Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng Kiến trúc sư nổi bật châu Á
Lần đầu tiên, Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng Kiến trúc sư nổi bật châu Á (SIA-Getz Architecture 2016), khi kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào vượt qua rất nhiều ứng cử viên trong khu vực để giành huy chương vàng cho các công trình thiết kế mang triết lý “kiến trúc hạnh phúc.”
Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore (thứ ba từ trái sang) trao Huy chương vàng cho kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào. (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)
Giải thưởng này của Viện Kiến trúc sư Singapore (SIA) và Getz Bros & Co. (Singapore), ra mắt vào năm 2005, được xét 2 năm một lần. Người dự giải phải được một nhân vật có uy tín đề cử. Hồ sơ xét giải là tối thiểu 5 công trình cùng với thuyết trình về tư tưởng thiết kế của ứng viên.
Giải thưởng công nhận và tôn vinh những kiến trúc sư đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của kiến trúc ở châu Á đồng thời thu hút sự quan tâm của công chúng, khuyến khích các thế hệ kiến trúc sư châu Á tương lai, tôn vinh sự nghiệp kiến trúc của một kiến trúc sư tiêu biểu.
Năm nay, giải thưởng đã chọn ra các bài dự thi đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Pakistan, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam và Singapore.
Phát biểu tại lễ trao giải tối 11/11, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào chia sẻ rằng anh rất vui vì con đường mà anh và các cộng sự đã chọn và theo đuổi đã được ghi nhận. Đó là kiến trúc dành cho cộng đồng, có tính xã hội, bộc lộ những nét văn hóa của những cộng đồng thiểu số, cộng đồng yếm thế để có thể tiếp tục duy trì và phát huy được bản sắc của họ.
“Kiến trúc mà chúng ta hay nói đến là kiến trúc ở đô thị, còn phần rất lớn là những kiến trúc do người dân tự làm. Làm thế nào để những kiến trúc sư chuyên nghiệp có thể thiết kế những công trình cho những cộng đồng như vậy chính là mục tiêu mà chúng tôi theo đuổi lâu nay. Vì vậy, triết lý ‘kiến trúc hạnh phúc’ được hiểu đơn giản chỉ là bản thân người kiến trúc sư phải hạnh phúc, dấn thân vì con người, vì văn hóa của đất đó… Thứ hai là người sử dụng cảm thấy hạnh phúc, điều này có thể đo đếm được qua giá trị và công năng của công trình. Thứ ba là bản thân công trình kiến trúc hạnh phúc, tức là có thể tạo ra một ‘sự ngạc nhiên bền vững,’ tiếp biến và đổi mới truyền thống của vùng đất đó một cách thành công, truyền cảm hứng cho không chỉ khu vực đó mà còn cả các khu vực khác,” kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào xúc động nói.
Đánh giá cao ý nghĩa công việc mà kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đang theo đuổi, ông Richard K.F. Ho, Chủ tịch Ban Giám khảo nhấn mạnh ban tổ chức đã nhận được số lượng tác phẩm dự thi kỷ lục và cuối cùng đã quyết định trao giải cho kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào với những thiết kế mang lại hạnh phúc cho cộng đồng vốn bị bỏ quên trong xã hội hiện đại ngày nay, đặc biệt là những cộng đồng nhỏ ở nông thôn hay những cộng đồng thiểu số vốn có ít tiếng nói…
“Điều quan trọng nhất, theo tôi, là kiến trúc sư Hào, thông qua các tác phẩm kiến trúc của mình, mang lại một ý nghĩa mới cho cuộc sống của những người dân trong nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa bền vững,” ông Richard K.F. Ho nói.
Trong khi đó, ông Ray Simkins, Chủ tịch Getz Bros & Co. (Singapore) – đơn vị đồng hành với giải thưởng lại rất ấn tượng với các công trình kiến trúc mà kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đã thiết kế phục vụ cộng đồng như nhà ở cho nông dân và công nhân, trường cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn… đồng thời cho rằng kiến trúc của anh vượt xa hơn tính bền vững trong một công trình khi nhắm tới sự bền vững văn hóa, một khía cạnh vốn bị lãng quên ở những quốc gia đang phát triển.
Để tiếp tục “nuôi dưỡng” triết lý của mình, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cho hay sắp tới anh và các cộng sự mong muốn sớm lập một trung tâm thử nghiệm để thực hiện các dự án kiến trúc cộng đồng, góp phần giải quyết được mối quan hệ giữa tri thức hàn lâm và kinh nghiệm bản địa dân gian, với mục tiêu tiếp biến và phát huy được cốt lõi giá trị của vùng đất đó.
Trung tâm này, thông qua những con người được đào tạo bài bản là những kỹ sư, nhà công nghệ sẽ tập huấn cho người dân các kỹ năng liên quan đến thiết kế như không gian, vật liệu, kết cấu… để xây dựng một lộ trình mà 5 năm hay 10 năm sau sẽ tạo ra những kiến trúc mới cho chính những vùng đất đó.
Theo MỸ BÌNH/SINGAPORE (VIETNAM+)