31/10/2018

César Pelli: “Ta luôn khao khát vươn đến bầu trời”

Ông Pelli, với tư cách người thiết kế một số tòa nhà cao nhất thế giới. Ông nghĩ tại sao con người có khát khao vươn đến bầu trời như vậy?

Con người rất hứng thú với những thứ ở trên cao, đó là lý do tại sao đỉnh Everest quan trọng đến vậy. Đó không phải một ngọn núi khó chinh phục nhưng là đỉnh cao nhất. Đối với người Trung Quốc, những ngọn núi cao được coi là đường lên trời, nối liền thiên đàng với mặt đất. Tôi biết được điều này khi nghe thuyết giảng của một kiến trúc sư người Trung Quốc ở Bảo tàng Metropolitan.

Tôi đã hỏi ông: “Một tòa cao ốc có sánh ngang được với ngọn núi thiêng không?” Câu trả lời là: “Có, nó cao và thanh nhã.” Có những thứ cao mang nhiều giá trị hoặc không mang chút nào. Đó là điều tôi quan tâm, tôi muốn nắm bắt phần hồn của công trình gắn liền với những cốt lõi cao quý nhất.

Tòa nhà Empire State

Tòa nhà Empire State

Ông lớn lên ở Tucuman, Argentina, trên sườn núi Aconquija. Có thể đó là nơi khởi nguồn với niềm đam mê bầu trời của ông.

Có thể. Tucuman cách những rặng núi cao đó khoảng 8km. Có thể thấy một đỉnh núi cao hơn Mont Blanc, nhưng những rặng núi có cảm giác như là yếu tố điểm theo đường ngang hơn. Sự thực thì tôi không biết mối quan tâm đến nhà cao ốc của mình bắt đầu từ đâu. Không thể là từ quê nhà vì ở đó không có nhà cao tầng! Tôi đã rất kinh ngạc khi họ xây nhà 7 tầng đầu tiên ở Tucuman.

Ông có nhớ lần đầu tiên nhìn thấy một tòa cao ốc không?

Khi tới Buenos Aires tôi được thấy một tòa nhà tuyệt đẹp có tên Kavanagh. Nó được xây vào những năm 30 và đứng trước một quảng trường xanh lớn. Đó là lần đầu tiên tôi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một công trình như vậy. Khi còn nhỏ tôi không thực sự quan tâm đến chiều cao của tòa nhà. Cho đến giờ vẫn vậy, thực chất tôi không thích công trình cao tầng.

Tòa nhà Kavanagh

Tòa nhà Kavanagh

Kể cả những tòa cao ốc mà ông thiết kế?

Tôi không phải một người quá yêu thích thành quả của mình! Nếu thiết kế căn hộ, tôi sẽ chọn khoảng 5 hay 6 tầng để có thể thấy mọi người, cây cối, phố xá. Ngoài đó ra tôi sẽ mất kết nối tới xung quanh. Tôi không thực sự hứng thú với nhà cao tầng cho đến khi tự thiết kế một công trình.

Từ khi nào ông muốn theo đuổi nghiệp kiến trúc?

Vào thời điểm đó tôi còn không biết có một ngành nghề như vậy! Ở quê nhà tôi không có kiến trúc sư nào có tiếng. Kiến trúc là lĩnh vực mà sau này tôi mới phát hiện, và nó thật phi thường. Ở Argentina, sau cấp phổ thông là định hướng nghề trực tiếp. Khi nhìn qua các ngành ở đại học tôi thấy có kiến trúc là chưa nghe đến bao giờ, và nó liên quan đến tất cả những gì tôi thích: Vẽ, lịch sử, thiết kế, nghệ thuật và chặng đường bắt đầu từ đó.

Trung tâm Tài chính Hong Kong

Trung tâm Tài chính Hong Kong

Dường như ông biết đến kiến trúc thông qua việc học nó.

Đúng vậy! Khi nó trở thành một bộ môn tôi cần hiểu sâu, tôi bắt đầu đi thêm vào khía cạnh của những toàn nhà cao tầng, tìm hiểu điều gì khiến chúng quan trọng, cần khai thác điểm nào. Tôi rất thích quá trình tìm hiểu ấy.

Ông đã giải quyết được thắc mắc chưa?

Tôi nhận thấy quá trình thiết kế nhà cao tầng liên quan nhiều đến phạm trù cảm xúc, tôi muốn kết nối tới công trình và phần hồn của nó. Có thể nói ta luôn khao khát đến bầu trời, tôi hiểu sức hút mãnh liệt đó. Một tòa cao ốc không đơn thuần chỉ là hình trụ vươn từ gốc đến ngọn.

Tòa nhà Chrysler

Tòa nhà Chrysler

Ý ông là sao?

Theo quan điểm của tôi, một tòa nhà cần có vương miện, một điểm nhấn cho thấy nó tương tác với bầu trời, có một sức truyền cảm hướng đến chúng ta. Cách thể hiện điều đó là nghệ thuật của kiến trúc. Đó là lý do tôi thấy những tầng đầu tiên của tòa nhà Chrysler thật đáng khâm phục vì chúng mang giá trị đó, tòa nhà Empire State cũng vậy. Nếu nhờ một đứa trẻ vẽ nhà cao ốc, chắc chắn nó sẽ trông giống Empire State, đó là một hình ảnh rất mạnh mẽ.

Tháp Petronas ở Kuala Lumpur do ông thực hiện là tòa nhà cao nhất thế giới vào năm 2004 và lấy cảm hứng từ văn hóa đạo Hồi. Việc ghi dấu văn hóa trong công trình có quan trọng với ý niệm thiết kế không?

Tôi nghĩ là có. Nhiều kiến trúc sư thường tới các quốc gia khác và thiết kế một công trình kiểu Mỹ. Tôi nghĩ đó là một sai lầm. Ta cần tôn trọng văn hóa bối cảnh nếu không nơi nào trông cũng sẽ giống nhau.

Tháp Petronas

Tháp Petronas

Mà không may đó đang là thực trạng. 100 năm trước đô thị Châu Á trông rất khác với Châu Âu bây giờ.

Đúng vậy, sự đồng nhất diễn ra càng nhiều thì ta càng mất kết nối tới sức sống thành phố của mình. Tôi rất cẩn thận để không mắc phải điều đó. Tháp Petronas phức tạp hơn vậy bởi tôi cần thể hiện cảm xúc và truyền tải đến những người theo đạo Hồi, những người đến từ quốc gia khác mình.

Ông tạo ra sự kết nối nói trên bằng cách nào?

Tôi cần đi sâu vào văn hóa đạo Hồi và cố lột tả thần thái của nó. Truyền tải qua một công trình đương đại, đồng thời hướng đến tương lai mà vẫn có gốc rễ quá khứ, điều đó không dễ dàng gì vì Malaysia không có truyền thống kiến trúc.

Tòa nhà Key Tower do Pelli thiết kế ở Ohio

Tòa nhà Key Tower do Pelli thiết kế ở Ohio

Có phải vì các công trình đều có từ thời thuộc địa?

Đúng vậy, chúng tuy đẹp nhưng là kiến trúc do người Anh thiết kế, vì vậy người dân Malaysia không có cảm xúc gì với chúng. Vậy nên tôi phải đào vào phần hồn dân tộc của họ và sáng tạo từ đó. Người Malaysia yêu mến, tự hào về Petronas. Tôi cũng khao khát làm ra những gì mọi người đều cảm thấy gắn bó sâu sắc về cảm xúc. Đó không phải thứ dễ đạt được nhưng thành quả vô cùng xứng đáng.

 

handhome