16/03/2015

Theo Infonet Nông dân thiếu đất, ruộng đồng bỏ hoang

Trong khi các nơi đã hoàn thành việc cấy lúa vụ chiêm từ một tháng nay thì gần 250 mẫu ruộng màu mỡ của thôn Mão Chi (xã Dương Quang, H.Mỹ Hào, Hưng Yên) vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc.

Gần 250 mẫu ruộng ở Mão Chi bỏ cho cỏ mọc trong khi nông dân phải đi thuê nơi khác để gieo trồng - Ảnh: Nam Anh

Gần 250 mẫu ruộng ở Mão Chi bỏ cho cỏ mọc trong khi nông dân phải đi thuê nơi khác để gieo trồng – Ảnh: Nam Anh

Theo phản ánh của nhiều hộ nông dân, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là cách làm hấp tấp của chính quyền xã trong việc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa.

Chưa thống nhất đã thi công

Ông Nhiễu, một người dân ở thôn Mão Chi, có hơn 6 sào (360 m2/sào) ruộng hiện vẫn chưa gieo mạ vụ chiêm. Ông cho biết đầu tháng 3.2014, UBND xã Dương Quang bắt đầu phổ biến tới người dân về chủ trương dồn điền đổi thửa, đồng thời tiến hành các cuộc họp bà con trong thôn. Các hộ dân đều ủng hộ việc dồn điền đổi thửa vì sẽ giúp giảm dần lối canh tác manh mún, nhỏ lẻ, đời sống dần nâng cao. Tuy nhiên, sau một vài cuộc họp, mặc dù vẫn chưa thống nhất việc bốc thăm dồn điền đổi thửa, nhận ruộng mới, chính quyền xã đã cho máy móc, nhân lực thi công hệ thống mương nội đồng mới, các bờ thửa cũ bị lật tung, trong khi vụ mùa lại đang tới gần…

“Ảnh hưởng từ vụ bốc thăm dồn điền đổi thửa bất thành khiến phần thi công mương nội đồng bị bỏ lửng, nhiều thửa ruộng bị mất bờ, mưa lớn một chút là không thể xác định được vị trí, việc tưới tiêu gặp rất nhiều khó khăn, năng suất vụ mùa giảm thấy rõ… Vì thế, nhiều nông dân ở Mão Chi phải bỏ luôn cấy hái”, ông Thủy, một nông dân khác nói. Ông Thủy còn cho biết thêm, việc chính quyền xã Dương Quang gấp rút cho thi công hệ thống mương nội đồng đã khiến gia đình ông không thể đem trâu, hoặc máy cày vào ruộng. Phần ruộng nhà ông Thủy bị ngăn cách bởi một con mương khá to. Mỗi lần thăm ruộng, ông và người thân đều phải lội qua rất vất vả. Đây chính là nguyên nhân mà tới nay hơn 4 sào ruộng của gia đình ông vẫn để cỏ dại mọc.

Một người dân khác ở Mão Chi là bà Gia còn cho biết: “Lợi dụng việc san gạt những khu ruộng cao thành ruộng bằng ở cánh đồng Ang để phục vụ công đoạn dồn điền đổi thửa, một số người có “quan hệ” trong xã đã tự ý thuê xe công nông xúc đất đem bán. Cứ thế trong một khoảng thời gian dài, hàng nghìn xe đất tốt được đem bán và hệ quả là nhiều điểm ở cánh đồng Ang biến thành vũng, thành hố sâu không thể cấy hái nổi”. Vẫn theo bà Gia, thời điểm đó mỗi xe công nông đất có giá vài chục nghìn đồng và số tiền thu được không hề nhỏ này hiện chảy vào túi ai thì vẫn không được làm rõ.

Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều giáo viên sinh sống và làm việc trên địa bàn xã (đề nghị giấu tên) nói họ bị gây áp lực, buộc phải về vận động gia đình người thân khẩn trương gieo cấy toàn bộ diện tích ruộng hiện có; nhiều cán bộ, đảng viên khác cũng gặp áp lực như vậy. “Mương máng thì chưa xong, tưới tiêu không đảm bảo, ruộng lại trũng, gieo cấy không đúng thời vụ… cầm chắc mất mùa. Trong khi các loại phân, thuốc trừ sâu vẫn phải bỏ tiền ra để mua, thử hỏi dân chúng tôi cấy hái làm gì cho nó nhọc người”, một giáo viên ở Dương Quang bức xúc.

Đối mặt thiếu đói

Không gieo trồng vụ chiêm, chẳng có nghề phụ, cánh đàn ông trong làng phải rủ nhau đi các địa phương khác làm thuê; còn phụ nữ kéo nhau lên thành phố giữ trẻ thuê… “Làm nông là phải xác định sống chết với ruộng đồng, gieo trồng cấy hái quanh năm. Cứ rời ruộng ra là đói, dù chỉ là một vụ… Thông thường với 8 sào ruộng, gia đình tôi thu hoạch được hơn 2 tấn thóc. Giờ ruộng xấu rồi, mương máng nội đồng không thuận, không canh tác nổi, mấy tháng tới biết kiếm đâu ra tiền để đong thóc ăn”, ông Mai, một người dân Dương Quang, than với chúng tôi. Hiện một người con trai của ông chuẩn bị vào vùng Tây nguyên làm thợ đá, còn vợ chồng ông phải nhận vàng mã về nhà làm để có thu nhập…

Với bà H. thì trong khi hơn 1 mẫu ruộng (10 sào) của gia đình không thể gieo trồng, để có tiền đong thóc cho cả nhà ăn những tháng tới, ngay từ sau tết bà H. đã tất tả đi cấy thuê ở các xã gần đó.

Bà H. còn nhận ruộng ở làng bên rồi cùng con cháu chở mạ sang đó cấy. “Cũng may mà nhiều làng khác họ phát triển nghề phụ, nên mình còn có cơ hội nhận lại ruộng của một số gia đình để cấy lúa ăn. Tới cuối vụ, sau khi thu hoạch xong mình sẽ trả họ bằng thóc. Thông thường với mỗi sào, tỷ lệ chia sẽ là 70/30. Nghĩa là nếu thu được 1 tạ thóc thì mình lấy 70 kg, người có ruộng hưởng 30 kg”, bà H. nói và cho biết hiện đã thuê được 4 sào ruộng của một hộ kinh doanh nghề mộc ở làng bên để cấy vụ chiêm. “Dù vậy, vẫn sẽ không đủ thóc cho cả nhà ăn đến vụ mới”, bà H. than. Ít hôm nữa, bà sẽ phải cùng chồng ngày ngày đạp xe vào nội thành Hà Nội để thu gom đồng nát, kiếm thêm tiền mua gạo cho gia đình.

“Biết làm sao được” !

Trả lời PV Thanh Niên về những phản ánh của người dân, ông Vũ Đình Huấn, Chủ tịch UBND kiêm Bí thư Đảng ủy xã Dương Quang, thừa nhận tình trạng nhiều hộ dân ở thôn Mão Chi bỏ cấy vụ chiêm là có thật. Toàn thôn Mão Chi có 250 mẫu ruộng thì hiện tại chỉ khoảng trên chục mẫu có thể gieo cấy. Ông Huấn cũng thừa nhận trong quá trình triển khai chủ trương chính sách dồn điền đổi thửa tại đây đã nảy sinh một số bất cập như một số tuyến mương nội đồng thi công không đúng với tiêu chuẩn, hạ cấp ruộng thấp hơn so với mức bình thường… Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi về khối lượng đất sau khi “hạ cấp” ruộng được đem đi đâu, sử dụng vào mục đích gì, thì ông Huấn lại không trả lời được.

“Nhiều địa phương khác họ thi công mương máng nội đồng sau khi thực hiện dồn điển đổi thửa thì sẽ chuẩn hơn. Cái này chính quyền xã cũng đã rút kinh nghiệm và sẽ triển khai ngay sau khi hoàn tất dồn điền. Ngoài ra xã cũng tiến hành kiểm điểm cán bộ thôn do dùng máy ủi hạ cấp ruộng xuống thấp. Thời gian tới xã chúng tôi sẽ phải tiến hành san gạt, bổ sung đất cho những thửa ruộng trũng này”, ông Huấn nói.

Cũng theo lời ông Huấn, huyện Mỹ Hào đã thành lập ban chỉ đạo nhằm giúp địa phương khắc phục những bất cập trong công tác dồn điền, đổi thửa. “Trước mắt, xã và ban chỉ đạo đang cố gắng liên hệ với các xã trong H.Mỹ Hào để xem nơi nào còn mạ thừa thì chuyển về cho bà con ở Mão Chi cấy. Nhưng theo kinh nghiệm của người dân, việc gieo cấy muộn hơn so với thời vụ sẽ cho năng suất không được cao. Nhưng biết làm sao được, trong sự cố thế này thì phải cố hết sức để đảm bảo lương thực cho bà con”, ông Huấn nói.

 

 

Đảng viên, giáo viên phải vận động gia đìnhTrả lời PV Thanh Niên về phản ánh các đảng viên, giáo viên được yêu cầu phải về vận động gia đình gieo cấy, ông Vũ Đình Huấn nhìn nhận chi bộ xã đã giao nhiệm vụ tới từng đảng viên phải gương mẫu đi đầu, gieo cấy hết toàn bộ diện tích của gia đình. “Tới giờ phút này các đảng viên đã hoàn thành cơ bản diện tích gieo cấy, chỉ còn một vài đảng viên diện tích cấy chưa được hoàn thành. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo của những trường mầm non, tiểu học hay cấp hai đóng trên địa bàn xã cũng được chỉ đạo về vận động gia đình gieo cấy ngay vụ chiêm…”, ông Huấn nói.

Theo Thanh Niên