Gói tín dụng 50.000 tỷ: Nhiều kỳ vọng nhưng cũng không ít băn khoăn
Thông tin về việc chuẩn bị có một gói tín dụng 50 nghìn tỷ dành cho phân khúc nhà ở thương mại đang có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường bất động sản(BĐS).
Giới kinh doanh BĐS thì vui mừng đón nhận bởi trong bối cảnh thị trường hiện nay được bơm thêm một “liều thuốc” mạnh như thế sẽ có những tác động tích cực.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến dè dặt đón nhận thông tin này khi đề cập đến tính khả thi, bởi gói 30 nghìn tỷ sau một thời gian dài triển khai vẫn chưa đạt hiệu quả như ý muốn hay như gói liên kết 4 nhà 50 nghìn tỷ cách đây chưa lâu của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam cũng gây xôn xao dư luận rồi “chết yểu”.
Lãi suất 7%/năm, người tiêu dùng sẽ cân nhắc
Thông tin về gói tín dụng hỗ trợ 50.000 tỷ đồng cho phân khúc nhà ở thương mại ổn định trong vòng 10 năm với lãi suất 7%/năm vừa được đại diện Bộ Xây dựng đưa ra ngay lập tức đã tạo ra những dư luận tích cực trên thị trường BĐS.
Với giới đầu tư và kinh doanh BĐS thì gói tín dụng này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết mạnh mẽ lượng hàng tồn kho và tăng tính thanh khoản trong thời gian ngắn.
Theo ông Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Maxland thì nếu gói hỗ trợ tín dụng này được thông qua sẽ có tác động rất lớn đến thị trường BĐS hiện nay.
“Chỉ cần 1/3 của gói tín dụng này sẽ hỗ trợ được thêm ít nhất 15.000 người mua nhà. Trong khi đó, theo thống kê thị trường sơ cấp Hà Nội trong năm 2014 độ hấp thụ là 16.000 sản phẩm. Từ đó có thể thấy trong thời gian tới chỉ cần 1/3 của gói này đã giúp giải quyết lượng hàng lớn như thế nào cho thị trường. Trong khi đó, năm 2015 thị trường sẽ đón nhận một lượng lớn nguồn cung từ nhiều dự án đang triển khai hiện nay, gói tín dụng này sẽ thực sự là một liều “thuốc bổ” tiếp thêm sinh lực cho thị trường BĐS đang trên đà hồi phục mạnh mẽ hiện nay”, ông Diễn nói.
Ông Diễn cho rằng, gói 50.000 tỷ đồng sẽ giúp được cho doanh nghiệp tăng thanh khoản, giúp thị trường phát triển ổn định, đặc biệt là các đối tượng mua nhà.
Hiện nay, mức lãi suất vay thương mại khoảng 10,5 đến 12%/năm, nếu người mua nhà được vay với mức lãi suất ổn định 7%/năm và thời hạn lên đến 10 năm thì sẽ giải được bài toán khó khăn về tài chính cho người mua nhà hiện nay.
Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BĐS Thế kỷ (Cengroup) thì thông tin về gói tín dụng này đã có từ lâu và đây là gói tín dụng được các ngân hàng thiết kế đặc thù cho thị trường BĐS.
Ông Hưng cho rằng, gói tín dụng này cũng sẽ có ảnh hưởng tới thị trường nhưng mức độ không lớn bởi hiện nay người mua nhà ở thị trường Việt Nam không quá phụ thuộc vào ngân hàng (chỉ có khoảng 15 đến 20% là phải phụ thuộc vào ngân hàng).
Các đối tượng phụ thuộc vào ngân hàng nhiều nhất chủ yếu là giới đầu tư.
“Trên thị trường Hà Nội hiện nay nhiều dự án như: Gamuda hay Vincom còn đang cho vay với lãi suất 0% trong 3 năm đầu tiên, thậm chí mua xong còn được chủ đầu tư cam kết thuê lại như thế có nghĩa người mua nhà còn được tiền mà nhiều dự án vẫn còn đang khó khăn trong khâu bán hàng. Với mức lãi suất 7% thì chắc chắn người mua nhà sẽ còn phải cân nhắc, vì thế gói tín dụng này chưa chắc đã ảnh hưởng nhiều lên thị trường”, ông Hưng nói.
Không ít băn khoăn
Bên cạnh những kỳ vọng về gói tín dụng này cũng còn khá nhiều ý kiến dè dặt. Cho vay trong vòng 10 năm đầu với lãi suất 7% và sản phẩm trong gói tín dụng này là nhà ở thương mại.
Hiện nay, đối tượng vay vẫn chưa rõ cụ thể thành phần nào? Áp dụng đối với những dự án như thế nào?… và còn rất nhiều câu hỏi liên quan đặt ra.
Theo đại diện một doanh nghiệp thì hiện vẫn chưa có những thông tin cụ thể, chính xác về gói tín dụng này nên vẫn chưa dám có nhận xét đánh giá.
Tuy nhiên, thực tế qua triển khai gói 30.000 tỷ thì người mua nhà cũng không nên kỳ vọng quá nhiều.
Trong khi đó, gói 30.000 tỷ còn có nhiều quy định rất rõ ràng, đối tượng nào được vay, ở những dự án như thế nào, căn hộ ra sao, diện tích bao nhiêu… mà còn khó khăn, tiến độ giải ngân, cho vay rất chậm thì một gói tín dụng mới chưa rõ thông tin cụ thể thì vẫn còn nhiều vấn đề rất mơ hồ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Maxland cũng cho rằng, qua nhiều cuộc hội thảo, tổng kết đều đưa ra vấn đề rằng gói 30.000 tỷ tắc nghẽn mấu chốt là nằm ở khâu thực hiện.
Nếu thực hiện đúng chính sách thì các đối tượng được vay đã không gặp nhiều khó khăn đến vậy.
Do đó, với gói 50.000 tỷ này vẫn chưa có những thông tin cụ thể thì việc thực hiện ra sao là điều rất đáng phải bàn.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu hạ tầng và phát triển đô thị, nhà ở phổ cập là nhà cho người có thu nhập trung bình có thể tiếp cận với giá phải trả hàng tháng chiếm 30% tổng thu nhập.
Nhà ở phổ cập cho tầng lớp thu nhập trung bình ở Hà Nội, với mức thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm, có khả năng mua nhà với giá 500 – 600 triệu đồng diện tích 50 – 60m2, tương đương 10 triệu/m2.
“Nếu thúc đẩy loại nhà này, người có 500 – 600 triệu có rất nhiều và là nhà thương mại, không phải xét, ai muốn mua thì mua. Thúc đẩy điều này sẽ có cầu, còn hiện tại giá nhà quá cao, nếu giảm còn 10 – 12 triệu đồng cũng không ai mua vì các dự án này ở ngoài thành phố, quá xa khu trung tâm. Do đó điều quan trọng nhất là phải phát triển được loại hình nhà ở giá rẻ để giải quyết được nhu cầu nhà ở cho người dân. Việc dùng các chính sách về kinh tế can thiệp vào thị trường là điều hoàn toàn không nên.”
Theo CAND