Ngôi nhà cổ tiện nghi với sân vườn nhiều cây xanh

Trong khi nhiều người phá nhà cổ, xây nhà hiện đại, anh Đạt lại mua khung nhà gỗ kết hợp với đá ong làm nơi ở cuối tuần thoải mái ở Đường Lâm (Hà Nội).

Sở hữu mảnh đất rộng 180 m2 ở Đường Lâm (Hà Nội) từ năm 2003, anh Nguyễn Tiến Đạt phải chờ 10 năm sau mới xây khi có khung nhà gỗ như ý. Anh muốn nơi ở kiểu truyền thống làm nơi nghỉ cuối tuần cho gia đình, bạn bè và cho khách thuê trải nghiệm cuộc sống ở quê.

Một hộ gia đình xây mới nên để lại cho anh bộ khung gỗ vẫn còn nguyên bản 3 gian 2 chái với cửa bức bàn chạm khắc tinh xảo. Khu bếp nối liền với nhà chính, được xây bằng gạch đá ong nổi tiếng của làng Đường Lâm.

Để tạo cảm giác thoáng đãng cho ngôi nhà, anh Đạt chủ yếu trồng cây ở sát tường bao quanh nhà, phần lớn diện tích dành làm sân. Anh đào giếng nước sâu 13m, xây bao quanh bằng đá ong. Nước giếng xóm nhà anh từng có trong trong câu: “Nước giếng Hè, chè Cam Lâm”. Khi kết hợp chè và nước của hai xóm này sẽ có được ấm chè ngon.

Lối vào nhà giống như một cổng làng thu nhỏ với mái lợp ngói có cây cổ thụ tỏa bóng mát. Cây mít vài chục năm tuổi đã có từ rất lâu trước khi anh Đạt sở hữu mảnh đất. Xung quanh cổng trồng hoa đào Nhật Tân, tía tô cảnh, hoa hồng… Cây cối được chăm sóc chu đáo nên xanh tốt, nở hoa thường xuyên.

Phải mất 8 tháng, công trình mới hoàn thiện do làm nhà cổ đòi hỏi nhiều công phu. Anh Đạt sống và làm việc ở trung tâm Hà Nội (cách Đường Lâm 40 km) nên không có nhiều thời gian giám sát, anh nhờ thợ gỗ có kinh nghiệm trong làng hỗ trợ. Ngoài ra, anh cũng muốn nhà chỉn chu nên có sai sót phải sửa ngay. Có lần nhà dựng xong rồi nhưng sai vị trí, thợ phải chuyển khung gỗ đi khoảng 30 cm.

Sau khi dựng phần khung gỗ, anh Đạt tìm người có kinh nghiệm làm tường đá ong cho khít mạch. Nhìn bên ngoài, không thấy có vết kết nối giữa các viên đá. Chi phí hoàn thiện lên tới 1,4 triệu một m2 tường. Gian giữa nhà có bày tủ chè, hoành phi, câu đối 40-60 năm.

Chủ nhà lựa chọn các món đồ trang trí, gốm sứ mang dấu ấn xưa cũ, truyền thống của người Việt như chú Tễu trong múa rối nước, lọ hoa họa tiết men lam, đèn dầu…

Chủ nhà phải đọc nhiều tài liệu, nói chuyện với các chuyên gia về kiến trúc nhà cổ và đi tham khảo nhiều nhà để tìm hiểu ưu nhược điểm của không gian sống xưa. Từ đó, anh tự lên thiết kế cho nhà mình sao cho nhà vẫn giữ được nét cổ mà đáp ứng nếp sống hiện đại. Gian đặt phản là nơi nghỉ ngơi của nam giới trong nhà theo quan niệm xưa.

Bộ trường kỷ cổ thiết kế tinh xảo nhưng khá gọn gàng hợp với ngôi nhà không quá lớn được đặt ở gian bên kia.

 

Phía sau nhà, anh Đạt dành một khoảng không nhỏ làm giếng trời, trồng cây xanh, vừa lấy gió, ánh sáng và làm đẹp cho nhà. Hai phòng ngủ bên chái nhà có nội thất hiện đại, WC khép kín. Trong đó, có một phòng tắm hai cửa để người trong phòng hay ngoài sân đều sử dụng được.

Cây cảnh trồng trong nhà cũng theo quan niệm “trước cau sau chuối”. Những hình ảnh đồng quê như tượng mục đồng cưỡi trâu hay bình cắm lúa chín vàng đem tới cảm giác bình yên cho nhà.

Trên tường theo các bức tranh Đông Hồ, tranh tứ quý… Trong phòng ngủ cũng có một góc bàn đọc sách, làm việc nhỏ với đèn hình tố nữ đánh đàn.

Các chi tiết gỗ tinh xảo với các họa tiết rồng phượng hay lấy cảm hứng từ hai vị vua làng làng Đường Lâm như Phùng Hưng đánh hổ, Quá Đằng Giang (vượt sông Bạch Đằng của Ngô Quyền). Ngôi nhà gỗ, mái ngói ri, tường đá ong giúp cho ngôi nhà luôn mát vào hè, ấm áp vào đông.

Hồng Liên

Bình luận