Cầu Trần Hưng Đạo “làn sóng uốn lượn” vốn 9.000 tỷ và những băn khoăn
Sau khi TP Hà Nội lựa chọn phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo, PV phỏng vấn KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội về việc này
Thưa ông, TP vừa chọn phương án cầu Trần Hưng Đạo với kết cấu vòm “những làn sóng uốn lượn”. Thiết kế này đoạt giải nhất cuộc thi tuyển do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hồi tháng 10/2021. Ông có bình luận gì về thông tin này?
Cầu Trần Hưng Đạo đã từng công bố phương án thiết kế từ năm 2017, phương án “cổ điển xứ Đông Dương” đã từng được Hội đồng tuyển chọn chấp nhận, sau đó có nhiều ý kiến phản đối nên đã tổ chức thi và chọn ra phương án “những làn sóng uốn lượn”.
Đây là thủ tục thi tuyển bình thường và kết quả đã trưng bày công khai, nay Thành phố công bố lựa chọn.
Cuộc thi vẽ trang trí cầu đã có kết quả dựa trên các tiêu do Hội đồng chấm thi đặt ra. Chủ tịch Hội đồng cũng là Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, TS.KTS Phan Đăng Sơn cho biết: “Các phương án được lựa chọn đều đáp ứng các tiêu chí về tính bền vững, thẩm mỹ, sáng tạo, phù hợp với văn hoá, môi trường cảnh quan xung quanh và kinh phí đầu tư xây dựng”.
Cần nói rõ, đây không phải thi thiết kế cầu mà chỉ là thi vẽ trang trí cầu vì đã chỉ ra cầu làm theo loại kết cấu, toàn bộ cấu trúc đã được định dạng, kích thước, chiều dài, chiều cao, độ dốc, điểm đầu điểm cuối đã được chốt như cũ. Do đó, cuộc thi thiết kế cầu thực chất chỉ là thi trang trí cầu, từ “giả cổ” sang trang trí “uốn lượn” mà thôi.
Theo ông, lựa chọn phương án thiết kế cầu có đồng nghĩa với việc Thành phố sẽ quyết định đầu tư xây dựng cây cầu này theo đúng phương án trên, vậy người dân đang sinh sống ở hai đầu cầu này sẽ có tương lai thế nào?
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội có trách nhiệm trả lời công luận việc này. Cá nhân tôi và xã hội tuy quan ngại về những thông tin đã công bố nhưng vẫn còn nhiều ẩn số. Một nửa cái bánh vẫn là miếng bánh. Một nửa thông tin không gọi là thông tin, thậm chí không có tác dụng tích cực mà còn nguy hại.
Hà Nội sau mỗi lần đồn đại xây cầu qua sông Hồng đều làm thị trường bất động sản nổi sóng, gây bất ổn đến cuộc sống xã hội. Cá nhân tôi cho rằng, Hà Nội cần công bố toàn bộ thông tin một cách tường tận, minh bạch liên quan đến cây cầu này để các bên liên quan nhận diện đầy đủ .
Theo ông thì những thông tin nào cần tường minh?
Một thông tin đầy đủ bao gồm “Ai – Cái gì – Ở đâu – Khi nào – Bao nhiêu”. Hà Nội làm chủ đầu tư cầu Trần Hưng Đạo việc đặt cầu nổi tại đây sẽ có những tác động tích cực tiêu cực như thế nào với đường thủy, đường bộ, đường sắt? Giá thành đắt hay rẻ so với các phương án cấu trúc khác hoặc so sánh giá thành với các cầu khác?… Những câu hỏi này rất nhiều và nếu lập dự án bằng cách vẽ/tính thủ công như tư vấn đang làm thì khó mà trả lời chính xác, thấu đáo.
Tất cả các dự án tương tự trên thế giới đã dùng công cụ BIM (Building Information Modeling) để triển khai. Có thể trả lời tức thời cùng một lúc tất cả các câu hỏi. Tôi cho rằng với cây cầu gần 9 nghìn tỷ đồng bằng vốn ngân sách và bằng phí dân trả thì không thể trình bày một cách chưa đầy đủ như hiện nay. Nó quá lạc hậu với đòi hỏi thực tiễn và thể hiện năng lực quản trị dự án lẫn tư vấn chưa đủ tin cậy.
Hà Nội đã từng chứng kiến các dự án đường sắt đô thị được lập bởi các tư vấn thủ công, lạc hậu, quản trị bởi đội ngũ nhân lực chất lượng thấp đã làm lãng phí tiền của xã hội. Các nhà thầu bỏ dở, quan hệ căng thẳng… hoặc đòi đền bù tới hàng trăm triệu USD vì vi phạm hợp đồng ký kết.
Cầu 9.000 tỷ và những băn khoăn
Cầu Trần Hưng Đạo khái toán gần 9 nghìn tỷ, đắt gần gấp 2 cầu Vĩnh Tuy và gấp 4 lần cầu Hưng Hà mới khánh thành (nối Hưng Yên với Hà Nam). Phải chăng Hà Nội đang lồng ghép chức năng giao thông với trang trí đẹp mắt cho Thành phố đúng như mong đợi của mọi người?
Thành phố chủ trương đầu tư 50%, còn lại 50% BOT thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, như vậy là cầu xây bằng tiền dân đóng phí và đóng thuế.
Câu hỏi: “Có nên xây cầu đắt để trang trí cho đẹp” sẽ do người dân đóng tiền trả lời chứ không phải theo ý thích của bất cứ ai và không cần ai trả lời hộ.
Tại sao đắt gấp đôi cầu Vĩnh Tuy hay gấp 4 lần cầu Hưng Hà thì ai ký duyệt tổng dự toán cây cầu này sẽ có trách nhiệm giải trình với công luận là công bằng nhất.
Với tư cách là công dân Hà Nội trả phí qua cầu và với vị trí là thành viên Hội KTS Hà Nội, tôi thấy trang trí cây cầu này bằng những dàn thép uốn lượn không đáng tiền. Với vị trí là thành viên Hội nhà báo Việt Nam, tôi luôn hỏi những tổ chức cá nhân liên quan rằng tại sao phải xây cây cầu vừa đắt lại còn nhiều hạn chế tại đây khi có những phương án khác có lợi ích nhiều mặt hơn?
Trong Quy hoạch GTVT Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt ghi rõ “cầu/hầm Trần Hưng Đạo”, vì sao Hà Nội nay lại quyết làm cầu mà không làm hầm, thưa ông?
Tôi cũng đã đặt câu hỏi này tới vị lãnh đạo cấp cao ngành Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thì được trả lời là “sông Hồng là đứt gãy động đất nên làm hầm nguy hiểm”. Câu trả lời không thỏa đáng.
Thứ nhất, nếu sông Hồng là đứt gãy thì cầu ngầm hay nổi đều có nguy cơ như nhau và đều phải đưa “xung chấn động đất” vào để tính toán đảm bảo an toàn.
Thứ hai, có vô số hầm vượt sông, biển qua các vị trí đứt gãy nguy hiểm nhưng đã được thiết kế và xây dựng vận hành an toàn trên khắp thế giới. Điển hình là ngầm vượt eo biển nối liền 2 lục địa Á – Âu tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ…
Nỗi lo ngại khó khăn về kỹ thuật thì Việt Nam đã có kinh nghiệm xây hầm Thủ Thiêm (TP.HCM). Nỗi lo ngại là chi phí đắt hơn gấp 2-3 lần cầu nổi thì bù lại nó gia tăng thêm 5 chức năng (cầu đường sắt ngầm; đường thủy thuận lợi; bể trữ nước ngầm hỗ trợ thoát nước, hạn chế úng ngập; tăng không gian dịch vụ thương mại, bãi đỗ xe ngầm và giảm xung đột trực tiếp với mạng lưới đường nhỏ đầu cầu vào trung tâm thành phố).
Các chức năng này chia sẻ suất đầu tư tới mức phần đường bộ ngầm qua sông có thể chỉ còn 0 đồng.
Hà Nội đang phải giải trình những hạn chế trong công tác quy hoạch manh mún, điều chỉnh tùy tiện gây tắc đường, úng ngập, thiếu cây xanh, mặt nước, ô nhiễm môi trường… Do vậy, khi đầu tư dự án lớn không thể chọn việc dễ làm, lợi ích đơn lẻ, ngắn hạn mà cần thực hiện theo quy hoạch tích hợp đa ngành, đa mục tiêu, mang về đa lợi ích.
Dự án cầu Trần Hưng Đạo chính là cơ hội tốt nhất để Hà Nội vượt khỏi những sai lầm quy hoạch để bước tới tương lai bền vững, thịnh vượng một cách xứng đáng.
Xin cảm ơn KTS Trần Huy Ánh!
Kiên Trung/Vietnamnet