiệp”?
52 hộ dân ở khu phố Phố Ga, thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín) đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)… Các kiến nghị được cán bộ, đại biểu HĐND các cấp hứa sẽ “lĩnh hội”, sẽ “báo cáo”, bởi “đây là nguyện vọng chính đáng”… nhưng rồi việc cấp “sổ đỏ” vẫn “án binh bất động”, khiến người dân ngày càng bức xúc.
“Vướng” từ những tồn tại cũ…
Tại khu vực Phố Ga, thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín) hiện có 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng vì xây nhà không có giấy phép. Tuy nhiên, khi các cơ quan có thẩm quyền xử lý 2 công trình lại không nhận được sự đồng thuận của người dân nơi đây? Ông Nguyễn Tiến Vinh, Tổ trưởng Tổ dân phố Phố Ga cho rằng: “Dù cấm, dù xử phạt… các hộ dân vẫn buộc phải xây dựng vì nhu cầu cuộc sống và không có lựa chọn khác…” .
Tìm hiểu thực tế, được biết tại khu vực Phố Ga, thị trấn Thường Tín hiện có 52 hộ là công nhân, cán bộ đường sắt đã san lấp ao làm nhà sinh sống ổn định từ những năm 1980. Hiện hầu hết các căn hộ đã xuống cấp, gia đình nào cũng có nhiều thế hệ cùng sinh sống chung trong một mái nhà nên nhu cầu xây dựng là rất lớn. Tuy nhiên, do chưa được cấp GCNQSDĐ nên khi cơi nới, xây dựng, các hộ đều vi phạm.
Ông Nguyễn Thế Hùng ở tổ dân phố Phố Ga bức xúc: Hầu hết các hộ xây dựng nhà ở từ trước năm 1980. Do Ga Thường Tín không có khu tập thể nên năm 1991, Xí nghiệp Liên hiệp Vận tải đường sắt Khu vực I đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Sơn Bình và UBND huyện Thường Tín, đề nghị cho công trình của các hộ được tồn tại vì không vi phạm phạm vi giới hạn an toàn giao thông đường sắt. Từ đó đến nay, người dân liên tục đề nghị huyện Thường Tín cấp GCNQSDĐ, nhưng UBND huyện Thường Tín chưa bao giờ có văn bản trả lời chính thức nguyên nhân không được cấp GCNQSDĐ. Trong khi đó, bám theo quốc lộ 1A (cũ) về phía đường sắt, có khoảng 100 công trình của các hộ dân khác xây trên đất lấn chiếm, đất giãn dân đã được cấp giấy chứng nhận…(?)
Về vấn đề này, một cán bộ địa chính thị trấn Thường Tín cho biết: Nhiều năm nay, 52 hộ dân ở khu Phố Ga thị trấn Thường Tín đã có đơn gửi các cấp, đề nghị được cấp GCNQSDĐ, song do đất của các hộ có nguồn gốc là đất lấn chiếm, vi phạm hành lang đường dây thông tin của ngành đường sắt, vi phạm Pháp lệnh Đê điều, vi phạm hành lang an toàn đường sắt… nên chưa đủ điều kiện để cấp. Vừa qua, UBND huyện cũng đã quan tâm, họp bàn tìm cách tháo gỡ, giải quyết cho các hộ dân. Cuối năm 2014, ngành đường sắt đã di chuyển đường dây thông tin tín hiệu đường sắt, nhưng vẫn “vướng” hành lang an toàn đường sắt, Pháp lệnh Đê điều. Tuy nhiên, nếu trừ diện tích nằm trong hành lang an toàn đường sắt và trong phạm vi bảo vệ đê thì các hộ vẫn còn đất. Song, việc cấp “sổ đỏ” cho các hộ lại vấp phải những trở ngại khác.
Đến quy hoạch mới
Trước những nguyện vọng hợp tình, hợp lý của 52 hộ dân khu Phố Ga, UBND thị trấn đề nghị UBND huyện Thường Tín xem xét cấp giấy chứng nhận cho các hộ theo quy định tại Điều 101, Luật Đất đai năm 2013. Theo quy định này thì đất của các hộ phải “phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn…” nhưng đến thời điểm hiện tại thì đây chính là điểm “tắc” khi cấp “sổ đỏ” cho các hộ. Ông Lê Văn Điệp, Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín cho biết: Theo “Bản đồ quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo giai đoạn” do Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội lập và đang trình UBND thành phố xem xét thì từ khu vực Chùa Bà đến cổng Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây (bao gồm cả khu vực đất của 52 hộ dân ở khu Phố Ga) được xác định là để trồng cây xanh nên việc cấp GCNQSDĐ lại một lần nữa đứng trước nguy cơ gặp nhiều khó khăn hơn…
Trước thông tin khu dân cư của 52 hộ dân được quy hoạch để trồng cây xanh, nhiều hộ dân nơi đây không khỏi lo lắng. Ngoài đất, công trình của 52 hộ dân khu Phố Ga thì trên dải đất này còn có 101 công trình xây dựng khang trang, đã được cấp sổ đỏ đang đối mặt với nguy cơ phải di dời để nhường chỗ cho quy hoạch dải cây xanh mà không rõ khi nào quy hoạch mới được triển khai…
Trên thực tế, nhiều nơi người dân phải sống với dự án “treo”, quy hoạch “treo” khiến họ phải chịu thiệt thòi vì không được xây dựng, cải tạo nơi ăn chốn ở theo ý muốn… Vì vậy, 52 hộ dân có nguyện vọng, nếu quy hoạch này được phê duyệt thì các cơ quan chức năng phải sớm có lộ trình thực hiện để người dân chủ động xây dựng kế hoạch lo cho cuộc sống, không nên “thả trôi” quy hoạch để rồi cuối cùng người bị thiệt thòi không ai khác vẫn là các hộ dân. Ngoài ra, người dân kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khi lập quy hoạch cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng thực tế để vừa tiết kiệm ngân sách trong việc di dời tái định cư, GPMB, vừa bảo đảm tính khả thi dự án.
Theo Hà Nội mới