Đình Cổ Chế đối mặt nguy cơ đổ sập
Đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng từ 2-3 năm nay, nhưng đình Cổ Chế, xã Phúc Tiến, Phú Xuyên, Hà Nội vẫn mòn mỏi từng ngày chờ kinh phí tu bổ. Đáng chú ý, bên trong ngôi đình gần 300 tuổi là các mảng chạm khắc tinh xảo được đánh giá là đỉnh cao của kiến trúc nghệ thuật dân gian.
Xót xa đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc
Mái đình xập xệ được che đậy bằng vài mảnh bạt, từng mảng tường mốc meo, bong tróc, dột nát. Những cấu kiện gỗ, cột kèo, gần như đã bị mục ruỗng. Hàng chục cây cột được dựng lên để chống ngôi đình giờ đây chỉ chờ sập. Ngay cả tấm Bằng xếp hạng di tích cấp thành phố được cấp năm 2004 cũng bị… mối ăn tả tơi. Cái duy nhất còn nguyên vẹn là những mảng chạm khắc hình nghê, rồng, các hoạt cảnh sinh hoạt dân gian cực kỳ tinh xảo mà hiếm ngôi đình nào có được. Đó là hiện trạng của đình Cổ Chế có tuổi đời gần 300 năm nằm tại xã Phúc Tiến, Phú Xuyên, Hà Nội.
Theo ông Phạm Văn Ấm, thủ từ đình Cổ Chế, cách đây 3 năm khi ông tiếp quản đình đã rơi vào tình trạng này. Mái đình khi đó đã sụp xuống, nhiều đoạn đứt gãy. Mỗi lần mưa gió, ông đều nơm nớp lo sập. Bản thân ông cũng đã được yêu cầu chuyển ra khỏi đình để đảm bảo an toàn. Ông Kiều Xuân Tiến, Trưởng thôn Cổ Chế cho biết thêm, ngoài các cuộc hội họp, lễ lạt, trước đây, ngôi đình còn là chỗ cho các cháu mầm non trong thôn học. Tuy nhiên, sau khi đình có dấu hiệu xuống cấp, mọi người dân trong làng đều được khuyến cáo không nên ra vào ngôi đình vì nó có thể sập bất cứ lúc nào. Các cụ cao niên trong làng, ngày ngày đi qua ngôi đình, nhìn thấy tình trạng đó đều hết sức xót xa, vì trước ngôi đình sừng sững, uy nghi, nay lại trở nên đổ nát, xập xệ đến mức không nhận ra. “Đình xuống cấp như thế nhưng chẳng ai ngó ngàng tới. Một mai mà đình sập thì thật là có lỗi với tổ tiên, với cha ông” – cụ Phạm Văn Đoàng, 86 tuổi rầu rĩ nói.
Xin nâng hạng để được “cứu”
“Tôi quá ngỡ ngàng và giật mình khi nhìn thấy những hình ảnh trong di tích” – TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học cho biết khi trực tiếp vào bên trong ngôi đình. Ông Nguyễn Hồng Kiên cho rằng, những mảng chạm khắc tinh xảo trong đình Cổ Chế là cực kỳ hiếm có, gần như không còn tìm thấy trong những ngôi đình cùng thời. Nó thể hiện phong cách nghệ thuật của thế kỷ 17 dưới thời nhà Lê, được đánh giá là đỉnh cao trên cả phương diện lịch sử và mỹ thuật. Với tình trạng này, ông cho rằng nếu chỉ dùng một vài phương án tạm thời để “cứu chữa” thì chẳng mấy mà ngôi đình sẽ lâm nguy!
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hồng Cương, Chủ tịch UBND xã Phúc Tiến cho biết, trước tình trạng xuống cấp trầm trọng của đình Cổ Chế, năm 2013, ngân sách huyện đã chi 90 triệu đồng để chống sập, chống dột và mối cho ngôi đình. Phần mái ngôi đình cũng mới được lợp bằng bạt, tuy nhiên khi dỡ ra thì vẫn còn rất nhiều mối mọt. Song, với số tiền như vậy thì không thể là lấy chỗ nọ, bù chỗ kia, chẳng đáng là bao so với hiện trạng hư hỏng, xập xệ ngôi đình. Hơn nữa với thẩm quyền và chuyên môn của xã không thể xử lý được những kiến trúc phức tạp của ngôi đình.
Tháng 2-2014, Sở VH-TT&DL, huyện Phú Xuyên và xã Phúc Tiến đã xây dựng hồ sơ gửi lên thành phố đề nghị nâng hạng cho di tích, để xin nguồn vốn trùng tu, tu bổ ngôi đình. Ông Vũ Hồng Cương cho biết thêm, từ đầu năm nay, UBND huyện Phú Xuyên cũng đã gửi tờ trình lên thành phố đề nghị cấp kinh phí tu bổ, dự kiến là 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đề nghị trên vẫn chưa được duyệt. Trong khi mòn mỏi chờ nâng hạng, chờ xét duyệt kinh phí từ Trung ương, thì những người dân trong làng vẫn “ăn không ngon, ngủ không yên”, chỉ lo một ngày đình sập xuống thì cũng chỉ biết than trời, chứ chẳng biết kêu ai.
Theo Anninhthudo.vn