Bài 4: Thiếu tướng, PGS,TS Lê Văn Cương: Muốn “cất cánh”, phải nghĩ lớn, làm lớn bằng những dự án cụ thể
Đó là trao đổi của Thiếu tướng, PGS, TS Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an) khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về câu chuyện “đánh thức mặt tiền Biển Đông”. Theo ông, các nghị quyết về chiến lược phát triển kinh tế biển của ta đều rất hợp lý và thể hiện được tầm chiến lược nhưng phần lớn mới dừng lại ở ý tưởng và chưa có nhiều đề án để thực hiện một cách có hiệu quả. Chúng ta cần suy ngẫm và tham khảo cách làm từ Hàn Quốc trong phát triển kinh tế biển, bắt đầu bằng một dự án lớn mà ban đầu nhiều người còn phản đối vì chưa hiểu hết tầm vóc, tính khả thi của nó.
Khó “cất cánh” nếu nghị quyết đúng nhưng thiếu các đề án, dự án triển khai hiệu quả
Phóng viên (PV): Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và các nghị quyết đều xác định phải phát triển các khu kinh tế biển, các chuỗi đô thị. Vậy theo ông cách làm cần như thế nào?
Thiếu tướng, PGS,TS Lê Văn Cương: Tôi thấy các nghị quyết về chiến lược phát triển kinh tế biển của ta đều rất hợp lý và thể hiện được tầm chiến lược nhưng phần lớn mới dừng lại ở ý tưởng và chưa có nhiều đề án để thực hiện một cách có hiệu quả. Chúng ta cần suy ngẫm và tham khảo cách làm từ Hàn Quốc. Năm 1961, ông Park Chung-hee – lúc đó là Tổng thống Hàn Quốc nêu ý tưởng muốn biến Hàn Quốc thành cường quốc kinh tế sau 20 năm thì ít người dám tin vào điều này. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, Hàn Quốc thực sự trở thành một cường quốc kinh tế bằng phương pháp lãnh đạo kiên quyết, thực tiễn và hết lòng của lãnh đạo đất nước Hàn Quốc và những người cộng sự.
Tôi kể thêm một câu chuyện cụ thể. Họ đã quyết liệt trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển kinh tế vùng bờ biển phía Nam Hàn Quốc. Khi ấy, lãnh đạo Hàn Quốc đã thực hiện được một kỳ công là xây dựng xa lộ Seoul – Busan II – công trình xây dựng cầu đường lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc, chạy dọc theo chiều dài của Hàn Quốc, từ thủ đô Seoul tới Hải cảng Busan ở bờ biển phía Nam. Nhưng khi đề nghị dự án xây dựng xa lộ này thì có rất nhiều người không ủng hộ vì nó quá tốn kém. Tuy vậy, lãnh đạo đất nước Hàn Quốc và những người khát khao phát triển đã không nản lòng. Cuối cùng, ngày 1-2-1968, công trình được khởi công và toàn bộ 428km xa lộ đã hoàn tất vào ngày 30-6-1970. Trong 3 năm đầu, xa lộ Seoul – Busan II đã phục vụ cho khu vực và tạo ra 70% tổng sản lượng quốc gia; xe cộ sử dụng con đường chiếm tới 80% lượng xe lưu thông trong nước. Câu chuyện của họ cho thấy, muốn phát triển chỉ dừng ở chủ trương thì chưa đủ, cần phải cụ thể hóa bằng những đề án, dự án lớn. Muốn “cất cánh”, phải dám nghĩ lớn, làm lớn bằng những dự án cụ thể.
Vì vậy, tôi cho rằng, muốn phát triển kinh tế biển phải bảo đảm được ba yếu tố cùng thực hiện: Trước tiên phải có những nghị quyết đúng (cái này chúng ta đã có rồi); sau đó là đến các đề án tổ chức thực hiện và sau nữa là kiểm tra, giám sát. Làm tốt được ba yếu tố này thì mới có thể nghĩ đến bảo đảm phát triển kinh tế biển và kết hợp quốc phòng, an ninh.
Phải chú trọng khai thác vùng bờ biển
PV: Xin ông cho biết, vai trò của các “tiền đồn kinh tế” trên biển trong bối cảnh khu vực hiện tại như thế nào?
Thiếu tướng, PGS, TS Lê Văn Cương: Vấn đề thứ nhất: Từ khi có Chiến lược phát triển kinh tế biển, đến nay chúng ta đã đạt được một số thành tựu cơ bản trong phát triển kinh tế biển quan trọng, kể cả về tư duy, nhận thức đến bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế… Tuy nhiên, Việt Nam chưa phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra quốc tế của các địa phương có biển. Kinh tế biển vẫn còn nhỏ bé về quy mô, còn bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề. Điều đáng chú ý là việc phát triển kinh tế biển chưa gắn với liên kết kinh tế vùng, chưa tạo thành được chuỗi kết nối giữa các địa phương có biển và các địa phương khác, do vậy chưa tạo ra mối liên kết kinh tế, phát huy được lợi thế so sánh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Trong khi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-12-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: “Phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo hài hòa… giữa lợi ích giữa các địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh; phát huy tiềm năng lợi thế của biển”.
Vấn đề thứ hai: Chúng ta phải phân tuyến các vùng kinh tế biển từ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; vận tải biển; khai thác dầu khí trên biển; du lịch biển; nghề làm muối biển; dịch vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển… Từ đây xây dựng thành các vùng kinh tế biển trọng điểm để phát triển những ngành này. Như vậy sẽ góp phần gia tăng sự phát triển kinh tế-xã hội. Thực tế cho thấy, ngành khai thác dầu khí là nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, còn nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản rồi chế biến; làm muối biển là sinh kế cứu cánh cho ngư dân ven biển. Cũng có ngành mang lại nguồn thu vô tận nếu biết khai thác bền vững như ngành du lịch biển nhưng còn ít được chú trọng.
Bên cạnh phát triển những phân ngành khai thác vùng không gian biển bao giờ cũng phải chú ý đến các ngành gắn với khai thác vùng bờ biển, là những ngành mang tính chất điểm tựa cho các ngành khai thác không gian biển. Những ngành gắn với khai thác vùng bờ biển bao gồm xây dựng các cảng biển, phát triển khu kinh tế công nghiệp ven biển, các khu nghỉ dưỡng ven biển… Thông thường các ngành công nghiệp ven biển dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội hiện có của từng vùng, bao gồm: Công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển, công nghiệp khai thác khoáng sản. Những lĩnh vực này đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thúc đẩy các phân ngành khai thác không gian biển. Sản phẩm của các ngành khai thác không gian biển thường là yếu tố đầu vào đối với các ngành gắn với khai thác vùng bờ biển. Do đó, khi các ngành khai thác vùng bờ biển được phát triển sẽ tạo ra sự kết nối giữa hai vùng không gian kinh tế nói trên thành thể thống nhất, bổ sung tạo điều kiện cho sự khai thác kinh tế biển hiệu quả hơn.
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII cần bổ sung, phát triển chủ trương về kinh tế biển
PV: Theo ông, các dự án lớn hay các cụm kinh tế biển nên trao cho các doanh nghiệp Quân đội hay doanh nghiệp dân doanh cơ hội này?
Thiếu tướng, PGS, TS Lê Văn Cương: Tôi mong muốn các tập đoàn kinh tế của Quân đội vươn ra biển làm kinh tế. Song song với các lĩnh vực đang khai thác hiện nay, cần có thêm những cụm kinh tế biển từ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; vận tải biển và nhiều lĩnh vực khác cũng cần nghiên cứu nên mở rộng cho Quân đội quản lý. Bởi vì dù sao cách quản lý và vận hành của Quân đội hiện nay cũng yên tâm hơn. Đây cũng chính là phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh một cách khoa học và hiệu quả nhất.
Từ trước đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn đóng vai trò xung kích, nòng cốt trong tham gia xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới với trọng tâm là triển khai xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng. Đặc biệt, Quân đội đã xây dựng được nhiều khu kinh tế-quốc phòng ở đất liền. Các khu kinh tế-quốc phòng là nhân tố quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước. Chính vì vậy, để phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh rất cần sự tham gia vào cuộc của các tập đoàn kinh tế của Quân đội. Tuy nhiên, phải phát triển hài hòa giữa các bên, nhưng mục tiêu chung là Quân đội phải vươn ra biển làm kinh tế.
PV: Theo ông, Đại hội XIII của Đảng tới đây cần đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế biển như thế nào?
Thiếu tướng, PGS, TS Lê Văn Cương: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng được viết trong năm 2019, trong đó có đặt vấn đề về phát triển kinh tế biển nhưng tôi có cảm nhận dự thảo dù đã quan tâm nhưng rất cần phải quan tâm sâu sắc hơn và có những chủ trương quyết liệt hơn để phát triển kinh tế biển và phải coi đây là một lĩnh vực trọng điểm. Dịch Covid-19 xuất hiện vào cuối 2019 và đầu năm 2020 nên tới đây, theo tôi dự thảo cũng cần bổ sung vấn đề này vì hiện trong Dự thảo cũng chưa có một từ nào về Covid-19.
Tôi cho rằng, nền kinh tế thế giới sau Covid-19 cũng sẽ khác rất nhiều nên kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm tới (giai đoạn 2021-2026) của nước ta cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, vấn đề phát triển kinh tế biển phải được bổ sung vào Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII một cách cụ thể và coi đây là một vấn đề quan trọng để thảo luận và tổ chức thực hiện. Như vậy, Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 và những nghị quyết khác về phát triển kinh tế biển mới không bị rời rạc và có tính kế thừa.
Việt Cường/Quân đội nhân dân online