Xây dựng đô thị thông minh với mô hình hợp tác “ba nhà”
Việc xây dựng các thành phố thông minh (TPTM) gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đang trở thành xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại, tạo nên cuộc cách mạng về quản lý đô thị. Trong đó, theo các chuyên gia đô thị, mô hình hợp tác “ba nhà” bao gồm: Nhà nước – DN – Trường, viện nghiên cứu sẽ đem lại hiệu quả cao trong quản lý hành chính, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng.
Ảnh minh họa
Phát triển và xây dựng TPTM luôn là chủ đề “nóng” trên thế giới. Nhiều quốc gia đã và đang bắt tay vào xây dựng chiến lược phát triển TPTM như Seoul (Hàn Quốc), New York (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore (Singapo), Amsterdam (Hà Lan)…
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Nhiều TP như Đà Nẵng, Hạ Long… đã triển khai ứng dụng CNTT hướng tới xây dựng TPTM, đặc biệt TP mới Bình Dương đang hợp tác với Tập đoàn Brainport (Hà Lan) áp dụng những kinh nghiệm và hiểu biết của vùng Eindhoven trong việc ứng dụng mô hình kinh tế kiềng ba chân/ba nhà với mục tiêu nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh của chuỗi cung ứng địa phương thông qua việc thu hút các tập đoàn, Cty đa quốc gia đầu tư tại Bình Dương trong thời gian tới.
Với kinh nghiệm phát triển và xây dựng thành công TPTM Eindhoven tại Hà Lan, ông Peter Portheine – Giám đốc phát triển Tập đoàn Brainport (Hà Lan) cho biết: Thách thức mà đô thị các quốc gia trên thế giới gặp phải chính là xu hướng toàn cầu, đô thị hóa, thay đổi khí hậu, tham gia lực lượng lao động, số hóa, nền tảng di động, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Những thách thức này sẽ được giải quyết trong mô hình TPTM.
Theo ông Peter Portheine, chiến lược TPTM áp dụng công nghệ mới nhằm tạo ra môi trường sống tốt hơn; tạo ra cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được chuẩn hóa, đảm bảo an toàn; tự do trong việc thử nghiệm hợp tác công tư; mô hình quản trị mới, tạo môi trường thuận lợi và người dân được tham gia xây dựng TP hiệu quả hơn. Việc ứng dụng mô hình phát triển mới hợp tác ba nhà (Nhà nước/chính quyền; Nhà DN/Cty chuyên ngành và Nhà khoa học/các tổ chức giáo dục và nghiên cứu) của Brainport sẽ tạo ra một thế chân vạc, hợp tác chặt chẽ với nhau để tăng cường hệ thống đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, giải pháp ứng dụng mô hình TPTM không có giới hạn, có thể chuyển giao, tạo ra môi trường làm việc chung không vì lợi ích của một cá nhân nào…
Tại buổi làm việc giữa Bộ Xây dựng với đại diện Tập đoàn Brainport (Hà Lan) mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Việc tìm ra hệ thống công nghệ thông minh được xem như giải pháp nhằm giảm áp lực cho các vấn đề xã hội, môi trường tại các TP.
Mặc dù Việt Nam đã biết đến những kinh nghiệm của Đức, Hà Lan trong phát triển xây dựng TPTM nhưng việc áp dụng mô hình này tại Việt Nam vẫn còn khó khăn bởi hạ tầng kỹ thuật còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ… Những giải pháp thông minh như mô hình “ba nhà” khi được vận hành đồng bộ sẽ tăng tính tương tác giữa người dân và các cơ quan Nhà nước nhằm tạo thành một diễn đàn dân chủ, giải quyết nhiều vấn đề đang tồn tại trong cuộc sống.
Đồng tình với quan điểm trên, các nhà khoa học, chuyên gia đô thị cho rằng, đối với những khu vực mới, được đầu tư tốt nên khi lắp đặt, ứng dụng công nghệ thông minh thì sẽ rất thuận lợi. Nhưng nếu áp dụng vào những TP cũ, quy hoạch thiếu đồng bộ thì sẽ gặp khó khăn vì phải chỉnh sửa, di dời rất nhiều, từ đó giá thành đầu tư sẽ bị đội lên rất cao. Nên chăng, bắt đầu xây dựng TP thông minh từ những việc nho nhỏ như xây dựng khu phố thông minh, con hẻm, con đường thông minh… từ đó phát triển lên…
Linh Đan/BXD