TS. Lê Đăng Doanh: “Nhiều nhà đầu tư vẫn quan ngại tình trạng tham nhũng ở Việt Nam”
Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt đến từ Mỹ và EU vẫn còn quan ngại tình trạng tham nhũng, vòi vĩnh ở Việt Nam.
PV: Ông có đánh giá gì về kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 tháng đầu năm 2015? Việc sụt giảm mạnh vốn đăng ký so với cùng kỳ 2014 theo ông có đáng để lo lắng không?
CGKT: Vốn đầu tư nước ngoài giảm sút tới 45% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó cấp mới giảm 40,6%, tăng vốn giảm 51,8% là một diễn biến rất đáng chú ý, cần chú ý theo dõi trong thời gian tới.
Nếu xu thế này tiếp tục trong quý II thì đấy là một điều rất đáng quan ngại. Theo tôi, ngay từ bây giờ chúng ta cần nghiên cứu nghiêm túc các vấn đề về môi trường đầu tư, kinh doanh như Báo cáo PCI 2014 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố.
Việt Nam cần cải cách thể chế mạnh mẽ, có hiệu quả, thực hiện các chuẩn mức quốc tế về công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, chống tham nhũng có hiệu quả để thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
PV: Theo ông, triển vọng thu hút FDI trong năm 2015 sẽ diễn biến thế nào? Sẽ la xu hướng tăng hay giảm so với năm 2014?
CGKT: Rất khó để dự báo diễn biến của FDI vào Việt Nam trong thời gian tới. Một mặt, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo Nghị Quyết 19/NQ-CP ngày 12/03/2015.
Việt Nam sắp ký kết nhiều Hiệp định Thương Mại Tự do (FTA) với Liên Minh Châu Âu gồm 28 nước, với Hàn Quốc, đang tích cực đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ đón chờ các chuyển biến đó và tăng đầu tư vào Việt Nam.
Mặt khác, các nước trong khu vực hiện cũng đang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cạnh tranh gay gắt với Việt Nam. Kinh tế thế giới đang trải qua những biến động mạnh mẽ, khó lường, tác động mạnh đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.
PV: Từ trước đến nay, dòng vốn FDI từ khu vực EU và Mỹ vào Việt Nam còn khá khiêm tốn. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đàm phán hàng loạt các Hiệp định thương mại với các nước, liệu rằng dòng vốn FDI từ EU và Mỹ có tăng mạnh trong thời gian tới không, thưa ông?
CGKT: Các nhà đầu tư từ EU và Hoa Kỳ rất muốn tăng đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi từ các Hiệp định FTA mà Việt Nam sắp ký kết. Song, họ còn nhiều quan ngại về tình trạng tham nhũng, vòi vĩnh như Báo cáo PCI 2014 đã làm và công bố mới đây.
Ngoài ra, công nghiệp và dịch vụ trợ giúp của Việt Nam chậm phát triển và các nhà đầu tư từ EU và Hoa Kỳ không dễ dàng thuyết phục các doanh nghiệp nhỏ từ nước họ đến Việt Nam như Honda và Samsung đã làm được.
Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam cũng cần được cải thiện rõ rệt, tay nghề, kỷ luật lao động cần được nâng cao hơn. Chi phí về thời gian và tiền bạc để đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam còn quá cao so với khu vực. Nếu được cải thiện, Việt Nam có thể sẽ thu hút được thêm đầu tư từ những khu vực này.
PV: Vừa qua, Toyota có tiết lộ thông tin về việc sẽ xem xét rút khỏi Việt Nam. Có ý kiến cho rằng họ chỉ dọa chứ không làm thật. Ông đánh giá thế nào về việc này? Nếu Toyota rút khỏi Việt Nam thật, ông có nghĩ rằng sẽ có hàng loạt tập đoàn đa quốc gia lớn khác cũng sẽ tính rút khỏi Việt Nam?
CGKT: Việc Toyota muốn rút khâu sản xuất, lắp ráp ra khỏi Việt Nam và chuyển sang Indonesia là điều đã được họ xem xét từ lâu vì khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ giảm xuống bằng 0% thì thuế đánh vào linh kiện, phụ tùng để lắp ráp vẫn giữ ở mức cao thì không có nhà lặp ráp nào có thể có lãi, kể cả nhà lắp ráp Việt Nam.
Rất có thể các nhà lắp ráp ô tô nước ngoài khác cũng sẽ tính toán như Toyota trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo BizLive