KTS Nguyễn Hữu Thiện: Đưa nét cổ kim vào công trình
Năm 1981, giới kiến trúc sư (KTS) Việt Nam mất đi một người anh lớn, một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ KTS đầu tiên của đất nước là KTS Nguyễn Hữu Thiện. Từng giữ chức vụ phó giám đốc Sở Xây dựng kiêm viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng đầu tiên của TP.HCM. Là một giảng viên đại học và công chức của chế độ cũ, vậy mà ông được mời và giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền sau khi đất nước thống nhất. Điều này đủ nói lên tài năng và tầm quan trọng của ông đối với ngành kiến trúc của đất nước.
Một chuyên gia thiết kế chùa
KTS Nguyễn Hữu Thiện tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1939. Khóa của ông cũng là khóa có nhiều KTS tài danh Nguyễn Ngọc Chân, Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Ngọc Diệm, Nguyễn Nghi, Nguyễn Ngọc Ngoạn… Sau khi tốt nghiệp, ông đã mở văn phòng kiến trúc tư khá nổi tiếng ở Sài Gòn.
Ngay cả KTS Huỳnh Tấn Phát, thủ khoa, sau này là chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, rồi phó thủ tướng, cũng từng có thời gian làm việc tại đây. Ông làm việc tại Tổng nha Kiến thiết Sài Gòn, hội viên trong Hội đồng Quốc gia KTS Đoàn, có lúc giữ chức vụ giám đốc Sở Liêm gia cuộc, chuyên xây dựng nhà giá rẻ bán trả góp cho công chức chế độ cũ.
Những KTS người Việt kế thừa trào lưu phong cách Đông Dương của các KTS Pháp chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất sa vào hình thức, đi theo kiểu hoài cổ hay phục cổ. Còn nhóm thứ hai sáng tạo, họ tìm kiếm phong cách kiến trúc hiện đại Việt Nam dựa trên trào lưu kiến trúc hiện đại của nước ngoài nhưng vẫn giữ những nét truyền thống Việt mà hai KTS tiêu biểu là Nguyễn Hữu Thiện và Ngô Viết Thụ.
KTS Nguyễn Hữu Thiện chủ trương sáng tác theo hướng kết hợp Đông-Tây. Ông sử dụng kỹ thuật mới của phương Tây áp dụng trong kết cấu và bố cục không gian nhưng phải phù hợp với thời tiết khí hậu và văn hóa, lối sống của con người Nam bộ.
Một Phật tử thuần thành, cả đời chuyên thiết kế chùa lại thiết kế ngôi nhà thờ Thị Nghè lừng danh.
Ông cũng là một Phật tử thuần thành, đây là lý do giải thích vì sao ông dành rất nhiều tâm huyết để thiết kế rất nhiều ngôi chùa.
Những ngôi chùa được ông thiết kế luôn chú trọng việc bố cục mặt bằng, không gian hợp lý. Nơi lễ bái phải thoáng đãng để không ngột ngạt mùi nhang khói nhưng cũng không thiếu những đường nét công trình theo kiểu truyền thống dân gian quen mắt với mái cong, hoa gió. Họa tiết điêu khắc luôn theo lối xưa gần gũi.
Một ví dụ cụ thể là Tổ đình Ấn Quang trên đường Sư Vạn Hạnh, từng là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1965-1980 và Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM từ năm 1981. Đây là một công trình thể hiện sự giao thoa hài hòa giữa hiện đại và truyền thống với các khối đá xanh sừng sững vững chắc kết hợp với mái ngói đầu đao. Các cửa vòm với hoa văn rồng mây rất đặc sắc. Hệ thống phù điêu các điển tích Phật giáo được sắp đặt hợp lý trong suốt các bức tường kết hợp với sự sắp đặt khéo léo các tượng thờ. Lối bố cục không gian kiểu mới và tiện dụng vừa đáp ứng được yêu cầu một nơi thờ tự trang nghiêm lẫn trụ sở điều hành Giáo hội và nơi ở của giới lãnh đạo Phật giáo miền Nam Việt Nam trước đây.
Hay như tháp Phổ Đồng trong khuôn viên chùa Huệ Nghiêm (huyện Bình Chánh). Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo và quy mô vào hàng lớn nhất Việt Nam. Là nơi chứa hơn 2.000 hài cốt Phật tử, tháp vuông vức, sừng sững với đá xanh, chủ yếu họa tiết ở phần đỉnh và chân tháp, còn dọc thân tháp chỉ có ít hoa văn tròn cộng với điểm nhấn là các họa tiết bông gió vuông màu trắng tạo cảm giác vừa gần gũi vừa sang trọng.
Ở các ngôi chùa khác mà ông thiết kế như chùa Huê Lâm (Cây Gõ, Chợ Lớn), Khánh Quang (Cần Thơ), Hải Vân (Vũng Tàu)… chúng ta cũng sẽ gặp lại phong cách kiến trúc quen thuộc của ông.
Thư viện Quốc gia – dấu ấn để đời
Đỉnh cao sáng tác kiến trúc của KTS Nguyễn Hữu Thiện là công trình Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp TP) do ông chủ trì cùng với KTS Bùi Quang Hanh và Lê Văn Lắm.
Năm 1955, Khám lớn Sài Gòn bị phá bỏ và đến năm 1965 mới bắt đầu khởi công làm thư viện. Để có tiền thực hiện công trình, chính quyền Sài Gòn phải mở bốn kỳ xổ số kiến thiết mới đủ và hoàn tất công trình vào năm 1971.
Tháng 8.2001, Nhà nước đã trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật, đợt 1 cho 15 tác phẩm kiến trúc của 13 tác giả, trong đó có công trình Thư viện Tổng hợp ở TP. HCM do KTS Nguyễn Hữu Thiện thiết kế, cộng tác với các KTS Bùi Quang Hanh và Lê Văn Lắm.
Cấu trúc chính của thư viện rất đơn giản với hai khối hộp lớn tượng trưng cho hai quyển sách dày. Khối hộp đứng là nơi lưu trữ sách, còn khối ngang là nơi đọc sách. Vậy mà nhờ sự thiết kế tài hoa, Thư viện Quốc gia đã trở thành một trong những công trình sáng tạo tiêu biểu nhất do người Việt tự thiết kế và xây dựng trước năm 1975.
Đặc điểm của công trình là thiết kế mái nhô lớn, KTS Nguyễn Hữu Thiện và Bùi Quang Hanh đã dùng con sơn nhô ra đỡ mái, ở đầu hồi đắp phù điêu phượng bay mang đậm nét kiểu trang trí truyền thống. Tường hoa văn mô típ theo con triện rồng phượng đẹp đến sững sờ trải theo những hành lang rộng thoáng. Đặc biệt với khuôn viên đầy cây xanh, một hồ sen súng trải dài và lối đi bắc ngang qua gợi lên những nhà vườn phong thủy, ngay đến hàng rào cũng gợi lên những họa tiết cổ… Đây là những yếu tố kiến trúc rất gần gũi với cuộc sống người Việt xưa. Như vậy, bên cạnh những mảng miếng bê tông, bộ phận của kiến trúc truyền thống làm nhiệm vụ tô điểm cho kiến trúc hiện đại.
Thư viện Quốc gia đẹp đến nỗi cho đến hơn nửa thế kỷ sau rất nhiều người vẫn nhầm tưởng khi nghĩ rằng nó được thiết kế bởi một KTS tài danh khác là Ngô Viết Thụ.
Năm 2001, công trình Thư viện Khoa học tổng hợp TP đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đợt đầu tiên.
Phật tử đi thiết kế… nhà thờ
Thật khó hình dung một Phật tử thuần thành, cả đời chuyên thiết kế chùa, lại được mời thiết kế nhà thờ. Nhưng cha sở Hồ Văn Huôi của nhà thờ Thị Nghè lại không nhầm khi quyết tâm mời KTS Nguyễn Hữu Thiện thiết kế ngôi nhà thờ có bề dày truyền thống ở đất Sài Gòn này. Ông Thiện cũng đã cho thấy kiến thức uyên bác của mình với nhà thờ để sáng tạo ra một công trình tôn giáo vừa mang phong cách Rô-man (Pháp) lại có dáng dấp tháp Việt cổ.
Điểm đặc trưng nhất của nhà thờ Thị Nghè là tháp chuông mới được thiết kế thẳng đứng có mái cong lợp ngói ống, dọc theo thân tháp những bông gió làm theo mô típ trang trí truyền thống Việt xưa. Bông gió cũng chia làm hai nhóm, nhóm một là bông gió nhỏ, kết hợp lại với nhau thành ba cụm, chạy dọc từ phía trên tháp chạy xuống. Nhóm hai là khối bông gió thật lớn chia ra theo ba hướng với những đường nét lớn rõ ràng, đẹp, mang đặc trưng nét Việt, có thể thấy từ rất xa.
Cổng ra vào được làm theo kiểu tam quan có mái ngói đỏ, gợi nhớ những cổng làng xưa.
Thật tiếc là gần đây khi tu sửa lại, nhà thờ Thị Nghè đã loại bỏ hết các chi tiết truyền thống để biến thành một nhà thờ thuần chất Rô-man khiến lớp hậu sinh không còn cơ hội chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo như vậy nữa.
KTS Nguyễn Hữu Thái, học trò ruột của KTS Nguyễn Hữu Thiện: Thầy mang nét đặc trưng Nam bộ Thầy Thiện được chúng tôi gọi là “Bon Papa” (ông bố tốt bụng) vì ông sinh ra ở Tân An, Long An, là một người mang nét đặc trưng Nam bộ thuần chất. Ông rất hay cười, tính cách hiền hòa, xuề xòa, dễ mến với các sinh viên. So với KTS Ngô Viết Thụ thì thầy Thiện thiên về yếu tố cổ nhiều hơn, khai thác nét dân tộc nhiều hơn do học Trường Mỹ thuật Đông Dương. Thầy lấy vợ là hiệu trưởng một trường mẫu giáo ở trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Điều đáng tiếc là các con thầy không ai nối nghiệp cha cả. |
Phạm Trường Giang
Theo Plo.vn