Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh: Làm nghề chứ không kinh doanh nghề
Danh hiệu Kiến trúc sư của năm 2016 tại Ashui Awards 2016 một lần nữa khẳng định tên tuổi và tài năng của KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh – đồng sáng lập và CEO của Công ty MIA Design Studio.
Với nhiều danh hiệu và giải thưởng trong và ngoài nước về kiến trúc, ông đã đưa MIA Design Studio trở thành một thương hiệu có mặt cả ở nước ngoài. Tuy nhiên, danh hiệu không phải là đích đến của kiến trúc mà nằm ở giá trị của công trình. Và, danh hiệu cũng không phải là mối bận tâm của người đàn ông này sau 12 năm đứng đầu một doanh nghiệp…
Nhắc đến tên ông cũng là nhắc đến những giải thưởng kiến trúc mà không phải kiến trúc sư nào cũng đạt được. Ông đón nhận những thành quả đó với tâm thế nào?
– Tôi chưa bao giờ nghĩ những tác phẩm mà MIA Design Studio làm ra là để thi thố giành giải thưởng. Giải thưởng lớn nhất của MIA Design Studio là lòng tin của chủ đầu tư và giá trị sử dụng mà công trình đó mang lại cho cộng đồng. Tôi đón nhận điều đó với tâm thế của người chưa bao giờ nghĩ mình đã đủ hoàn hảo. Chúng tôi nhìn nhận mình đang có cơ hội làm cái mình muốn. Mười hai năm thành lập công ty không phải là dài, như chỉ mới bắt đầu thôi, nhưng cũng mang đến sự thú vị và niềm tin vào mục tiêu mình gửi gắm.
Vậy thì giá trị và mục tiêu mà MIA Design Studio gửi gắm mà ông vừa nói, là gì?
– Nhiều thế hệ kiến trúc sư đã đổ công sức tìm yếu tố bản địa cho sự phát triển của kiến trúc Việt Nam. Chúng tôi cũng tự thấy mình phải có trách nhiệm để góp phần vào tạo ra bản sắc riêng đó. Công năng của công trình là quan trọng, song yếu tố bản địa trong thiết kế chính là hồn cốt.
MIA Design Studio có ba mảng kiến trúc, nội thất, cảnh quan. Nhưng sau mỗi công trình, điều chúng tôi nhận ra không có ranh giới giữa ba mảng đó. Phải vận dụng kiến thức của cả ba để xóa nhòa yếu tố không gian trong và ngoài. Giá trị sử dụng phải là đích đến cao nhất.
Vấn đề của kiến trúc và nội thất cũng giống như mối liên hệ giữa ăn và mặc. Ta không thể ăn một món vì người khác bảo nên ăn, nhưng chuyện mặc thì có thể. Ngoài dáng vẻ cơ thể, ta mặc còn để cho người khác nhìn nữa. Cái nào cũng quan trọng. Mối quan hệ đó là sự tiếp nối dẫn dắt từ bên ngoài vào bên trong, phải tự nhiên nhất.
Ở góc nhìn của ông, kiến trúc Việt Nam đang phát triển theo xu hướng nào?
– Với kiến trúc, xu hướng chính hiện nay là làm sao để tiết kiệm, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, tránh ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Nội thất cũng đi theo xu hướng đó. Tuy nhiên xu hướng chỉ là một khía cạnh. Mối quan tâm lớn hiện nay là sử dụng vật liệu. Các loại sơn có chất độc đang dần bị kiểm soát chặt chẽ, nhất là ở các công trình cao cấp. Ở những công trình như khách sạn, các tiêu chuẩn xanh phải được chứng minh bằng vật liệu sử dụng sạch.
Ông có lo ngại sự thiếu định hướng sẽ khiến không thể đáp ứng những tiêu chuẩn về kiến trúc xanh đang được cổ súy trên toàn cầu?
– Tôi không lo ngại điều đó theo khía cạnh bi quan. Năm năm trước đây hầu như không ai nhắc đến kiến trúc xanh, nhưng bây giờ điều đó đang được cổ súy thì đã là sự khởi sắc. Lộ trình kiến trúc xanh từ không có đến có phải vài chục năm chứ không thể nói là làm được ngay. Nếu hiện tại chủ đầu tư và kiến trúc sư làm được theo tiêu chuẩn đó thì phải cổ vũ họ. Mỗi ngày một chút để dần dần phát triển.
Xin lỗi, bản thân ông thấy mình là kiến trúc sư hay doanh nhân nhiều hơn?
– Càng ngày tôi càng muốn rời xa chuyện kinh doanh, nói thật là không đặt hết sự quan tâm vào kinh doanh. Tôi vẫn nói với cộng sự và nhân viên rằng mình làm nghề chứ không kinh doanh nghề. Có nhiều chủ đầu tư tìm đến tôi, mang cả bọc tiền để đặt hàng. Thật tình thì cũng ham. Họ là khách hàng mà mình phải duy trì sức sống của doanh nghiệp.
Nhưng không phải ai tôi cũng nhận lời. Ai đã sống với nghề mới hiểu được vì sao mình lựa chọn lời từ chối. Người ta nói ra biển lớn không phải là bắt ngay con cá lớn mà phải làm sao đi đến cái đích đã chọn. Một hành trình dài luôn là từ những đoạn đường ngắn.
Khi lựa chọn thái độ với nghề như vậy, làm cách nào để ông duy trì doanh nghiệp? Ban đầu khi thành lập MIA Design Studio, ông định hướng phát triển như thế nào?
– Nói thật lòng, tôi có nhiều cơ hội để kiếm tiền với nghề hay các ngành liên quan khác, từ thi công, vật liệu, mở quán cà phê, dạy học… Tôi từng đặt ra câu hỏi đó và tự trả lời bằng một câu hỏi khác: “Để làm cái gì nhỉ?”.
Ban đầu, MIA định hướng phát triển ở nhiều lĩnh vực liên quan đến nghề. Tôi đã mất đến bảy năm để toàn tâm cho mục đích đó với suy nghĩ và hành động như một người chủ doanh nghiệp thực sự. Sau tám năm, tôi mới nhận ra mình đã “lãng phí” quá nhiều thời gian cho công việc bên ngoài kiến trúc.
Bây giờ là lúc tôi phải trở lại với công việc thực sự của mình là chuyên môn của một người làm nghề; là lúc tôi có thể đặt hết tâm trí vào những ý tưởng sáng tạo mà không bị chi phối bởi việc khác. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tôi bỏ công việc điều hành doanh nghiệp.
Tìm cái tốt nhất trong cái tệ nhất
Làm cách nào để ông vẫn kiểm soát được ranh giới giữa một kiến trúc sư và công việc của một doanh nhân?
– Tất cả công việc liên quan đến yếu tố thương mại của MIA Design Studio, tôi giao cho một bộ phận chịu trách nhiệm. Tất nhiên tôi vẫn phải kiểm soát hồ sơ, bản vẽ từ ban đầu đến khi hoàn thiện. Nói không còn quan tâm đến quản lý nữa là bởi tôi tin vào bộ máy nhân sự và cách điều hành Công ty đã thiết lập lâu nay, đã “chạy” ổn định.
Cả Công ty có gần 100 người, nhiều bộ phận với những công việc ăn khớp một cách nhịp nhàng thì người chủ không còn phải lo lắng nữa. Chính họ giúp tôi làm đúng công việc của một kiến trúc sư. Điều mà tôi quan tâm nhất bây giờ là những sản phẩm mà MIA Design Studio đưa ra như thế nào.
Ở vai trò đứng đầu doanh nghiệp, điều tôi ngại nhất là những quyết định vượt ngoài tầm kiểm soát. MIA Design Studio quan tâm đúng mức kết quả mà công trình mang đến cho người sử dụng. Nếu mải mê nhận nhiều hợp đồng mà không kiểm soát được chất lượng và mỹ thuật thì vô cùng tai hại.
Nhiều khách hàng tìm đến nhưng không phải ai ông cũng nhận lời, vậy điều kiện tiên quyết nào để ông hợp tác?
– Có thể bạn bất ngờ nhưng sự thật là tôi từ chối khoảng hai phần ba số khách hàng tìm đến. Khi nói không với kinh doanh trong lĩnh vực này, tôi biết là rất khó khăn. Cũng chẳng phải để chứng minh cái tôi của mình hay thể hiện sự bảo thủ. Tôi thích mỗi sáng thức dậy đi làm luôn cảm thấy hôm nay là ngày tuyệt vời của một kiến trúc sư.
Tôi có quan niệm rất rõ ràng về nghề: con người là trung tâm của mọi tác phẩm kiến trúc. Sản phẩm của kiến trúc sư phải mang lại lợi ích cho cộng đồng về tính thẩm mỹ, sự bền vững, thân thiện với môi trường. Một công trình làm xong, mang lại niềm tự hào cho chủ đầu tư nhưng tạo thêm gánh nặng về biến đổi khí hậu thì vô nghĩa.
Mình phải có trách nhiệm chia sẻ với chủ đầu tư để họ trả lại cho tự nhiên cái gì đó để tạo sự cân bằng. Khi cả hai không có cùng hệ quy chiếu hoặc góc nhìn, tốt nhất là không nên hợp tác. Thứ hai, kiến trúc sư không phải là họa viên. Khi tư vấn cho khách hàng về cái nên và không nên đối với một công trình, về sự phù hợp hoặc không phù hợp mà không đạt được sự đồng thuận, thì tốt hơn là dừng lại.
Theo góc nhìn của ông, làm thương mại trong kiến trúc có khó không?
– Tôi vẫn liên tưởng đời sống của kiến trúc giống đời sống âm nhạc hiện nay. Người ta vẫn nói nghệ sĩ làm nghệ thuật chân chính, không chịu chạy theo các yếu tố thị trường thì thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, làm kiến trúc kiểu họa viên như ca sĩ thị trường thì sẽ giàu có. Thực chất những nghệ sĩ chân chính vẫn phải sống và cộng đồng vẫn dành cho họ môi trường để tiếp tục sống và tạo ra các giá trị chân chính.
Việc MIA Design Studio mở văn phòng tại Bali, Indonesia có thể xem là kết quả của thành công về thương mại không, thưa ông?
– Chúng tôi mở rộng MIA sau khi ngày càng có thêm nhiều lời đề nghị của khách hàng nước ngoài. Việc quản lý văn phòng Bali được đồng sự Steven đảm nhiệm. Bali là nơi cho tôi nhiều cảm hứng về con người, thiên nhiên, kiến trúc, cảnh quan.
Ở đấy mọi thứ đều tuyệt vời, tất cả cô đọng trong một vùng đất. Chúng ta đang hội nhập với khu vực, kiến trúc Việt Nam cũng nằm trong hơi thở đó. MIA Design Studio định hướng mở rộng với mục tiêu là được làm điều mình thích, mang lại những giá trị đích thực cho cộng đồng, dù ở trong hay ngoài nước.
Người ta vẫn nói làm nghề kiến trúc là cuộc hành trình đi tìm cảm hứng, vậy ông tìm kiếm nó ở đâu?
– Cách làm việc của tôi khá đơn giản. Tôi không bao giờ hứng sảng. Mọi thứ đều là kết quả của logic. Một tác phẩm tốt đầu tiên là phải có hồn. Nó là sự kết hợp hoàn hảo và phù hợp từ thẩm mỹ đến công năng với không gian tọa lạc.
Mỗi công trình có giá trị tương ứng và chỉ phù hợp với không gian ở đó thì mới tạo được cái hồn. Không thể bê nguyên xi từ điểm B đặt vào điểm A. Làm đúng tỉ lệ là điều đơn giản nhưng để nó tạo được hiệu quả cho cộng đồng ở đó mới là ý nghĩa cuối cùng. Đó cũng là giá trị mà chúng tôi luôn tìm kiếm.
Với tôi, kiến trúc là một nghề thật đẹp. Ở đó có mối liên hệ về ngôn ngữ, âm nhạc, hội họa, văn học. Tôi tìm cảm hứng từ đó và từ trải nghiệm thực tế. Kiến trúc và các môn nghệ thuật khác không chỉ là sự kết hợp thuần tuý, mà còn làm cho cuộc sống thay đổi, từ những tác phẩm có tính định hướng và kế thừa.
Ông có bao giờ đo đếm mỗi sản phẩm sáng tạo, sự tác động từ cảm hứng chiếm bao nhiêu phần trăm trong kết quả cuối cùng?
– Sự trải nghiệm là cần thiết với kiến trúc sư nhưng không phải ở chỗ nhiều hay ít tuổi mà là tư duy và tiếp nhận. Từ những trải nghiệm trong những cuộc đi, quan sát, ghi nhận, tôi đặt ra cho bản thân những nấc thang mới để không dậm chân tại chỗ, không hài lòng với những gì có được. Tôi vẫn tự áp đặt tinh thần của người khởi nghiệp, tức là mọi thứ chỉ mới bắt đầu.
Có bao giờ những khó khăn về kinh doanh hoặc trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp làm cảm xúc về kiến trúc của ông giảm sút?
– MIA đã từng trải qua khủng hoảng vì nguồn việc khan hiếm và tài chính khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự suy thoái của nền kinh tế nước nhà những năm 2008 – 2013. Như ông bà mình nói cái khó ló cái khôn, mình cố gắng tìm kiếm cái tốt nhất trong cái tệ nhất để mà đứng dậy. Điều tôi hài lòng là đến giờ mình vẫn giữ được lòng trung thành với những nguyên tắc đặt ra, cả về cá nhân lẫn vận mệnh của doanh nghiệp.
Ông vẫn nói với nhân viên “làm như chơi, chơi như làm”. Ông muốn truyền tải thông điệp gì trong câu nói đó?
– Kiến trúc là sự tự do sáng tạo. Tôi muốn người của MIA Design Studio xem công việc là một cuộc chơi thú vị và đặt hết sự quan tâm vào đó. Khi chúng tôi ngồi vào bàn làm việc với ý thức rằng đang tìm thấy ý nghĩa công viêc từ một cuộc chơi hết sức thoải mái thì cũng là thể hiện trách nhiệm với công việc. Và có quyền tận hưởng niềm vui đó sau giờ làm việc hết mình.
Cám ơn những chia sẻ thú vị của ông!
Lạc Lâm thực hiện
(Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)